08/12/2018 16:25 GMT+7

Đại gia bất động sản vừa chào sàn đã rục rịch tăng vốn

TRẤN KIÊN
TRẤN KIÊN

TTO - Tính đến tháng 11-2018, 11 doanh nghiệp bất động sản niêm yết mới trên sàn HoSE đóng góp cho thị trường đến 239.321 tỉ đồng vốn hóa, trong đó nhiều doanh nghiệp mới niêm yết từ cuối tháng 6 đã bắt đầu tăng vốn ồ ạt.

Đại gia bất động sản vừa chào sàn đã rục rịch tăng vốn - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán là kênh tìm vốn hợp lý khi ngân hàng có xu hướng siết chặt tín dụng - ẢNH : TRẤN KIÊN

Nếu tính riêng từ ngày 29-6 đến đầu tháng 11, sàn HoSE đã chứng kiến 7 doanh nghiệp bất động sản chính thức niêm yết với tổng khối lượng hơn 464 triệu cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa thị trường tính theo thị giá niêm yết phiên đầu tiên khoảng 660 triệu USD (trên 15.271 tỉ đồng).

Vào tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, nhiều doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ mới niêm yết có động thái ồ ạt tăng vốn.

Điển hình như Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) "chào sàn" ngày 24-7 với 150 triệu cổ phiếu và có những động thái tăng vốn liên tục từ đầu tháng 12.

Cụ thể, ngày 4-12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra thông báo về việc HPX phát hành 22,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017. 

Sau đó, vào ngày 6-12, doanh nghiệp này công bố thông tin sẽ phát hành thêm gần 27,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỉ lệ phát hành là 15,94%, tổng giá trị tính theo mệnh giá là gần 275 tỉ đồng.

Hai đợt phát hành liên tiếp dự kiến sẽ nâng khối lượng cổ phiếu niêm yết của Hải Phát trên sàn HoSE sấp sĩ 200 triệu cổ phiếu.

Trước đó, một doanh nghiệp cùng ngành khác niêm yết ngày 5-9 là Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland - mã chứng khoán CRE) do "Shark" Phạm Thanh Hưng (nhà đầu tư trong chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam) làm Phó chủ tịch HĐQT, đã được HĐQT thông qua Nghị quyết vay vốn đầu tư 400 tỉ đồng tại các ngân hàng để phục vụ việc xây dựng các dự án vào ngày 28-11.

Cùng ngày, HĐQT của doanh nghiệp này cũng thông qua Nghị quyết về phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty CP Địa ốc First Real (mã chứng khoán FIR)  "chào sàn" ngày 18-10 với số cổ phiếu khiêm tốn là 13 triệu, cũng vừa thông qua Nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 130 tỉ đồng lên 300 tỉ đồng ngày 5-12, không lâu sau thông tin khuấy động dư luận về tốc độ tăng giá “phi mã” 200% và vụ lùm xùm về việc 1,8 triệu cổ phiếu "bốc hơi".

Trả lời Tuổi Trẻ Online, phó tổng giám đốc của một doanh nghiệp vừa niêm yết, cho rằng thị trường chứng khoán thời gian gần đây biến động mạnh, nhưng kinh tế vẫn phát triển, dư địa tăng trưởng về ngắn và dài hạn của cổ phiếu bất động sản nói chung và nhóm vốn hóa trung bình, nhỏ còn rất lớn.

"Phát hành cổ phiếu huy động vốn giúp công ty giảm áp lực lãi suất vay vốn từ ngân hàng," vị này cho biết

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng nói rằng doanh thu, lợi nhuận vào cuối năm của có thể tạo “sóng” cho giá cổ phiếu giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, tổng dư nợ ngành bất động sản đã lên đến gần 20 tỉ USD vào cuối năm 2017, tương đương với 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế,cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản đang bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TRẤN KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên