Dennis Chew và những nhân vật quảng cáo gây tranh cãi của anh - Ảnh: mothership.sg
Singapore vừa ăn mừng lễ Hòa hợp sắc tộc hôm 21-7 vừa rồi. Đảo quốc sư tử, với tính chất một vùng đất di dân và đô thị, là một trong những đất nước đa dạng sắc tộc nhất Đông Nam Á: 3/4 người Hoa, 15% người Malay và hơn 7% người Ấn trong dân số 5,4 triệu người.
Nhưng cũng chỉ ít ngày sau 21-7, một quảng cáo cho một cơ quan chính quyền đã làm bùng lên tranh luận về việc người gốc Hoa, chiếm đa số áp đảo và nắm giữ hầu hết các vị trí chủ chốt trong chính quyền lẫn nền kinh tế, đối xử ra sao với người thiểu số gốc Malay và gốc Ấn.
Rắc rối bắt đầu với một chiến dịch quảng cáo cho E-pay, hệ thống thanh toán điện tử do chính quyền Singapore bảo trợ. Trong đoạn quảng cáo, Dennis Chew (Chu Sùng Khánh), diễn viên người gốc Hoa, mặc quần áo của bốn sắc tộc khác nhau.
Ý đồ của những người làm đoạn quảng cáo có vẻ là thể hiện một xã hội Singapore đa sắc tộc: một công nhân người Hoa, một phụ nữ Malay choàng khăn, một phụ nữ Âu - Á sành điệu, một nhân viên văn phòng da nâu người gốc Ấn, tất cả đều do Chew thủ diễn.
Riêng với nhân vật người gốc Ấn trong quảng cáo, da của Chew được bôi thành màu nâu và Havas, đơn vị phụ trách đoạn quảng cáo, nói họ muốn truyền đạt ý tưởng "thanh toán điện tử là dành cho tất cả mọi người".
Tuy nhiên, một số người gốc Ấn và Malay lại nhìn thấy một thông điệp khác: một người Hoa "da trắng" bôi đen mặt để giống một người Ấn. Preeti Nair và em trai, Subhas Nair - hai người trẻ gốc Ấn - đã phản ứng với khuôn mặt "giả mạo" đó bằng một đoạn video kích động sắc tộc: ngày 29-7, đoạn video của chị em Nair, trong đó họ hét vang "Bọn người Hoa chẳng ra gì", đã lan truyền rất nhanh trên mạng.
Vài giờ sau khi xuất hiện trên Facebook, nó đã có hơn 40.000 lượt xem.
Chính quyền Singapore, vốn cực kỳ nhạy cảm với vấn đề sắc tộc, đã hành động nhanh chóng. Họ yêu cầu YouTube và Facebook gỡ bỏ các đoạn video đó ngay lập tức và mở điều tra với chị em Nair vì "nội dung gây kích động".
Bản thân sự hình thành của đất nước Singapore một phần là từ những mâu thuẫn sắc tộc: đảo quốc này tách ra khỏi liên bang Malaysia vào năm 1965 sau những cuộc bạo động sắc tộc dẫn tới chết người.
Năm 1992, một đạo luật quy định việc kích động "hận thù giữa các nhóm khác nhau trên cơ sở tôn giáo hay sắc tộc" là tội hình sự.
Về đoạn quảng cáo, K. Shanmugam, bộ trưởng tư pháp và an ninh nội địa Singapore, đã giải thích nó là hợp pháp, dù Havas cũng như Chew đều đã lên tiếng xin lỗi. Trên mạng xã hội tối 7-8, Chew nói vai diễn của anh trong quảng cáo đã gây ra "nhiều thất vọng".
"Trong nhiều ngày tôi đã im lặng bởi sợ làm tình hình tệ hơn - anh viết - Tôi cảm thấy rất tệ vì mọi chuyện đã đi đến thế này. Tôi không thể thay đổi những gì đã diễn ra, nhưng tôi muốn nói với mọi người là tôi rất xin lỗi. Chúng ta sống trong một xã hội đa sắc tộc hòa hợp và chúng ta không bao giờ được phép coi đó là điều đương nhiên. Bản thân tôi cũng sẽ đặt tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân".
Chị em nhà Nair ngày 2-8 cũng đã xuống giọng khi nói họ "xin lỗi nếu có gây ra bất kỳ tổn thương nào" bởi đoạn video của họ, một tuyên bố mà Bộ An ninh nội địa Singapore nói là "một lời xin lỗi không thành thật, có tính chất mỉa mai".
Chị em Nair sau đó đã phải đăng một bài thứ hai trên Facebook nói họ "xin lỗi vô điều kiện vì giọng điệu, sự kiêu căng, ngôn ngữ và các cử chỉ khích bác" trong đoạn video. "Mọi người thấy bị tổn thương và chúng tôi thành thật xin lỗi. Nếu chúng tôi có thể làm, chúng tôi sẽ thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề, và sẽ lựa chọn ngôn ngữ hơn".
Câu chuyện tạm khép lại ổn thỏa, nhưng như Alfian Sa’at - một nhà thơ và kịch tác gia người Singapore, viết trên Facebook của anh, vấn đề chủng tộc ở đảo quốc này sẽ luôn là lớp băng mỏng đòi hỏi sự cẩn trọng tối đa của những ai bước trên đó.
"Chúng tôi không thực sự có hòa hợp chủng tộc ở Singapore, cái chúng tôi có là sự hòa hợp của phân biệt đối xử chủng tộc" - Sa’at viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận