Cùng nhau đi “ăn nhậu” tại một quán trên đường ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Người dân đang mong đợi đến ngày 1-1-2020, cùng với không ít phân vân.
Luật nghiêm với người cầm lái
Sáng 28-12 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức phát động ra quân Năm ATGT 2020 và cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp tết.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia không lái xe" nhằm giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019.
"Đã uống rượu, bia không lái xe" - khẩu hiệu này tài xế nào cũng biết, nhưng tại sao hiện tượng này vẫn tái diễn? Câu trả lời không thể đúng hơn: không ít người dân coi thường pháp luật và chế tài cũ chưa đủ hiệu lực để răn đe. Mấy ai uống say kiếm chỗ ngủ cho tỉnh? Mấy ai dũng cảm dứt khoát không cầm lái khi đã ngà ngà hơi men? Nhưng từ mai sẽ phải khác.
Trong những ngày tới sẽ có một phong trào thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Chúng ta cần nhiều hoạt động ấn tượng, nhắc nhớ về luật này.
Ngoài lực lượng CSGT cần có thêm nhiều thành phần khác hỗ trợ gồm các tình nguyện viên, cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp tuyên truyền. Bên cạnh tuyên truyền cần tăng cường xử lý những người say xỉn lái xe vì mục tiêu tạo ra một sự thay đổi tích cực. Chấp hành luật pháp cũng chính vì sự an toàn của mình, của cộng đồng.
Các công ty, hợp tác xã vận tải phải có những ràng buộc với tài xế, có chế tài với những tài xế vi phạm. Lái xe khi đã uống rượu bia, nếu CSGT không phát hiện và xử phạt, công ty cũng trừ tiền lương (chẳng hạn) vì việc này bị xem là gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty.
Đã đủ quyết tâm thực thi luật mới?
Không riêng gì người lái xe mà mọi người dân cần hiểu về khoản 1, điều 5 luật nghiêm cấm hành vi: "Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia". Theo đó, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là hành vi phạm pháp.
Sự thay đổi cần có từ việc kinh doanh bia rượu.
Nhà hàng, quán nhậu phải có cách phục vụ văn minh hơn nữa, phải tổ chức nơi giữ xe cho thực khách đã uống say hoặc liên hệ dịch vụ xe đưa khách về nhà. Nhà hàng, quán nhậu cần nghiêm túc thực hiện khoản 6, điều 32 của luật: "Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông; hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia".
Ai bán bia, rượu cũng muốn khách uống nhiều kèm theo đó là trách nhiệm xã hội gắn liền với việc bán rượu, bia.
Mọi chuyện sẽ chưa thể thay đổi ngay ngày mai nhưng vài tháng, vài năm, xã hội sẽ khác. Luật pháp không phải là "bảo mẫu" chuyên nghiệp, cái gì cũng phải cụ thể từng li từng tí để nuôi dạy trẻ. Để luật đi vào cuộc sống, chính quyền từ cấp xã huyện và các tỉnh thành cần thay đổi cách quản lý, có sáng kiến và quyết tâm thực thi luật một cách mạnh mẽ nhất. Có vậy mới mong sớm thấy hiệu quả của luật trong cuộc sống.
TP.HCM: kiểm soát chặt quanh các quán nhậu, vũ trường
Tại TP.HCM, kế hoạch, phương án tuyên truyền yêu cầu người dân không lái xe khi đã uống rượu bia cùng những chế tài nghiêm khắc khác đã được Ban ATGT công bố ngày 20-12. Những hình ảnh, bài viết, video quy định xử phạt về nồng độ cồn sẽ được phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM, trên mạng xã hội, website zappar.com.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó trưởng Ban ATGT, yêu cầu Sở GTVT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM tích cực kiểm tra, chế tài hành vi phạm luật. Trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, CSGT phải đẩy mạnh tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp say xỉn vẫn lái xe.
CSGT chú ý lập chốt quanh các quán nhậu, vũ trường... Ông Tường khuyến khích người dân đã uống rượu bia thì nên sử dụng các phương tiện công cộng. CSGT TP.HCM đã sử dụng 10 máy đo nồng độ cồn cảm biến. Người dân không cần thổi vào máy như trước, thiết bị này cũng nhận diện được người đã sử dụng rượu bia.
THU DUNG
Luật mới cũng có nhiều quy định thật sự khó xử lý, khó khả thi. Ví dụ như khoản 5 điều 32: "Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh". Thông báo là dễ nhưng khi thực hiện lại không dễ chút nào.
Ở nông thôn trẻ em đi mua rượu cho người lớn uống là chuyện cơm bữa. Rồi có "ông huyện, ông xã" nào xử phạt những chuyện này? Người bán bia, rượu cũng cần chấp hành luật, bán đúng đối tượng, nếu vi phạm phải phạt nghiêm, có vậy luật mới thực sự đi vào đời sống.
Nghiêm chỉnh trong xử phạt
"Cấm rượu bia khi lái xe" được xem như một thử thách lớn. Luật này có bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi đi vào cuộc sống hay không thì khâu triển khai thực thi là hết sức quan trọng.
Vì sao? Vì quá nhiều người lạm dụng rượu bia, sau đó tự lái xe về. Nếu cứ giữ những thói quen tai hại, hơi men đi kèm nguy cơ gây tai nạn giao thông. Có một thực tế việc kiểm tra, phát hiện, xử lý những người say rượu lái xe còn hạn chế.
Khó có thể thống kê bao nhiêu vụ vi phạm rồi được bỏ qua! Bao nhiêu vụ người vi phạm nồng độ cồn còn cãi ngang, cãi cùn, tìm cách tránh sự kiểm tra. Điều này cho thấy ý thức an toàn và chấp hành luật còn thấp kém.
Luật và thực thi như hai mặt của một đồng xu. Luật tốt tạo điều kiện cho quản lý tốt, quản lý tốt khi có luật tốt. Có luật rồi mong không còn chuyện bỏ qua vi phạm, ai vi phạm cũng phải xử lý đúng luật.
Điều này đòi hỏi người thực thi pháp luật công bằng, chính xác, mỗi vi phạm đều bị xử lý đúng mức, người bị xử lý không ấm ức hay phân bua xin xỏ được. Có vậy, luật mới đi vào cuộc sống.
ĐỖ NGÔ TRẦN
Đủ 18 tuổi mới được mua rượu, bia
Sai con đi mua rượu - chuyện thường thấy ở các vùng quê - Ảnh: NGỌC TÀI
Siết chặt việc kinh doanh, quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia... Đó là những điểm được quan tâm nhất trong luật này. Theo đó, những hành vi bị cấm:
* Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia quy định: "Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông".
* Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
* Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia. Cấm bán, cung cấp rượu cho người chưa đủ 18 tuổi.
* Cấm cán bộ công chức, viên chức, người lao động uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập (kể cả giờ nghỉ trưa).
* Các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải có bản kê khai gửi UBND xã về lượng rượu được sản xuất, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
* Không được mở mới điểm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông...
TÂM LỤA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận