08/09/2018 14:13 GMT+7

Đà Lạt tuyên chiến với nông sản giả xuất xứ

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Từ ngày 15-9, chợ nông sản Đà Lạt chỉ được kinh doanh nông sản xuất xứ Đà Lạt, động thái mạnh mẽ trong việc tuyên chiến với nạn làm giả xuất xứ.

Đà Lạt tuyên chiến với nông sản giả xuất xứ - Ảnh 1.

Khoai tây Trung Quốc nhập chợ nông sản Đà Lạt để thay đổi nguồn gốc trước khi xuất bán - Ảnh: M.VINH

Khoai tây, cà rốt và tất cả các loại nông sản nổi tiếng ở Đà Lạt sẽ được dán nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể an tâm về chất lượng.

Công khai cơ sở kinh doanh hàng Trung Quốc

Tại vùng nông sản Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận) có 17 cơ sở nhập khoai tây Trung Quốc để sơ chế, phủ đất đỏ... sau đó được đưa đến các chợ đầu mối tại TP.HCM. Đây cũng là 17 cơ sở chuyên kinh doanh nông sản Trung Quốc ở Lâm Đồng.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết có cơ sở nhập gần 30 tấn/ngày, trong đó chỉ riêng 6 cơ sở tại chợ nông sản Đà Lạt đã nhập và tiêu thụ gần 600 tấn khoai tây Trung Quốc trong 3 tháng qua.

Theo ông Võ Ngọc Hiệp - giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, tiểu thương Đà Lạt không tự tráo đổi nguồn gốc xuất xứ nông sản mà "có sự tiếp tay" ngay từ đầu, từ các đơn vị kinh doanh lớn tại TP.HCM và các tỉnh thành khác.

Mỗi năm, vùng nông sản Đà Lạt sản xuất một sản lượng lên đến khoảng 2 triệu tấn. 

Theo ông Hoàng Sĩ Bích - phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, qua rà soát chỉ mới xác định lượng nông sản làm giả xuất xứ Đà Lạt chiếm 0,1%, chủ yếu là khoai tây, hành tây, cà rốt, củ cải, củ dền...

UBND tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu các hoạt động chống tráo đổi nguồn gốc nông sản, bắt đầu thí điểm với khoai tây. 

Bước đầu, tỉnh này sản xuất 65.000 thùng cactông loại 10kg, 900.000 nhãn dán, 65.000 tem dán trên thùng và 900.000 tem đặc biệt chống hàng giả cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường.

Ông Lại Thế Hưng, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết sau khi hoàn tất thí điểm với khoai tây, Lâm Đồng sẽ có các quy định cụ thể để chống làm giả xuất xứ nông sản cho nhiều loại nông sản khác được sản xuất từ vùng nông sản Đà Lạt.

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết đã làm việc với các chợ nông sản đầu mối các tỉnh thành khác về hợp tác.

Theo đó Đà Lạt giám sát nguồn hàng bán đi, các địa phương tiêu thụ giám sát chặt nông sản nhập chợ, trong đó ngay trong tháng 9-2018, các chợ đầu mối nông sản tại TP.HCM áp dụng quy định chỉ nhập nông sản đã được sơ chế, đóng gói, nhãn mác tại địa phương.

Tuyên chiến với nông sản nhập lậu

Cuối tháng 8-2018, kiểm tra đột xuất chợ nông sản Đà Lạt, Công an Đà Lạt bắt quả tang một số tiểu thương trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc để làm giả xuất xứ, bán lại cho người khác đưa ra thị trường.

Ngày 25-7, lực lượng chức năng bắt giữ 4 tấn cà rốt và 200kg tỏi Trung Quốc nhập lậu và tiêu hủy ngày 10-8. 

Theo các giấy tờ đi cùng lô hàng, cà rốt có giá 3.000 đồng/kg và tỏi có giá 5.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với mặt hàng nông sản tương tự sản xuất tại Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khác trong nước.

Lần tiêu hủy nông sản lớn nhất tại Đà Lạt diễn ra tháng 6-2013 với 26 tấn khoai tây Trung Quốc vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16,5 lần mức cho phép.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết từ ngày 15-9, chợ nông sản Đà Lạt (P.11, TP Đà Lạt) chỉ được kinh doanh nông sản có xuất xứ Đà Lạt, cấm các loại có xuất xứ từ Trung Quốc và các địa phương khác. 

Năm 2015, Đà Lạt cũng đã có hành động tương tự, nhưng phải dừng vì khi đó "không đủ điều kiện pháp lý" cho việc cấm nông sản Trung Quốc nhập chợ. Vậy lần này thì sao?

"Điều này đúng với chức năng của chợ và cam kết của tiểu thương hoạt động trong chợ. Mới đây, chợ được xác lập chức năng là chợ chuyên kinh doanh nông sản Đà Lạt nên có cơ sở để cấm tiểu thương nhập nông sản Trung Quốc. Chúng tôi cũng cấm đưa đất đỏ vào chợ" - ông Sơn nói.

Bước đầu, tại khu vực nhập hàng, 4 camera mới được lắp đặt để các cơ quan chức năng theo dõi, còn bên ngoài "sẽ có nhiều đơn vị nghiệp vụ giám sát xử lý bằng công cụ kiểm tra định kỳ, đột xuất", theo ông Sơn.

Giá bán cao gấp 4-6 lần giá nhập

Làm giả xuất xứ nông sản tại Đà Lạt có nhiều hình thức bắt đầu từ việc nhập nông sản Trung Quốc có giá rẻ về Đà Lạt, sau đó làm giả các dấu hiệu nhận biết như phủ đất đỏ, thay đổi bao bì; hoặc sơ chế, thay đổi nhãn mác, bao bì mới.

Sau khi qua các xảo thuật tại nhà xưởng, tiểu thương sẽ bán nông sản đi với các hóa đơn chứng từ không thể hiện rõ nông sản có nguồn gốc Trung Quốc, đa số các hóa đơn chỉ thể hiện đơn vị bán nông sản có cơ sở tại Đà Lạt. Giá bán được xác định là "cao gấp 4-6 lần giá nhập".

Chẳng hạn, theo Sở Công thương Lâm Đồng, giá mỗi ký khoai tây nhập tại cửa khẩu phía Bắc là 3.700 đồng, xuất bán tại Đà Lạt là 7.000 đồng, còn bán tại chợ lẻ TP.HCM là 20.000-30.000 đồng.

Tết Mậu Tuất, rau Đà Lạt dồi dào, giá không tăng Tết Mậu Tuất, rau Đà Lạt dồi dào, giá không tăng

TTO - Tại Đà Lạt, các thương lái và nhà cung ứng nông sản cho các chợ đầu mối, siêu thị trên cả nước khẳng định giá nông sản sẽ không tăng suốt dịp Tết.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên