Phóng to |
Một khu dân cư ở phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê mới mưa đã ngập - Ảnh: Đ.NAM |
Đặc biệt trong mùa mưa năm nay sẽ có thêm 25 điểm ngập úng mới tại các khu dân cư do việc giải tỏa để xây các khu tái định cư.
Mới mưa đã ngập
Ông Đặng Việt Dũng - giám đốc Sở GTCC TP - cho biết Sở GTCC, Xí nghiệp Quản lý thoát nước vừa phối hợp với phòng quản lý đô thị các quận, huyện kiểm tra, thống kê và tìm giải pháp hạn chế các điểm ngập úng trên đường phố, trong khu dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cái khó hiện nay trong xử lý các điểm úng ngập là do TP chưa có một qui hoạch riêng cho lĩnh vực thoát nước một cách đồng bộ, hợp lý. Điều đó dẫn đến tình trạng chồng chéo trong xây dựng các công trình. Và hậu quả tất yếu là chỉ sau một trận mưa nhỏ đã có nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư bị ngập trong nước.
Với TP Đà Nẵng, việc mở rộng các tuyến phố lớn trong những năm gần đây đã làm thay đổi diện mạo đô thị, song bên cạnh đó cũng làm tình trạng thoát nước trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, tại Đà Nẵng chưa hề có qui hoạch chuyên ngành thoát nước, nên hễ có công trình là mạnh ai nấy làm.
Phần lớn các điểm ngập úng thường xuyên lại tập trung trên các tuyến phố mới như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập, Cách Mạng Tháng Tám, 2-9, Lạc Long Quân, K20... Mật độ đường, kiệt hẻm được bêtông hóa cũng đã làm giảm mức độ thẩm thấu nước khi trời mưa, trong khi các hồ điều tiết nước ngày càng bị thu hẹp hoặc bị lấp.
Riêng tại một số tuyến đường cũ như Phan Chu Trinh, Trưng Nữ Vương, Núi Thành... hệ thống thoát nước cũ đã hư hỏng, có sửa chữa nhiều lần nhưng chắp vá, không đồng bộ, cộng với kinh phí bảo dưỡng cơ sở hạ tầng hệ thống cống hằng năm quá ít đã làm tình trạng ngập úng cứ tái diễn hằng năm với mức độ tăng lên.
Theo phản ảnh của các quận, huyện, tại các khu dân cư, khu tái định cư, tình trạng ngập úng còn nặng nề hơn. Mặc dù mỗi khu vực đều có qui hoạch chi tiết nhưng qui hoạch cho việc thoát nước thì nơi có nơi không. Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do một số trường hợp không chịu di dời làm ảnh hưởng toàn bộ dự án.
Một số khu dân cư do chưa được đầu tư đúng mức nên cao trình thấp, khi trời mưa thì ngập mặc dù hạ tầng đã hoàn chỉnh. Các chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình chưa quan tâm đến vấn đề thoát nước và khắc phục tình trạng ngập úng do việc thi công gây ra.
Xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh
Tại cuộc họp, ông Hoàng Tuấn Anh - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã yêu cầu các sở có liên quan và các ban quản lý dự án, chủ đầu tư các khu tái định cư phải xử lý dứt điểm các điểm ngập úng trước mùa mưa năm nay, không để người dân phải chịu cảnh nước ngập mỗi khi trời mưa.
Tại các tuyến phố thường xuyên ngập như Quang Trung, Phan Chu Trinh, Đống Đa... (quận Hải Châu), trước mắt TP yêu cầu Sở GTCC và quận Hải Châu đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm khơi thông dòng chảy, cải tạo các đoạn mương hỏng, tăng cường các điểm thu nước. Tại quận Thanh Khê, đoạn đường Trần Cao Vân (khu vực quán Hộ) sẽ cải tạo xây dựng lại hệ thống mương thoát nước nối trực tiếp cống liên phường băng qua đường Trần Cao Vân đổ ra sông Phú Lộc.
Với các tuyến đường khác trong nội thành, trong mùa mưa năm nay nếu có úng ngập sẽ thực hiện phương án khơi thông các mương thoát nước tạm. Về lâu dài, TP chỉ đạo Sở GTCC phối hợp với UBND quận và các ban quản lý dự án xây dựng phương án cải tạo các đoạn mương cũ.
Tại các khu dân cư mới đang xây dựng, TP chỉ đạo các ban quản lý dự án, các đơn vị chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống úng ngập tạm thời, nhanh chóng đấu nối hệ thống cống ra các kiệt hẻm, ra đường cống thoát nước các tuyến đường lớn, không để dân kêu ca. Sau mùa mưa năm nay, các đơn vị phải xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, chấm dứt tình trạng cứ mỗi mùa mưa là lại ngập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận