Người dân vây nhà máy thép Dana -Ý - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Nhiều ngày nay, người dân ở xung quanh nhà máy thép vẫn dựng lều bạt "canh me" trước cổng nhà máy. Cao điểm là vào sáng 12-10 hàng trăm người dân đã tập trung vây nhà máy, khiến lực lượng công an phải có mặt để đảm bảo an ninh trật tự . Ông Phạm Văn Thành- người dân xã Hòa Liên cho biết họ đã dựng lều trước 2 nhà máy thép từ hôm 27-9. "Chúng tôi chỉ muốn giải quyết dứt điểm là di dời 2 nhà máy thép"- ông Thành nói.
Một con đường mới ở bên nhà máy thép - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
"Tiến thoái lưỡng nan"
Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh mở rộng được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng năm 2004, nhằm bố trí cho các ngành CN nhẹ ít gây ô nhiễm môi trường, không có loại hình sản xuất thép. Tuy nhiên, quy hoạch cụm CN không đảm bảo khoảng cách ly an toàn tối thiểu về môi trường đến khu dân cư là 50m.
Khoảng cách từ nhà dân đến nhà máy thép Dana-Úc không đảm bảo - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Dù là Cụm CN cho các ngành CN nhẹ nhưng năm 2008, 2009, UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc hoạt động tại đây. Sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch mở rộng chi tiết tỉ lệ 1/500 hai nhà máy thép.
Tuy nhiên, khoảng cách ly từ 2 nhà máy thép này đến khu dân cư vẫn không đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 500m theo quy định. Những sai phạm này Thanh tra Đà Nẵng cũng đã chỉ ra là thuộc trách nhiệm của văn phòng UBND TP, các sở ngành liên quan.
Xử lý việc tham mưu "bậy"
Ngày 16-10, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Thường trực HĐND TP có sự tham gia của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ông Thơ cho biết liên quan đến 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, tới đây sẽ phải xử lý, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với những đơn vị, tổ chức được nêu trong kết luận Thanh tra thành phố như Sở TN-MT, Văn phòng UBND TP... Đồng thời, yêu cầu 2 nhà máy nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường đã được nêu ở kết luận thanh tra.
Trước đó, thanh tra TP Đà Nẵng đã kết luận thanh tra tại 2 công ty thép và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Qua đó chỉ ra những sai phạm: Việc cấp giấy CNQSD đất với mục đích sử dụng là đất KCN, thời hạn sử dụng lâu dài là không đúng theo luật; Công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư của văn phòng UBND TP, các sở ngành liên quan.
Theo ông Huỳnh Văn Tân-chủ tịch HĐQT công ty CP thép Dana-Ý năm 2006, theo chủ trương của TP về việc di dời các nhà máy sản xuất tại KCN Hòa Khánh, nhà máy thép của Dana-Ý đã chuyển đến CCN Thanh Vinh nhằm phát triển nơi này. Vì vậy, nhà máy thép được đầu tư và hoạt động tại CCN Thanh Vinh là hoàn toàn hợp pháp và đúng với chủ trương quy hoạch, lĩnh vực khuyến khích đầu tư của TP tại đây. Việc không đảm bảo khoảng cách tối thiểu với khu dân cư thuộc trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng.
Nhiều lần đối thoại
Trong quá trình hoạt động của 2 nhà máy thép, người dân xung quanh liên tục phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường và nhiều lần bao vây. Chính quyền Đà Nẵng đã rất nhiều lần đối thoại với dân và đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, chính những giải pháp đưa ra cũng bất nhất. Đầu năm 2017, UBND TP Đà Nẵng chủ trương di dời giải tỏa các hộ dân xung quanh 2 nhà máy thép. Cho phép 2 nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời…
Đến tháng 2-2018, người dân bức xúc vì việc chậm trễ di dời nên đã tiếp tục bao vây 2 nhà máy. Và UBND TP Đà Nẵng lại hủy bỏ chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân xung quanh nhà máy, tiến hành di dời và yêu cầu 2 nhà máy ngừng hoạt động từ ngày 2-3 đến 26-3. Hậu quả là doanh nghiệp thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Những ngày đầu tháng 10, khi mà người dân bao vây nhà máy, chính quyền Đà Nẵng đã chỉ đạo yêu cầu 2 nhà máy chấm dứt các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực.
Hai doanh nghiệp đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng sớm có quyết định hoặc là di dời nhà máy và hỗ trợ, đền bù theo quy định; hoặc di dời các hộ dân cạnh CCN đi nơi khác cho phù hợp với tiêu chuẩn …. "Nếu kéo dài thêm nữa, thì cả 2 doanh nghiệp sẽ phá sản, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn công nhân thất nghiệp"- đại diện 2 doanh nghiệp nói.
Người dân giáp ranh với nhà máy thép tiến hành canh tác - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ông Lê Quang Nam - giám đốc Sở TN-MT cho biết: "Quan điểm của TP là phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam là đối với những hoạt động của nhà máy nếu như xác định gây ô nhiễm, vượt tiêu chuẩn cho phép ở công đoạn nào, bộ phận nào, phân xưởng nào thì phải dừng hoạt động để khắc phục. Nếu không khắc phục được thì phải di dời".
Ai sai người đó chịu trách nhiệm
Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư Đà Nẵng cho rằng theo Luật đầu tư và Luật bảo vệ môi trường, các dự án như nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường mà không khắc phục được thì cơ quan có thẩm quyền có thể chấm dứt hoạt động các dự án đầu tư này. Nếu doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh hợp pháp mà vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường do lỗi khách quan của quy hoạch, thì việc phải chấm dứt hoạt động là bất hợp lý. Các quyết sách của chính quyền gây thiệt hại thì doanh nghiệp có thể khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình.
Hai nhà máy thép hiện đã dừng hoạt động - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
"Theo luật pháp hiện hành ai sai người đó chịu trách nhiệm. Nếu chính quyền cho phép doanh nghiệp đầu tư tại đây không đúng, nay cũng chính họ bằng mệnh lệnh hành chính làm cho doanh nghiệp phá sản sẽ là điều không công bằng" - luật sư Cao bày tỏ quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận