Rạch Bình Thọ đoạn chảy qua Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Điều đáng nói là tất cả nguồn ô nhiễm ở đây lại đổ vào sông Sài Gòn. Rạch Bình Thọ cũng chính là nơi mà HĐND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải tại nhiều vị trí để xác định mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm.
Truy tìm nguồn gây ô nhiễm
Nhiều năm nay, người dân khu phố 1, P.Hiệp Phú (Q.9) đều than vãn về mùi hôi thối, khói bụi... ở khu vực này, gây nên bất tiện thường trực trong cuộc sống hằng ngày. Bà Nguyễn Thị Tiêm (P.Hiệp Phú) cho biết gia đình bà phải đóng cửa thường xuyên để ngăn mùi hôi, bụi bẩn bay vào nhà.
“Hễ cứ mở cửa là không chịu được. Thậm chí tôi phải bịt ngay hố ga thoát nước trước nhà vì có mùi hôi bốc lên” - bà nói.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP, ở Q.9 có một cụm công nghiệp Phước Long với năm doanh nghiệp sản xuất và sáu doanh nghiệp nằm ngoài cụm này, chủ yếu hoạt động ngành nghề dệt, nhuộm, may, giày, sản xuất phân bón, thuốc thú y, sản xuất lon nhôm. Trong số này xác định năm cơ sở phát sinh nước thải sản xuất nhưng được cho biết đã thu gom, xử lý.
Có bốn cơ sở sản xuất chưa thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Sở Tài nguyên và môi trường TP cũng chỉ ra khu vực rạch Bình Thọ còn tiếp nhận nước thải của dân cư P.Phước Long B (Q.9) với ước tính 13.000 người. Ngoài ra, khu vực này còn có một ngôi chợ, các hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, Quang Trung.
Sở Tài nguyên và môi trường TP xác định cụm công nghiệp dệt Phước Long đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sản xuất (công suất 800 m3/ngày) để xử lý nước thải được thu gom từ năm công ty. Sở cũng khẳng định chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.
Tuy nhiên, nước thải sinh hoạt trong cụm công nghiệp chưa được thu gom, xử lý. Có ba doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài cụm công nghiệp khi kiểm tra nước thải đều đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp. Còn nước thải sinh hoạt của một số công ty ở ngoài cụm chưa được thu gom và xử lý.
Tương tự, đoạn rạch Bình Thọ phải tiếp nhận nước thải dân cư của P.Trường Thọ và P.Bình Thọ (Q.Thủ Đức) ước tính khoảng 9.000 người; nước thải từ các hộ dân ở nhiều cung đường khác nằm trong khu vực này cũng đổ về đây.
Phải lắp trạm quan trắc tự động
Một trong những giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm ở rạch Bình Thọ là buộc xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đối với các cơ sở chưa xây dựng hệ thống loại này.
Còn đối với các doanh nghiệp hoạt động những ngành nghề ô nhiễm, có lượng xả thải lớn ở Q.Thủ Đức và Q.9, Sở Tài nguyên và môi trường TP khẳng định sẽ buộc các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải trên 1.000 m3/ngày lắp đặt trạm quan trắc tự động.
Tất cả các dữ liệu quan trắc này phải được kết nối về Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TP quản lý để theo dõi, giám sát liên tục...
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và môi trường TP cho rằng về lâu dài, kiến nghị UBND TP giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai nhà máy xử lý nước thải.
Theo sở, từ năm 2010, tại quy hoạch thoát nước của TP đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ có nhà máy xử lý nước công suất 170.000 m3/ngày đặt tại khu vực P.Trường Thọ và nhà máy xử lý nước công suất 130.000 m3/ngày đặt tại khu vực P.Trường Thạnh (Q.9).
Còn về trước mắt, bên cạnh cam kết thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường ở hai quận 9 và Thủ Đức, cần nạo vét rạch Bình Thọ, tiêu thoát nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm ở đây.
3 nguồn gây ô nhiễm Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP đánh giá, nguyên nhân gây ô nhiễm chính đối với nguồn nước mặt con rạch này là do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, phần lớn là nước thải của các hộ dân P.Phước Long B (Q.9) và P.Bình Thọ (Q.Thủ Đức). Tổng lượng nước thải mà rạch Bình Thọ tiếp nhận hằng ngày hơn 6.800 m3. Đồng thời cũng xác định ba nguồn ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt của con rạch này như nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt từ một số cơ sở sản xuất và nước thải sinh hoạt dân cư hai bên dọc con rạch thuộc P.Phước Long B và P.Bình Thọ khá lớn, trên 2.130 m3/ngày... Sở Tài nguyên và môi trường TP cho biết đã cùng cơ quan chuyên môn hai quận 9 và Thủ Đức khảo sát thực địa, lấy mẫu tại chín điểm ở rạch Bình Thọ. Kết quả giám sát cho thấy chất lượng nước ở con rạch này bị ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh. Riêng các thông số kiểm soát về chất hoạt động bề mặt, dầu mỡ, hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng... đều không phát hiện qua phân tích các mẫu được thu thập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận