11/11/2024 08:15 GMT+7

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là vị 'tư lệnh' ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng như về thị trường vàng, tiền tệ.

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Sáng nay (11-11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng là 'tư lệnh' ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.

Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.

Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối.

Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia "chia lửa" với bà Hồng.

Ngày mai, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trả lời chất vấn

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 tập trung vào ba nhóm lĩnh vực là ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn".

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Sau phần trả lời chất vấn của 3 "tư lệnh" ngành, theo ông Mẫn, chiều mai (12-11), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ông Mẫn cũng thông tin cuối kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có 76 đại biểu đăng ký chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Đại biểu: Việc bình ổn thị trường vàng như thế nào, tại sao nhà nước chỉ bán mà không mua vàng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng là người được chất vấn đầu tiên. Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, bà Hồng cho biết kể từ kỳ hợp thứ 3, kinh tế thế giới biến động khó lường, đại dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp.

Những khó khăn kinh tế trong nước, nhất là khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đặt ra những khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những nỗ lực và đạt được kết quả tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Dù vậy không tránh khỏi những hạn chế. Do vậy thống đốc Ngân hàng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu.

Trong đợt chất vấn đầu, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) hỏi thống đốc về giải pháp đưa ra thời gian qua và đánh giá của thống đốc Ngân hàng về kết quả thực hiện các giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước được người dân đồng tình. Tuy nhiên ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào nên người dân có nhu cầu không biết bán ở đâu. Nguyên nhân do đâu?

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: GIA HÂN

Ông Hòa cũng hỏi tại sao chỉ triển khai bán vàng ở TP.HCM và Hà Nội mà không bán nhiều nơi cho dân được mua?

Đại biểu cũng hỏi hiện nay lượng kiều hối về Việt Nam rất nhiều, người dân gửi vào ngân hàng lại phải chịu lãi suất 0 đồng, trong khi Ngân hàng Nhà nước đi vay nước ngoài phải trả lãi, vậy sao không vay trả lãi cho dân, nguyên nhân từ đâu?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng

Về quản lý và bình ổn thị trường vàng mà đại biểu Lưu Văn Đức đưa ra, thống đốc cho hay thị trường vàng biến động, từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao. Thực tế Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp trong thời gian này. Nhưng sau đó đến tháng 6-2024, giá vàng tiếp tục tăng ở mức rất cao. Trước khi can thiệp giá vàng từ 2.300 - 2.400 USD/ounce, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao nên Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc giảm chênh lệch. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu và can thiệp 9 phiên đấu thầu.

Song do giá vàng thế giới lập đỉnh khá cao, nên để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại. Phương án này giúp chênh lệch giá vàng giảm từ 15-18 triệu đồng/lượng, giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 4.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn - Ảnh: GIA HÂN

Theo thống đốc, do nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp còn phụ thuộc nhập khẩu vàng quốc tế, và do diễn biến khó lường nên Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát thị trường thế giới để có chính sách ổn định thị trường vàng.

Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua, bà Hồng giải thích Ngân hàng Nhà nước cung vàng do nhu cầu gia tăng, chưa đặt vấn đề mua lại, mà tập trung thực hiện giải pháp tăng cung vàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải tại sao nhà nước chỉ bán mà không mua vàng

Hiện đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 đơn vị kinh doanh mua bán vàng, vẫn diễn ra hoạt động mua bán bình thường. Việc doanh nghiệp không mua vàng cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.

Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và thành phố lớn, bà Hồng cho hay Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng chứ không quy định bắt buộc ở địa điểm nào.

Việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng xem xét đánh giá nhu cầu tỉnh thành và mở điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp nhu cầu mua bán chủ yếu là Hà Nội, TP.HCM và thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có tình trạng xếp hàng mua bán vàng miếng.

Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bão Yagi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão Yagi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay trên cơ sở khảo sát hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề là Hải Phòng và Quảng Ninh, cho thấy khách hàng chịu ảnh hưởng với dư nợ là 12.000 tỉ đồng; cũng như đánh giá mức độ thiệt hại dư nợ và người dân đã vay tại 26 tỉnh, thành phố, số dư nợ tín dụng là 190.000 tỉ đồng.

Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giải pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Với khách hàng vay vốn chịu tác động cơn bão, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện bước cuối cùng ban hành thông tư mới để cơ cấu lại khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xem xét miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện an sinh xã hội với tổng giá trị là 40 tỉ đồng.

Cùng đó, có 35 tổ chức tín dụng công bố với giá trị 195.000 tỉ đồng để cho vay ưu đãi hơn. Tính đến 31-10, cho vay mới ưu đãi 27.000 tỉ đồng và hạ lãi suất cho khoản vay hiện hữu với dư nợ 82.000 tỉ đồng; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân lĩnh vực nông nghiệp nông thôn…

Có lập sàn giao dịch vàng không?

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho biết lãi suất của các nước lớn trên thế giới giảm và đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lực lên tỉ giá của VND, áp lực lên giá cả các mặt hàng nhập khẩu, tăng giá thành.

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 5.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Ảnh: GIA HÂN

Từ đó, ông đề nghị thống đốc cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt tỉ giá và giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn tín dụng, có thể thực hiện việc mua nhà ở xã hội.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu qua nghiên cứu cho thấy so với thị trường bất động sản Trung Quốc, dư nợ thị trường bất động sản Việt Nam mới chiếm tỉ lệ 20%, Trung Quốc có thời điểm cao hơn là 30%. Như vậy vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam. Ông đề nghị cho biết quan điểm của thống đốc về vấn đề này?

Thêm vào đó, ông Khánh hỏi trên thế giới có nhiều nước phát triển cho thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Ông hỏi về quan điểm và có kế hoạch gì đề xuất với Thủ tướng thành lập sàn này?

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 6.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi với các chính sách tăng cường kích cầu, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào trong các lĩnh vực để kiểm soát gia tăng rủi ro hệ thống từ các biện pháp kích thích tăng kinh tế ngắn hạn và xử lý các nguy cơ bong bóng trong bất động sản, tài chính?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Áp lãi suất 0% để tránh đầu cơ, găm giữ và đô la hóa nền kinh tế

Về lý do áp lãi suất 0% với đồng đô la Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đây thị trường ngoại hối, tỉ giá của Việt Nam trải qua những biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng về kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị VNĐ.

Cùng với đó có những chính sách kết hợp lãi suất và tỉ giá để sao cho việc nắm giữ VND hấp dẫn và có lợi hơn.

Theo đó lãi suất đô la Mỹ đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỉ giá, ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá trên cơ sở tỉ giá trung tâm, hằng ngày có biến động lên xuống, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Theo đó doanh nghiệp và người dân có đô la bán cho tổ chức tín dụng để bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Vì thế dự trữ ngoại hối nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng tram tỉ đô la Mỹ (cuối năm 2015 chỉ có khoảng 30 tỉ đô la Mỹ).

"Chúng tôi thấy đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Còn bây giờ tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên có nghĩa người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỉ giá, còn được lãi suất tiền gửi, có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VND sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại".

Không có quy định cấm ngân hàng cho vay bất động sản

Trả lời câu hỏi của đại biểu Anh Tuấn, thống đốc cho hay diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế biến động rất phức tạp. Trước mặt bằng lãi suất tăng lên nhưng hiện nay, FED, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang ở chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và một số ngân hàng trung ương giảm lãi suất.

Đồng tiền như USD cũng biến động phức tạp, có thời gian giảm rất mạnh nhưng trong quý 3 lại tăng lên và hiện đang biến động rất cao. Đây là những diễn biến tác động rất mạnh với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước. Nên việc ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá trong nước là câu chuyện rất khó khăn bởi phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là những cung - cầu nhu cầu ngoại tệ chi ra cho nền kinh tế và nguồn thu có được.

Tuy nhiên, theo thống đốc, thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa, còn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng rất nhiều. Khi tâm lý kỳ vọng, các tổ chức có ngoại tệ không bán hay chưa cần ngoại tệ lại ra mua. Đây là thách thức với điều hành.

Về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng nói bám sát mục tiêu theo luật định là góp phần kiểm soát lạm phát, từ đó góp phần ổn định VND và điều hành tỉ giá vàng ngoại hối theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường với biên độ +-5%.

"Chúng tôi theo sát diễn biến, trong trường hợp tỉ giá có biến động quá lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp, bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Đồng thời, cũng sẽ chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ chính sách", bà Hồng nêu rõ.

Về việc giảm lãi suất, bà Hồng nói cũng rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất nhưng nếu giảm lãi suất quá thì tác động làm tăng tỉ giá, có thể gây ra câu chuyện tạo tâm lý, thậm chí tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỉ giá không được ổn định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Khánh, dư nợ tín dụng đối với bất động sản tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20-21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Như đại biểu có nêu, tại Trung Quốc, dư địa tỉ lệ này khoảng 30% thì như vậy Việt Nam còn dư địa hay không.

Theo thống đốc, việc các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỉ lệ là bao nhiêu là tùy thuộc quyết định của tổ chức tín dụng đó. Trên cơ sở phụ thuộc vào nguồn vốn mà tổ chức tín dụng huy động.

Với mỗi một ngân hàng, theo thống đốc, huy động của người dân để cho vay, mỗi ngân hàng huy động kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, nhưng cũng có tổ chức tín dụng huy động được vốn ngắn hạn. Do đó, khi cấp tín dụng bất động sản là tín dụng trung, dài hạn thì các ngân hàng phải cân đối.

"Toàn hệ thống Việt Nam có thể nói rằng huy động chủ yếu là ngắn hạn. 80% là vốn ngán hạn cho nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động, an toàn. Việc này, để người dân rút tiền vẫn đảm bảo sẵn sàng khả năng chi trả. Nên khó có thể nói dư địa mà mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn và cả hệ thống phải an toàn", thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc nêu rõ Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay bất động sản. Nhiều tổ chức tín dụng thời gian qua cũng đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Vì sao chưa thành lập sàn giao dịch vàng ở Việt Nam?

Về câu hỏi thành lập sàn vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ở một số nước trên thế giới có thành lập sàn vàng như Trung Quốc có một sàn vàng rất lớn ở Thượng Hải. Đây là một trong những sàn vàng lớn nhất, nhì trên thế giới. Tuy nhiên, trong khu vực hiện cũng còn có một số quốc gia không thành lập sàn vàng.

Việc thành lập sàn cũng sẽ có một số điểm tích cực như các giao dịch sẽ được minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nhưng đi kèm với đó, để thành lập được sàn cũng đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và Việt Nam không phải quốc gia sản xuất vàng như Trung Quốc là nước sản xuất vàng rất lớn.

Cho nên vàng để giao dịch giữa các chủ thể trong thị trường cũng phải nhập từ quốc tế.

Để thành lập sàn đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải kết hợp với các bộ ngành đánh giá kỹ lưỡng các tác động, tham mưu đề xuất với Chính phủ ở một thời điểm phù hợp.

Giải pháp giải quyết việc nợ xấu tăng cao

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đặt vấn đề hiện nay vấn đề nợ xấu tăng cao được đề cập trong báo cáo Chính phủ. Thống đốc Ngân hàng đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu, và giải pháp giải quyết vấn đề này. Nếu không giảm nợ xấu, việc điều hành chính sách tiền tệ có khó khăn gì?

Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đắk Lắk) hỏi về giải pháp quản lý hoạt động ngoại hối, kinh doanh ngoại hối không phép, lừa đảo, giả mạo trên không gian mạng hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) nêu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đặt ra là 7-7,5%/năm, mục tiêu này có ảnh hưởng gì đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chính sách tài khóa ra sao để đạt mục tiêu nói trên?

Nợ xấu đang có xu hướng gia tăng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên về tình hình nợ xấu, thống đốc cho hay nợ xấu có xu hướng gia tăng. Cuối tháng 9-2024 tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tương tự gần bằng mức cuối 2023, tăng 2% so với 2022.

Lý do là từ 2020 đến nay, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng mọi mặt kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn khiến cho việc trả nợ ngân hàng gặp khó khăn.

Để kiểm soát nợ xấu, tổ chức tín dụng khi cho vay thẩm định đánh giá kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng với khoản vay mới; nợ xấu hiện hữu tích cực đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ và phát mại tài sản nợ xấu; Ngân hàng Nhà nước có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của VAMC và công ty mua bán nợ…

Trường hợp nợ xấu tăng cao, thống đốc cho biết các tổ chức tín dụng nỗ lực nhiều giải pháp phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, với nguồn lực tự cân đối là từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng…

Về vấn đề quản lý các sàn giao dịch ngoại hối, đặc biệt là sàn Forex, thống đốc cho hay quy định quản lý ngoại hối là chỉ có tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại hối. Khi doanh nghiệp và người dân cần ngoại tệ thì giao dịch với các tổ chức tín dụng và hiện Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho sàn giao dịch nào.

"Nếu người dân thực hiện giao dịch ở các sàn này có nguy cơ bị lừa đảo" - bà Hồng nói thực trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý tăng cường phát hiện tổ chức, cá nhân thành lập sàn.

Trao đổi lại, thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về chủ trương hạn chế đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế. Giải pháp hạn chế bằng cách người dân khi có đô la bán cho ngân hàng, đây là chủ trương chuyển dần từ huy động, cho vay bằng ngoại tệ sang mua, bán ngoại tệ.

"Nếu huy động, cho vay bằng ngoại tệ, bản thân các tổ chức tín dụng sẽ gặp những rủi ro bởi tỉ giá biến động khó lường. Khi huy động ngoại tệ sẽ đối mặt rủi ro tỉ giá, bởi đã huy động phải cho vay hoặc phải đưa đi đầu tư ở nước ngoài. Vì vậy chủ trương làm sao doanh nghiệp, người dân có ngoại tệ sẽ chuyển sang VND để phục vụ sản xuất, kinh doanh", bà Hồng cho biết.

Theo bà Hồng: "Nhờ áp dụng các giải pháp đồng bộ từ năm 2016, từ chỗ dự trữ ngoại hối của chúng ta thấp, người dân và doanh nghiệp đã bán cho Ngân hàng Nhà nước để tăng tỉ lệ dự trữ ngoại hối. Còn chuyện đi vay ngoại tệ là do bản chất nền kinh tế thiếu vốn phải đi vay".

Đại biểu tiếp tục chất vấn lại tại sao chỉ bán mà không mua vàng

Đối với việc tại sao ngân hàng không mua vàng, bà Hồng cho biết các tổ chức tín dụng bán vàng thời gian qua theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn thị trường vàng.

Vàng không như ngoại tệ, để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất khó. Bản thân các tổ chức tín dụng phải đầu tư con người, trang thiết bị để nhận biết, tránh rủi ro về chất lượng về vàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc tới đây khi đề xuất những chính sách mới về vàng miếng, chúng tôi sẽ có giải pháp để có thể xử lý những vấn đề này.

Tuy nhiên theo bà Hồng: "Hiện nay 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp có những chi nhánh mua bán giao dịch ở nhiều nơi nên việc người ta không mua có thể do một số nguyên nhân, đặc biệt biến động giá vàng vừa qua rất lớn nên người ta phải cân nhắc. Mặt hàng vàng Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến cáo biến động, nếu đầu tư mặt hàng này phải chịu rủi ro, mất tiền nếu mua bán".

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 7.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: GIA HÂN

Tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ lại để thống đốc trả lời rõ, ông cho biết những nội dung này là cử tri gửi gắm để ông hỏi, đây cũng là những vấn đề hệ trọng.

Ngân hàng bán vàng miếng nhưng bán lại không mua, trong khi đó ngoài thị trường vàng cũng không mua vàng miếng "như vậy họ sẽ bán chợ đen". "Tại sao chúng ta bán mà không mua", ông Hòa đặt vấn đề.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời tại sao chỉ bán mà không mua vàng

"Người ta đã mua vàng miếng của ngân hàng rồi, giờ người ta cần tiền bán lại. Tôi nghĩ ngân hàng cũng phải mua lại để cho có tiền người ta sử dụng, lưu chuyển. Đằng này bán hoài mà không mua, không biết tới thời điểm nào đó, ngân hàng có khả năng bán vàng hết không, trong khi đó lượng vàng trong dân rất nhiều. Người ta cần bán ra lại không mua. Tôi thấy đây là điểm rất bất hợp lý, đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm", ông Hòa tranh luận.

Liên quan đến vấn đề huy động vốn từ kiều hối, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết theo số liệu từ năm 1993 - 2023, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn, với 206 tỉ USD. Tuy nhiên, ngân hàng không chủ động huy động nguồn vốn này, mà nếu có huy động chỉ trả lãi suất bằng 0%.

Trong khi đó, nhà nước lại đi vay ODA với lãi suất cao hơn, người dân trong nước có tiền mà lại không vay đi vay nước ngoài. Tại sao chúng ta không vay USD của người dân với lãi suất thấp hơn so với vay nước ngoài, để tạo động lực cho kiều bào gửi tiền về Việt Nam nhiều hơn.

Tháo gỡ vốn tín dụng xanh, vốn cho doanh nghiệp thế nào?

Nêu vấn đề về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh, đại biểu Lê Đào An Xuân (Tây Ninh) cho hay Ngần hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản về vấn đề này, ngân hàng thương mại đã cung cấp một số gói tín dụng. Từ thực tiễn nhiều doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn xanh, vậy thống đốc đánh giá thế nào về thực tiễn thực hiện để đáp ứng nhu cầu vốn xanh.

Cùng đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi Ngần hàng Nhà nước tham mưu gì cho Chính phủ về các giải pháp tín dụng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu lại việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đề nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai hàng hóa tồn kho.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là doanh nghiệp tư nhân nâng cấp từ các cửa hàng, thủ tục đơn giản chỉ cần điền thông tin vào biểu mẫu. Do tế nhị họ sẽ không ghi hết tài sản và không được theo yêu cầu. Vì vậy, nhiều loại vàng, tài sản không được chứng minh về nguồn gốc. Việc thành lập kinh doanh kiểu gia đình nên có sai sót về chứng từ. Khó khăn này là có thực và rộng khắp cả nước.

"Với tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, thống đốc có thể chỉ đạo đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn này không" - ông Hậu đặt câu hỏi.

Trả lời về tín dụng xanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay các cơ chế chính sách hiện nay cũng khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Ngần hàng Nhà nước cũng phối hợp với ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu 1 triệu héc ta lúa phát thải thấp.

Đến nay, từ chỗ 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, thì năm 2017 có 50 tổ chức phát sinh dư nợ tín dụng xanh với 650.000 tỉ đồng. Trong đó tín dụng năng lượng tái tạo chiếm 45% và nông nghiệp sạch là 30%. Dư nợ tín dụng cho tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường tăng lên 3,2 triệu tỉ đồng, trong tổng số dư nợ cả hệ thống là gần 15 triệu tỉ đồng. Như vậy từ năm 2017 - 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh là 17%/năm.

Tới đây, thống đốc cho biết đã ban hành danh mục tín dụng xanh làm căn cứ phân bổ tín dụng. Với cam kết COP26 giảm phát thải về 0 vào năm 2025 nên Ngần hàng Nhà nước sẽ nỗ lực thực hiện giải pháp về tín dụng.

Về chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thống đốc cho hay nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng/GDP hiện nay đã hơn 120% GDP, nên trong tổ chức điều hành tín dụng Ngần hàng Nhà nước sẽ hết sức cân nhắc.

Về giải pháp vốn, tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân, bà Hồng cho hay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh có từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện cũng có cơ chế doanh nghiệp có khả năng đi vay của nước ngoài và tự trả, cũng có thể cân nhắc nguồn này. Với nguồn vốn ngân hàng khi đi vay thì phải có khả năng trả nợ, có dự án kinh doanh khả thi, nên đòi hỏi phối hợp hỗ trợ nhiều bộ ngành liên quan…

"Chúng tôi sẽ ưu tiên vốn cho doanh nghiệp đáp ứng vốn cho nền kinh tế" - bà Hồng khẳng định.

Với việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vàng trong lập và sử dụng chứng từ, bà Hồng cho biết nghị định 24 đã quy định rõ về chứng từ trong kinh doanh vàng. Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội nhà nước cũng đã nêu vấn đề này, nên bà Hồng cho biết sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan để đánh giá và có phương án.

Có tiếp tục giảm lãi suất được nữa hay không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu vấn đề lạm phát CPI bình quân năm 2023 là 3,25%; 8 tháng đầu năm 2024 tăng nhẹ lên 4,04% nhưng lạm phát cơ bản chỉ 2,71%.

"Theo thống đốc Việt Nam có tiếp tục điều chỉnh lãi suất hay có các chính sách can thiệp khác để hạn chế tác động của lạm phát nhập khẩu không? Ngân hàng Nhà nước có nên thay đổi chính sách dự trữ ngoại hối để đối phó với sự thay đổi tỉ giá khi tình hình thế giới có nhiều biến động" - đại biểu Sơn nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi trên, thống đốc cho hay mục tiêu của chính sách tiền tệ là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường ngoại hối. Vì vậy việc giảm lãi suất phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới, trong nước và diễn biến thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng.

Theo bà Hồng, thời gian qua mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều so với các nước. Dự trữ ngoại hối nhà nước, nguyên tắc quản lý phải đảm bảo an toàn, can thiệp khi đất nước gặp khó khăn, cần ngoại tệ nhập khẩu phục vụ sản xuất.

"Ba nguyên tắc an toàn, thanh khoản và sinh lời nên Ngần hàng Nhà nước thực hiện theo hướng an toàn thanh khoản là chủ yếu. Còn việc sinh lời chủ yếu điều chuyển để đầu tư dự trữ ngoại hối có lợi nhất" - bà Hồng nói.

Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản

Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước giải quyết ra sao tình trạng chạy xô tăng trưởng ở một số lĩnh vực tín dụng, đồng thời hạn chế rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đây là vấn đề nóng ảnh hưởng đến sự bền vững, có lĩnh vực ngân hàng cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam.

Trao đổi về tín dụng lĩnh vực bất động sản, bà Hồng cho biết: "Ngân hàng Nhà nước không cấm các tổ chức tín dụng cho vay bất động sản".

Theo bà Hồng, quá trình đánh giá có những doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng tổ chức tín dụng vẫn không cho vay bởi tổ chức tín dụng đó huy động vốn ngắn hạn, trong khi dự án bất động sản thường vay khối lượng vốn lớn, thời gian dài.

"Ngân hàng Nhà nước hiện giám sát chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, theo quy định hiện nay không quá 30%, và Ngân hàng Nhà nước giám sát hằng ngày để có cảnh báo với các tổ chức tín dụng để cảnh báo an toàn hệ thống", bà Hồng nói.

Về thực trạng "chạy xô" tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, vừa đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 8.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: GIA HÂN

Trong đó giữ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng phải đặt trên hết, trước hết. Nếu hệ thống các tổ chức tín dụng rủi ro sẽ có hệ lụy lớn đối với nền kinh tế bởi tác động lan truyền của nó.

Căn cứ diễn biến thực tế, nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước thấy phải sử dụng công cụ room tín dụng (hạn mức cho vay) từ 2011 đến nay.

Theo bà Hồng: "Với đặc điểm vốn nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng rất nhiều nên có giai đoạn trước đó tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trên 30%, có những năm tăng lên hơn 50%. Vì thế có những hệ lụy, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng".

Bà Hồng cho biết: "Có những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn và Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng biện pháp room tín dụng để điều hành. Việc phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng với các tổ chức tín dụng đều phải căn cứ trên việc đánh giá xếp hạng cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức. Đi đôi với đó thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng cao và tiềm ẩn rủi ro".

Thực tế thống đốc cho hay: "Có thể có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng cao nhưng họ quản trị rủi ro tốt, nhưng cũng có những tổ chức tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tiềm ẩn rủi ro".

NHNN mời Bộ Công an theo dõi thị trường vàng để tránh trục lợi, gian lận

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đặt vấn đề quản lý thị trường vàng bám sát nghị định 24 và các quy định pháp luật. Bên cạnh những biến động thị trường vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới và cung - cầu thị trường, cũng không loại trừ khả năng có hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan về thuế, cạnh tranh dẫn đến chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Có ý kiến cho rằng có nhiều bộ ngành tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao. Quan điểm và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để quản lý tốt thời gian tới?

Trả lời, thống đốc cho hay mỗi bộ ngành đều chủ trì tham gia quản lý và các bộ ngành khác tham gia quản lý và không trùng lắp. Qua quản lý thị trường vàng, bà Hồng cho rằng mỗi bộ ngành cần chủ động để phối hợp tham gia. NHNN cũng chủ trì đầu mối quản lý thị trường vàng, mời đại diện các cơ quan liên quan, đặc biệt Bộ Công an hỗ trợ, theo dõi trong quá trình triển khai để tránh hành vi trục lợi, gian lận trong quá trình NHNN can thiệp.

Cùng đó, NHNN cùng phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đi kiểm tra doanh nghiệp vàng và đánh giá các nội dung thực hiện của nghị định 24, tham mưu Chính phủ ban hành quy định mới nhằm hạn chế, khắc phục khó khăn.

Có thể tiếp tục giảm lãi suất

Nêu câu hỏi, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi Chính phủ ban hành nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy mô không quá 40.000 tỉ đồng. Kết quả thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31 và giải pháp trong thời gian tới ra sao?

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là chương trình hỗ trợ trong gói phục hồi nền kinh tế theo nghị quyết 43 của Quốc hội.

Do nhiều nguyên nhân khách quan về đánh giá tình trạng phục hồi tâm lý e ngại, thanh kiểm tra… nên kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp.

Tính đến cuối 2023 thì doanh số hỗ trợ lãi suất đạt 240.000 tỉ đồng, dư nợ đạt hơn 61.000 tỉ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đạt khoảng 1.218 tỉ đồng, tương đương 3,05% so với tổng quy mô nguồn lực 40.000 tỉ đồng cho gần 2.300 khách hàng. Kết quả này đã được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 7.

Bà Hồng nói nguồn của gói hỗ trợ lãi suất này là của ngân sách phát hành trái phiếu, không sử dụng hết thì Chính phủ quyết định hủy dự toán.

Bà Hồng thông tin thêm chương trình phục hồi nền kinh tế và theo nghị định 31 đã kết thúc vào cuối năm 2023, theo đó, việc hỗ trợ lãi suất này sẽ không thực hiện được nữa. Trong thực tiễn triển khai điều hành tín dụng, lãi suất, NHNH đã bám sát mục tiêu. Trong điều kiện có thể khi lạm phát được kiểm soát, ổn định tiền tệ, ngoại hối thì NHNN thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Gần đây, NHNN đã đề xuất và hệ thống ngân hàng tự nguyện đưa ra gói tín dụng cho nhà ở, công nhân và người có thu nhập thấp. Vốn do tổ chức tín dụng huy động, lãi suất được giảm so với thị trường là 1,5-2% và từ nguồn lực của các ngân hàng thương mại.

Vừa qua, các ngân hàng đã đồng thuận và có thể tiếp tục giảm lãi suất. Các gói lãi suất nông nghiệp, thủy sản từ 30.000 tỉ lên 60.000 tỉ đồng thì cũng là gói có hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng tham gia.

Thêm vào đó, bão lũ vừa rồi, gói 405.000 tỉ đồng mà các tổ chức tín dụng đưa ra có lãi suất giảm so với lãi suất cho vay trên thị trường.

Vàng trong dân là "vàng chết", đại biểu hỏi giải pháp để vàng trở thành nguồn lực

Nêu câu hỏi, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng việc trong báo cáo của NHNN gửi đại biểu Quốc hội, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc liên quan quản lý thị trường vàng xác định chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư sản xuất kinh doanh. Vàng nằm im trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh rất lớn. Bà hỏi cần có giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói đây là câu hỏi rất hay và trong phần trả lời trước đã nêu vấn đề này. Cụ thể, theo bà Hồng khi chống vàng hóa, đô la hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Bởi khi nắm giữ vàng có thể giá trị rất lớn nhưng khi nắm giữ như vậy thì số tiền đó người dân không sử dụng được.

Nếu tiền đó chuyển ra VND sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác. Như gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất kinh doanh. Hay đầu tư vào các cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán để phục vụ sản xuất kinh doanh.

"Chính vì vậy, NHNH và trong tinh thần của nghị định 24 là chống vàng hóa, khuyến khích người dân không nắm giữ vàng, nhất là vàng miếng. Bởi vàng miếng giá trị cao. Chính vì thế, có chính sách nhà nước độc quyền, xuất nhập khẩu vàng miếng, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng", bà Hồng nói.

Để không khuyến khích người dân mua vàng, theo bà Hồng, có rất nhiều giải pháp theo kinh nghiệm của các nước. Hiện NHNN đang đánh giá tổng kết nghị định 24 theo hướng thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu câu hỏi chất vấn

Cùng đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu thực trạng sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cho thấy thị trường vẫn chưa thực sự ổn định. Vậy giải pháp nào để người dân yên tâm về sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ đầu cơ vàng để dành nguồn lực phát triển đất nước?

"Tôi đánh giá cao NHNN thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Nhưng tôi xin hỏi thống đốc khi kéo giá vàng SJC với giá vàng thế giới thì ai được hưởng lợi và ai sẽ thiệt" - đại biểu nêu câu hỏi.

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 9.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Ảnh: GIA HÂN

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng thị trường vàng chưa thực sự ổn định và "vàng là vấn đề đau đầu của thế giới". Trước khi NHNN can thiệp giá vàng là 2.300-2.400 USD/ounce, nay đã là 2.700 USD/ tăng hơn 50% so với đầu năm.

Với mục tiêu đưa chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giảm xuống, không khuyến khích chênh lệch vì nếu tăng cao thì thời gian qua có hiện tượng nhập lậu vàng. Vì vậy NHNN can thiệp để giảm chênh lệch còn 3-4 triệu đồng/lượng. Giá tăng giảm và biến động là do những yếu tố khách quan thế giới, phụ thuộc vào biến số thị trường tài chính thế giới từ tỉ giá, giá dầu…

NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ để xem xét giải pháp can thiệp. Giải pháp căn cơ là NHNN phối hợp bộ, ngành đánh giá tổng kết nghị định 24 để tham mưu Chính phủ giải quyết vấn đề tồn tại hạn chế, hướng tới sự ổn định.

"Quan điểm chung của NHNN, chủ trương chống vàng hóa thì làm sao vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Còn đối với vàng tích lũy, NHNN sẽ có giải pháp đánh giá phù hợp để quản lý" - bà Hồng nói.

Về câu hỏi giá vàng biến động ai được lợi, bà Hồng cho rằng người dân mua vàng giá cao và bán sẽ được giá cao và khi mua thấp mà bán thấp sẽ có giá thấp. Tức là cái lợi người này thì người khác lại bị mất.

Với các thành viên tham gia thị trường vàng, doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ phải tính toán để làm sao không chịu rủi ro. Vì đây là những khâu trung gian mua và bán.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời đại biểu Dương Khắc Mai

Còn với doanh nghiệp mua để đó và bán thì phải chịu rủi ro, vì vốn của doanh nghiệp là VND và không phải có nhiều vốn. Vì vậy, khi cần mua vàng có thể phải chịu rủi ro và quy định hiện hành không được đi vay để mua vàng.

Với NHNN khi mua vàng về can thiệp để bán, nên sẽ phải có công cụ phòng ngừa rủi ro. Sau khi can thiệp thị trường, NHNN có biện pháp là mua ngay vàng trên thị trường thế giới, tránh khoảng trống. Với mặt hàng vàng giá trị cao, giá cả lên xuống thất thường nên cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo đầu tư cần thận trọng tính toán cho phù hợp.

800.000 tỉ đồng gửi ở Ngân hàng Nhà nước

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), đặt câu hỏi về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Ông nói sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô hết sức quan trọng với dòng tiền nhàn rỗi tại Kho bạc Nhà nước trong những năm qua, đặc biệt là thời điểm nhạy cảm khi áp lực tỉ giá đang căng thẳng ra vào hệ thống ngân hàng.

Thống đốc đánh giá như nào về sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách tốt nhất?

Ông cũng hỏi thêm việc Quỹ Bảo hiểm xã hội sử dụng khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỉ đồng tham gia vào thị trường trái phiếu Chính phủ là đối thủ cạnh tranh với các tổ chức tín dụng. Ông đề nghị thống đốc đánh giá về vấn đề bảo toàn vốn, bảo đảm an sinh xã hội, làm lành mạnh thị trường. Ông đề nghị thống đốc trả lời nội dung này bằng văn bản.

Thống đốc: Thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng - Ảnh 10.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: GIA HÂN

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay theo luật định, Ngân hàng Nhà nước có chức năng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ. Các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi tại NHNN. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản ngân sách cũng được phép gửi tại các ngân hàng trong hệ thống.

Qua đánh giá thực tiễn, trước đây tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

"Với con số hơn 1 triệu tỉ đồng hiện nay thì 80% gửi ở Ngân hàng Nhà nước", thống đốc chia sẻ.

Tuy vậy, theo bà Hồng việc gửi tiền ngân sách chưa sử dụng tại các ngân hàng khi sử dụng, gửi với khối lượng lớn cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. 

Do đó, bà Hồng nói NHNN và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin để NHNN chủ động điều tiết tiền tệ. Cùng với đó các tổ chức tín dụng nắm bắt thông tin thu chi của ngân sách, nhất là thu chi khối lượng lớn, trong thời gian ngắn để họ chủ động trong điều tiết tiền tệ.

Theo kinh nghiệm điều hành của các nước, bà Hồng nêu cách thức điều chuyển tiền gửi ngân sách từ hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước là giải pháp được thực hiện khi lạm phát tăng quá cao. Tức cần hút tiền về ngân hàng trung ương, còn trong điều kiện bình thường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có thể điều chuyển ngược lại.

Thống đốc thông tin để tránh rủi ro, theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng không được dùng tiền này cho vay. Nhưng một cách gián tiếp thì các khoản này được dùng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong đảm bảo thanh khoản. Bà nhấn mạnh việc theo dõi chặt chẽ, không chủ quan và phối hợp hợp lý để đảm bảo mỗi tổ chức tín dụng cân đối vốn an toàn.

Chưa thể bỏ điều hành hạn mức tín dụng

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi về việc tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ thực hiện thế nào và lộ trình thực hiện ra sao? Việc FED quyết định hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tác động tới tỉ giá, thị trường ngoại tệ và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sau khi chất vấn vào tháng 5-2022, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 62 và NHNN đã tiến hành đánh giá, rà soát phân tích rất kỹ về tình hình, thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay và hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm, tham vấn các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội.

Bà Hồng nêu rõ xét bối cảnh, điều kiện hiện nay, NHNN chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng. Bởi vì, với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Nếu không kiểm soát, mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vài chục % như những năm trước đây sẽ tiềm ẩn rủi ro. 

Nhất là phân khúc của thị trường tài chính để đáp ứng nhu cầu trung, dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phần, cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán chưa giải quyết được vấn đề vốn dài hạn. 

Nếu bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Thêm vào đó, theo Ngân hàng Thế giới, ADB, các định chế tài chính, chuyên gia quốc tế tài chính đều cho rằng dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo. Nên NHNN xét thấy, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chưa bỏ hạn mức.

Nhưng dù chưa bỏ hạn mức nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã linh hoạt hơn và có các giải pháp để đáp ứng nhu cầu tín dụng. Trong đó đánh giá, cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của Cơ quan đánh giá giám sát NHNN để thấy các tổ chức tín dụng nào có khả năng mở rộng tín dụng nhưng đi đôi kiểm soát rủi ro sẽ là tiêu chí. 

Đồng thời, cân nhắc mục tiêu, ưu tiên của Chính phủ ở từng giai đoạn như ưu tiên lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu hay lĩnh vực kiểm soát rủi ro như thị trường bất động sản, đầu tư chứng khoán sẽ có điểm cộng, điểm trừ.

Đến cuối 2023, NHNN đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng. Chỉ tiêu định hướng khoảng 14-15% và đã thông báo chỉ tiêu này.

Đến tháng 8-2024, chủ động thông báo tăng trưởng tín dụng với nguyên tắc được điều chỉnh tự động khi các tổ chức tăng trưởng tín dụng vượt 80% mức NHNN thông báo. Bà Hồng nêu rõ sẽ tiếp tục theo dõi và khi điều kiện thị trường cho phép sẽ bỏ công cụ điều hành này.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn về thị trường vàng, tiền tệ - Ảnh 2.Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và 2 bộ trưởng sắp trả lời chất vấn Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên