San hô ở khu bảo tồn biển Hòn Mun bị gãy đổ, hư hại hàng loạt - Ảnh: MAI KHA
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND tỉnh chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ những nội dung báo chí nêu, từ đó đánh giá thực chất công tác bảo tồn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19-6.
Trước thông tin này, anh Nguyễn Văn Đức - thợ lặn chuyên nghiệp tại TP Nha Trang - cho rằng: "Chính quyền và các cơ quan cần phải vào cuộc sớm hơn nữa để cứu lấy những rạn san hô ngay từ bây giờ. Việc kiểm tra xử lý của Ban quản lý vịnh Nha Trang chủ yếu trên mặt nước, cần phải thường xuyên lặn xuống để theo dõi, xem san hô sinh trưởng như thế nào, đó mới là biện pháp bảo vệ san hô lâu dài".
Trong khi đó, ông Huỳnh Bình Thái, trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết ngày 12-6, ban quản lý vịnh cùng một số đơn vị liên quan, các nhà khoa học đã đi khảo sát các khu vực san hô hư hại trong vịnh Nha Trang.
Theo ông Thái, đoàn kiểm tra xác định phần lớn san hô ở Hòn Mun bị hư hại, tuy nhiên san hô không bị ảnh hưởng nhiều ở khu vực nước sâu như Hòn Rơm. Đặc biệt, san hô bãi Triều khu vực Hòn Chồng có tốc độ phát triển tốt, đa dạng chủng loài.
Một khối san hô chết - Ảnh: MAI KHA
Bên cạnh tác nhân từ thiên nhiên còn có tác động từ con người như xả thải, san lấp biển - Ảnh: VĂN ĐỨC
Theo ông Thái, sau chuyến khảo sát ngày 12-6, dự kiến ngày 14-6, UBND TP Nha Trang, ban quản lý vịnh và các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học sẽ họp các ban ngành để sơ bộ đánh giá, tìm nguyên nhân, từ đó bàn giải pháp phục hồi và bảo tồn.
Sắp tới tại khu vực Hòn Mun, Ban quản lý vịnh Nha Trang sẽ lắp camera toàn bộ nơi đây để quan sát hình ảnh tàu thuyền. Nếu tàu vào khu vực cấm sẽ trích xuất camera để đề nghị lực lượng biên phòng xử phạt khi không có lực lượng tuần tra tại chỗ.
Đồng thời, ban quản lý cho biết sẽ thường xuyên phối hợp các câu lạc bộ lặn thực hiện lặn đúng vùng biển, không giẫm lên san hô; nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp để nâng cao ý thức của khách du lịch trong việc bảo vệ các rạn san hô trong vịnh.
Giao 28ha mặt nước thí điểm phục hồi san hô trong vịnh Nha Trang
Các chuyên viên theo dõi sự phát triển của san hô trong quá trình ươm trồng - Ảnh: THỤC NGHI
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định giao hơn 28ha mặt nước biển tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang cho Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học vùng biển ven bờ Bãi Tiên.
Dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án sẽ sử dụng 1,9ha đáy biển trước đây không có san hô, có độ sâu 4 - 4,5m để làm rạn nhân tạo.
Đại diện Công ty CP Vạn San Đảo cho biết: "Hiện đơn vị đang phối hợp với cán bộ Viện Hải dương học trồng thử nghiệm thành công hơn 600 giá thể san hô sừng hươu. San hô này được lấy từ nguồn gãy đổ sau mưa bão để ươm. Các giá thể san hô phát triển tốt dài hơn 10cm so với thời điểm ban đầu. Đơn vị đã di dời thử nghiệm ra môi trường bên ngoài với kết quả san hô tiếp tục phát triển".
Rạn san hô nhân tạo được làm bằng chất liệu rỗng, không độc hại để có thể di dời san hô được ươm đến nơi phục hồi. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm với tổng chi phí gần 15 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận