![]() |
Xe ngựa "hai cầu" ở Đà Lạt |
Anh Quang Đông, một xà ích 45 tuổi, sống ở ấp Hồng Lạc, phường 10, tâm sự: Để được chạy xe trở lại anh phải chạy vạy tứ tung mới có được 13 triệu đồng để mua một con ngựa, rồi chạy tiếp 10 triệu nữa đóng một chiếc xe thổ mộ bốn bánh theo ý của Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan.
Đà Lạt đồi dốc, xưa nay xe ngựa “một cầu” (chỉ cần hai bánh) đã làm khổ thân con ngựa, đằng này chơi “hai cầu” (xe bốn bánh). Vậy là ngựa vẫn phải ráng mà lê, cố mà kéo. Trước chở bốn người (du khách) đi một mạch từ bờ hồ Xuân Hương lên thung lũng Tình Yêu (hơn 3,5km) quay lại vẫn tỉnh rụi, nay chở sáu hoặc tám người nên mỗi khi chạy đến nơi ngựa rã rời, chẳng muốn quay lại.
Anh Đông còn nói rằng cái chiều dài quá khổ của xe thổ mộ bốn bánh làm cho mỗi lần lên hay xuống dốc là phập phồng vì ngựa không phải là động cơ, ngựa mà mệt là tuột dốc như chơi.
Xe tự sắm, ngựa tự mua, tự đón khách, tự đánh xe chở khách, cỏ ngựa hằng ngày tự cắt, ngựa ngã bệnh tự chăm, ngựa khóc (vì mệt) mỗi mình thấy (và khóc theo). Ấy vậy mỗi khi chạy được một “sô” lại cứ phải đóng thẳng ru cho Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan 40%. Tại sao có chuyện ấy?
Một bác xà ích 50 tuổi sống ở khu Nguyễn Siêu, phường 7 tên Phạm Văn Hạnh, hành nghề xe ngựa từ những năm đầu giải phóng, bày tỏ: “Không góp ngựa vào công ty thì không ai cho chạy, vì có mỗi công ty là đơn vị duy nhất hiện nay được quyền sở hữu bến bãi”.
Đó là cái bến đậu xe ngựa bên hồ Xuân Hương, thuộc giao lộ đường Đinh Tiên Hoàng và Bà Huyện Thanh Quan - một nơi mà năm năm trước cánh xà ích từng kiếm sống khi chưa bị chính quyền phong tỏa cấm đỗ.
Từ nhiều tháng qua, Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan như “từ trên trời rơi xuống” nghiễm nhiên trở thành một thứ “cai đầu dài” bến đỗ xe ngựa ở thành phố cao nguyên này. Họ trọn quyền ở bến bãi, luồng tuyến vì một dự án có tên “khôi phục xe ngựa ở Đà Lạt” do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép hoạt động từ 14-1-2004.
Với dự án khôi phục xe ngựa cổ, Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan đã cam kết tự đầu tư 1,2 tỉ đồng để mua ngựa và đóng 20 - 25 chiếc xe thổ mộ phục vụ du khách.
Nhưng thực tế họ chỉ bám vào cái có sẵn là những người đánh xe ngựa ở HTX Hiệp Lực đang thất thế vì HTX bị tan vỡ sau mấy năm Đà Lạt cấm xe ngựa.
Lẽ ra, nói cho công bằng, “phần thưởng” cho sự trở lại của xe ngựa du lịch ở Đà Lạt thuộc về HTX Hiệp Lực chứ không phải Công ty Ngọc Lan, bởi chính họ tạo dựng hình ảnh “xe ngựa phố núi” trong lòng du khách bốn phương.
Thật ra HTX Hiệp Lực chưa hề bị giải thể, nó vẫn còn con dấu, không có quyết định nào xóa bỏ cái HTX này. Cho đến nay bác xà ích Phạm Văn Điền với tư cách chủ nhiệm HTX Hiệp Lực cứ vài tuần lại đội đơn lên UBND TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng... để xin một chỗ “công bằng” cho xe ngựa Hiệp Lực.
Tiếp xúc Tuổi Trẻ, những bác xà ích hằng ngày “nghiến răng” mà “phục tùng” Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan nhưng vẫn mơ rằng: “Ước gì một ngày HTX Hiệp Lực sống lại, anh em xà ích được đoàn tụ, đồng cam cộng khổ; ước gì một ngày nào đó có thể chở bốn du khách đi vòng quanh hồ Xuân Hương chỉ cần lấy 50.000 đồng, thay vì phải lấy 120.000 đồng, hứng lên thì cứ chở không công cho những sinh viên, học sinh nghèo mà chẳng cần đòi hỏi như cái giá trói buộc “cắt cổ” du khách do Công ty Ngọc Lan đưa ra...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận