Quang cảnh phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị OceanBank) cùng 47 bị cáo khác- Ảnh: TTXVN |
Sáng 8-3, ngày thứ 9 phiên xét xử đại án Hà Văn Thắm và các đồng phạm, nhiều luật sư đã đặt câu hỏi liên quan kết quả giám định và trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Con số 1.576 tỉ đồng được xác định là thiệt hại của Oecanbank do hành vi chi lãi ngoài trái pháp luật của các bị cáo.
Tuy nhiên đứng trước tòa, tất cả các bị cáo nguyên là lãnh đạo Oceanbank đều cho rằng đây không phải là thiệt hại mà là khoản chi để thu hút vốn, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.
1.576 tỉ đồng có phải thiệt hại của Ocecanbank hay không? Trong sáng 8-3, nhiều luật sư đã đặt câu hỏi này với đại diện Hội đồng giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước.
Vị đại diện này cho biết trong bản kết luận gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, hội đồng đã có ý kiến rõ ràng nên xin phép không đọc lại.
Luật sư đặt vấn đề: “Chúng tôi đã đọc kỹ kết luận giám định nhưng không có câu chữ nào thể hiện thiệt hại của Oceanbank. Ở cơ quan điều tra cũng có hỏi về vấn đề này nhưng chúng tôi thấy quý vị né tránh không trả lời”.
Trước ý kiến này của luật sư, vị đại diện cho biết: “Căn cứ trên tất cả hồ sơ, đoàn giám định kết luận từ năm 2011- 2014, Oceanbank có nhiều vi phạm về chế độ kế toán, thống kê và quy định về trần lãi suất huy động, chi trả lãi tiền gửi không có chứng từ chứng minh. Oceanbank đã phải tạm ứng hơn 1.300 tỉ đồng trong khoản dự phòng”.
Luật sư tiếp tục truy vấn: “Toàn văn quý vị vừa đọc không có một câu chữ nào nói đó là thiệt hại”. Đại diện đoàn giám định trả lời: “Cái đó chúng tôi không biết được, trên cơ sở hồ sơ chúng tôi có đánh giá như vậy. Chúng tôi xin hết câu trả lời!”
Khi đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước giám định thiệt hại mà không có tài liệu về kết quả kinh doanh của Oceanbank là không có cơ sở.
Hội đồng giám định cũng không có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu này. Luật sư Tâm cho rằng nếu không có bản so sánh để đánh giá thiệt hại thì việc đưa con số thiệt hại cụ thể là không chính xác.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nga - nguyên kế toán trưởng Oceanbank đã “tố” Ngân hàng Nhà nước lúng túng với các chính sách điều hành.
Theo bị cáo Nga, nếu Oceanbank không chi lãi ngoài cho khách hàng thì không có vốn, không thể duy trì hoạt động kinh doanh. Hệ lụy của việc đỗ vỡ ngân hàng không chỉ làm hơn 2.000 nhân viên Oceanbank mất việc làm mà còn ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói chung.
Trước đó, trong ngày 7-3, một số luật sư cũng đã đặt vấn đề về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước vì cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.
Lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy từ năm 2011-2014, thanh tra Ngân hàng Nhà nước không có động thái xử lý, nhắc nhở Oceanbank phải chấm dứt việc chi lãi ngoài hợp đồng.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục phần thẩm vấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận