10/12/2015 16:16 GMT+7

Cựu người mẫu Ngọc Thúy thắng kiện Báo Đời sống và Pháp luật

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Cho rằng báo đăng bài viết khi chưa xác minh, tòa đã tuyên báo Đời sống và Pháp luật thua kiện, buộc gỡ bài và cải chính, xin lỗi cựu người mẫu Ngọc Thúy.

Cựu người mẫu Ngọc Thúy đã thắng kiện Báo Đời sống và pháp luật - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Cựu người mẫu Ngọc Thúy - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Chiều 10-12, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã tuyên án vụ kiện tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Ngọc Thúy (siêu mẫu Ngọc Thúy) và bị đơn là báo điện tử Đời sống và Pháp luật (Tầng 4, Tòa tháp Ngôi Sao, P. Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Thúy, buộc Báo Đời sống và Pháp luật phải gỡ bỏ toàn bộ bài viết ra khỏi hệ thống và thực hiện cải chính, xin lỗi công khai theo quy định của pháp luật.

Đăng tin khi chưa xác minh

Theo hội đồng xét xử, ngày 11-12-2013, báo Đời sống và Pháp luật đăng bài viết “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” của phóng viên Huy Linh trên trang web của báo, kèm theo bài viết có 3 hình của bà Ngọc Thúy.

Sau khi xem bài báo, bà Thúy đã lập vi bằng ghi nhận sự kiện nêu trên và gửi đơn khiếu nại lần 1 yêu cầu báo Đời sống và Pháp luật phải xóa bài viết, cải chính và xin lỗi công khai bà. Tuy nhiên, báo không phản hồi.

Sau đó bà Thúy gửi đơn khiếu nại lần hai thì báo Đời sống và Pháp luật mới trả lời khiếu nại. Không đồng tình với cách trả lời của báo, bà Thúy gửi đơn khởi kiện ra TAND quận Cầu Giấy.

Tại đơn khởi kiện, bà Thúy đề nghị báo Đời sống và Pháp luật phải gỡ bài ra khỏi hệ thống, xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất tinh thần cho bà số tiền tượng trưng 1 triệu đồng.

Xét yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Thúy về bài viết, hội đồng xét xử nhận định phóng viên Huy Linh thừa nhận khi bài đăng tác giả chưa gặp bà Ngọc Thúy để xác minh thông tin. Tuy nhiên, báo vẫn đăng bài viết có nội dung liên quan đến bà Thúy trên trang web của báo là chưa phù hợp với quy định của Luật Báo chí và nghị định hướng dẫn của Chính Phủ.

Tòa nhận định sau khi báo đăng, bà Ngọc Thúy đã có đơn khiếu nại đến báo Báo Đời sống và Pháp luật nhưng báo chưa thẩm tra, xác minh lại thông tin, điều này đã gây tổn hại đến đời sống tinh thần của bà Ngọc Thúy.

Từ các nhận định trên, tòa xét thấy có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Ngọc Thúy, tuyên buộc báo Đời sống và Pháp luật phải gỡ bỏ toàn bộ bài viết “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” ra khỏi trang web của báo này. 

Buộc báo Đời sống và Pháp luật cùng phóng viên Huy Linh phải thực hiện cải chính và xin lỗi công khai đối với bà Ngọc Thúy sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, báo Đời sống và Pháp luật phải bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 1 triệu đồng theo yêu cầu của bà Ngọc Thúy.

Nhà báo chỉ nghe một bên

Trước đó, ngày 11-12-2013, báo Đời sống và Pháp luật đăng bài viết “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” của phóng viên Huy Linh thể hiện Ngọc Thúy cặp kè với người nổi tiếng, không chăm sóc con cái, dùng chất gây nghiện, đuổi mắng cha mẹ...

Tại phiên tòa chiều 9-12, ông Phạm Ngọc Thanh Trung (em trai Ngọc Thúy, được tòa xác định là người làm chứng trong vụ kiện này) cho biết tháng 11-2012, khi gia đình ông xảy ra nhiều mâu thuẫn, phóng viên Huy Linh gọi điện cho ông xin phỏng vấn để viết bài nhằm mục đích lên án, giáo dục những người làm con không tôn trọng bố mẹ.

Sau khi được gia đình ông Trung cung cấp thông tin, phóng viên Huy Linh đã thực hiện bài đăng trên báo Đời sống và Pháp luật. Hình ảnh Ngọc Thúy trong bài báo được lấy lại trên internet. 

Ông Trung cho rằng nội dung bài báo đăng tải đúng ý kiến gia đình ông, vì vậy ông sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã cung cấp cho báo.

Tòa nhiều lần đặt câu hỏi với đại diện báo Đời sống và Pháp luật tại sao khi đăng bài liên quan đến bà Ngọc Thúy lại không liên hệ với bà để xác minh mà chỉ nghe theo lời bà Trương Thị Bê (mẹ bà Thúy) cung cấp.

Trước câu hỏi này, có lúc đại diện báo Đời sống và Pháp luật trả lời thời điểm đó bà Thúy ở Mỹ, phóng viên không liên lạc được, có lúc lại trả lời không cần thiết phải xác minh vì bà Bê đã cung cấp một số chứng cứ như hóa đơn khách sạn bà ở Mỹ khi bị con gái đuổi ra khỏi nhà, đoạn chat facebook của bà Thúy với gia đình trong đó bà Thúy dùng ngôn ngữ không ra gì....

Vắng mặt tại tòa, phóng viên Huy Linh đã có đơn gửi đến tòa cho biết sau khi được bà Bê cung cấp thông tin, phóng viên có liên hệ bà Thúy theo số điện thoại bà Bê cung cấp nhưng không gọi được. Phóng viên đến công ty của bà Thúy tại TP.HCM nhưng không gặp được.

Phóng viên Huy Linh cũng thừa nhận việc chưa liên lạc được với bà Thúy là thiếu sót trong quá trình tác nghiệp

Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng bài báo đăng về bà Thúy nhưng lại không gặp bà Thúy để xác minh thông tin.

Phía nguyên đơn đã cung cấp cho tòa các báo cáo, kết luận của Sở Dịch vụ gia đình và trẻ em - Cơ quan an sinh xã hội quận Santa Clara, California và báo cáo của Sở Cảnh sát San Jose, quận Santa Clara, bang California (Mỹ).

Các báo cáo thể hiện các con của bà Thúy đều mạnh khỏe và được chăm sóc chu đáo bởi ba mẹ, không có nguy cơ bị bỏ bê và không có dấu hiệu về việc cha mẹ sử dụng ma túy.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên