05/11/2014 18:39 GMT+7

Cứu sống thượng úy Đinh Văn Dương trong vụ trực thăng rơi

L.ANH
L.ANH

TTO - Thượng úy Đinh Văn Dương, người còn sống cuối cùng trong vụ trực thăng Mi-171 rơi tại Hòa Lạc (Hà Nội) hồi tháng 7 đã tỉnh, nói chuyện được.

Bác sĩ Lê Quang Thảo, thành viên kíp thầy thuốc đã điều trị cho thượng úy Đinh Văn Dương suốt gần bốn tháng vừa qua, đang chăm sóc cho anh - Ảnh: Thúy Anh

Một thông tin đặc biệt đã được công bố ngày 5-11: Thượng úy Đinh Văn Dương, chiến đấu viên của Tiểu đoàn đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), người còn sống cuối cùng trong vụ nổ máy bay trực thăng ngày 7-7 với 20/21 cán bộ chiến sĩ có mặt trên chuyến bay đã hi sinh, sẽ được ra viện trong một tháng tới đây.

Cho đến nay, thượng úy Dương đã được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia gần bốn tháng, trong đó có 100 ngày hôn mê hoàn toàn. Anh đã trải qua 17 lần phẫu thuật, bị mất hai chân, 10 ngón tay, và gương mặt cũng bị khiếm khuyết đi đôi phần.

“Cách đây nửa tháng, khi anh Dương hồi tỉnh, bệnh viện đã đưa gia đình, vợ và hai con anh vào thăm. Anh Dương nhớ được tất cả về thời khắc trước khi máy bay rơi. Anh ấy nói máy bay đã nổ ở trên cao nhưng không ai trong chuyến bay đẩy được cửa ra.

Khi máy bay rơi, anh Dương rơi mắc vào rừng cây và anh còn nhớ cả thời khắc đồng đội đến đón anh vào bệnh viện. Anh ấy đã lịm đi sau khi được đưa vô bệnh viện và hôn mê suốt 100 ngày sau đó”- một bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho thượng úy Dương cho biết.

Để cứu anh, bảy bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội đã cử kíp trực đến trực cùng Viện Bỏng quốc gia trong suốt hai tháng. Trong suốt hai tháng ấy, thượng úy Dương đã chiến đấu với nhiều lần sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm độc, suy hô hấp, ngừng tim. Đặc biệt, ở ngày thứ 77 sau vụ tai nạn, anh bị suy đa phủ tạng nặng.

Thời điểm người đồng đội Nguyễn Hoàng Anh hy sinh (ngày 2-9), thượng úy Dương cũng phải trở lại chăm sóc đặc biệt sau một vài ngày được coi là tạm ổn.

Được biết cho đến nay chi phí điều trị cho thượng úy Dương lên tới trên 3 tỷ đồng. Trong thời gian điều trị, thượng úy Dương đã được ghép da tạm thời từ da đồng loại và màng sinh học, sau đó đã được ghép bằng da bụng, đầu và lưng tự thân.

Điều hy hữu trong câu chuyện của thượng úy Dương là ngày 9-7, hai ngày sau vụ tai nạn, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hải đã sinh con trai nặng 2,8 kg tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Cùng với việc bố bé được cứu sống, đây là cái kết có hậu nhất của tai nạn máy bay ngày 7-7.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên