Báo Tuổi Trẻ tháng trước có đăng bài Đã ‘tối ưu’ còn ‘nhất’, đã ‘tốt nghiệp’ lại thêm ‘ra trường’ của, đề cập đến lỗi diễn đạt dài dòng, diễn đạt thừa từ của những người viết, qua các trường hợp cụ thể: tốt nghiệp ra trường, tối ưu nhất, tái lập lại, cùng nhau cộng tác.
Trước đây nhiều năm, loại lỗi này đã có nhiều nhà ngữ học như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đức Dương, Phạm Văn Tình... quan tâm, đề cập đến trong nhiều bài viết với các trường hợp dùng thừa từ như: ánh nắng mặt trời, rất trắng nõn, chủ yếu nhất..., và gọi tên của lỗi diễn đạt này là lỗi trùng ngữ (pleonas).
Gần đây nhiều khán giả dù rất hào hứng đón xem các game show, cũng biểu lộ bất đồng tình khi nghe một số người dẫn chương trình truyền hình cũng đã mắc phải lỗi trùng ngữ, yêu cầu người chơi nhìn "khẩu hình miệng" để đoán từ. Yếu tố Hán Việt "khẩu" đã có nghĩa là miệng, nên rõ ràng là thừa từ "miệng", chỉ cần nói "khẩu hình" là đủ.
Hoặc nhiều MC khi thấy người chơi thực hiện xong phần việc của mình thường hồ hởi: "Người chơi đã hoàn thành xong...".
"Hoàn thành" vốn có nghĩa là "làm xong một cách đầy đủ" [Từ điển tiếng Việt (1995), Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, trang 434]. Vậy rõ ràng trường hợp này thừa từ "xong".
Phát ngôn "Người chơi cần bổ sung thêm…" cũng mắc lỗi thừa, từ vì bản thân từ "bổ sung" đã có nghĩa là: "thêm vào cho đủ".
Lại có MC nói: "Trong ba chục người dự thi, chỉ có duy nhất hai người vượt qua thử thách khó khăn này".
Trong phát ngôn trên có hai trường hợp sử dụng thừa từ. Trước hết, "duy nhất" có nghĩa là "chỉ có một mà thôi, không còn có cái khác hoặc ai khác có được tính chất hoặc đạt được tiêu chuẩn như thế" [SĐD, trang 259].
Người nói đã nhầm lẫn giữa hai từ duy - duy nhất, nên thay vì nói "duy chỉ có hai người", lại nói nhầm thành "chỉ có duy nhất hai người" mà phạm lỗi trùng ngữ.
Tiếp theo, "thử thách" đã có nghĩa là: "đặt vào tình huống khó khăn, nguy hiểm để qua đó thấy rõ tinh thần, khả năng của con người" [SĐD, trang 937], nên chỉ cần nói vượt qua thử thách là đủ, mà không cần thêm từ "khó khăn".
Có MC nói: "Đáp án của bạn vừa đưa ra, là một đáp án đúng, hoàn toàn chính xác!". Trong câu nói trên, đã tồn tại lỗi trùng ngữ, vì "đáp án" có nghĩa là "bản giải đáp được chuẩn bị trước cho một vấn đề, thường là cho đầu đề thi" [SĐD, trang 281]. Đã chuẩn bị lời giải đáp trước thì chỉ có đúng, làm sao mà sai được, nên không thể nhận xét là "đáp án đúng, chính xác".
Trong trường hợp trên, để phù hợp với ý đồ của người nói hơn, có lẽ nên diễn đạt: "Câu trả lời của bạn vừa đưa ra, là một phương án hoàn toàn chính xác, đúng với đáp án!".
Hay như trường hợp nói: "Rất cao vút", trong đó "cao vút" vốn đã bao hàm ý nghĩa mức độ "rất" và có nghĩa là: "Rất cao, thẳng lên không trung" [SĐD, trang 110], nên thêm từ "rất" vào trong phát ngôn là thừa từ.
Về vấn đề này, có lẽ chúng ta cần quan tâm thêm là một bộ phận tính từ trong tiếng Việt đã chỉ tính chất ở mức độ cao/ tuyệt đối hoặc đặc điểm tuyệt đối, đặc biệt là nhóm từ chỉ màu sắc - khi sử dụng không thể kết hợp thêm với các phụ từ chỉ mức độ "rất, lắm, quá,…", như các từ: xanh lè, tím ngắt, đen thui, đỏ lòm, vàng hoe, trắng xóa, đen thui, nặng trịch, nhẹ bỗng, thơm phức, trắng phau, riêng, chung, phải, trái, chính, phụ, gái, trai, chẵn, lẽ, đực, cái...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận