Ông Bùi Ngọc Bảo đề nghị Petrolimex cần có kiến nghị với Bộ Công thương về việc điều hành xăng dầu - Ảnh: NA
Ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, đã nêu quan điểm như vậy tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của tập đoàn diễn ra vào ngày 26-4.
Theo ông Bảo, việc điều hành Quỹ bình ổn vừa qua là nét mới "chưa bao giờ có", gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Dẫn chứng là trong quý I vừa qua Petrolimex lãi 1.500 tỉ đồng, bao gồm cả 500 tỉ đồng trích Quỹ bình ổn từ ngày 31-12-2018. Tuy nhiên, nếu ước tính với số âm thì Quỹ bình ổn hiện ở mức 500 tỉ đồng, nếu tiếp tục xả Quỹ bình ổn sẽ gây bội chi quỹ.
"Đây là rủi ro cực kỳ lớn cho doanh nghiệp. Khi các khoản vay không có hoàn lại thì các ngân hàng sẽ dừng lại, không cho vay", ông Bảo nói và đề nghị Petrolimex cần có kiến nghị kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương để sử dụng Quỹ bình ổn đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp, thay đổi chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn.
Theo ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương, năm 2018 tình hình chính trị trên thế giới phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, việc điều hành xăng dầu theo ông Hải là phải hài hòa lợi ích 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
"Người dân không biết thế nào nhưng thấy giá tăng thì không muốn rồi", ông Hải nói thêm là trong thời điểm vừa qua, Petrolimex theo chỉ đạo phải nhập xăng dầu về để đáp ứng 46-48% thị phần của mình và có trách nhiệm cung cấp cho các đầu mối khác, thuế suất thay vì 10% thì phải nhập 20% thuế. Do đó, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của tập đoàn trong việc bình ổn giá cho thị trường.
Người dân mua xăng tại một cây xăng ở TP.HCM - Ảnh: TTO
Theo thông tin từ Đại hội cổ đông của Petrolimex, năm 2018 tập đoàn này đạt doanh thu thuần gần 192.000 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.000 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.048 tỉ đồng.
Petrolimex sẽ phải giảm tỉ lệ vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, thoái vốn với tỉ lệ 24,8% vốn điều lệ, xuống còn 51%.
Hiện tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Chính phủ về việc tổ chức thực hiện quyết định này. Theo đó, Petrolimex đề nghị giãn tiến độ thoái vốn sang năm 2019-2020, với phương án giảm vốn nhà nước tại tập đoàn thông qua hình thức phát hành tăng vốn điều lệ để có nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm trong các năm tới.
Petrolimex cũng đang có 6 dự án lớn như đầu tư dự án khí tự nhiên LNG; mở rộng các cửa hàng xăng dầu với kinh phí hằng năm khoảng 1.200 tỉ đồng, nghiên cứu phương pháp triển khai hợp lý kết hợp các dịch vụ tại cây xăng như sửa chữa ôtô và đăng kiểm; áp dụng tự động hóa và hiện đại hóa tại các kho xăng dầu toàn quốc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận