01/05/2019 09:48 GMT+7

Cưỡng chế xét nghiệm ADN được không?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Chị N.T.T.L. (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) là mẹ đơn thân ba năm nay. Năm 2016, chị tổ chức đám cưới với bạn trai, do bận rộn và hai người ở hai quê khác nhau nên chưa đăng ký kết hôn.

Cưỡng chế xét nghiệm ADN được không? - Ảnh 1.

Chị L. dự định cưới xong mới đăng ký kết hôn. 

Tuy nhiên, thời gian sau đám cưới giữa vợ chồng chị nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Khi chị L. mang thai được 8 tuần thì hai người chia tay. Sinh con xong, chị L. yêu cầu người chồng đứng tên khai sinh cho con nhưng chồng chị không đồng ý vì cho rằng hai người đã đường ai nấy đi. 

Ba năm qua, chị L. nuôi con một mình. Chồng chị chưa một lần qua lại thăm hỏi con, cũng không hề biết mặt con ra sao.

Thời gian gần đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên chị L. đã yêu cầu chồng phải cấp dưỡng nuôi con nhưng chồng chị không đồng ý. 

Chị L. chia sẻ: "Tôi cảm thấy việc người cha từ chối con mình là quá phũ phàng với con. Vì vậy, tôi muốn tiến hành thủ tục nhận cha cho con và yêu cầu anh ta phải cấp dưỡng. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chúng tôi không có hôn thú thì tôi có thể kiện ra tòa yêu cầu cấp dưỡng được không? Trường hợp anh ta không chịu xét nghiệm ADN thì tòa án có quyền cưỡng chế không và chi phí do ai chịu trách nhiệm chi trả?".

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết nếu người cha đứng tên trên giấy khai sinh của con thì khi ra tòa, anh ta đương nhiên bị tòa buộc phải cấp dưỡng nuôi con. 

Nếu người cha không đứng tên trên giấy khai sinh, chị L. vẫn có thể kiện ra tòa yêu cầu cấp dưỡng. Khi khởi kiện, chị L. có thể nộp kèm đơn các chứng cứ chứng minh hai người từng tổ chức đám cưới như hình cưới, xác nhận của anh em họ hàng. 

Trường hợp người cha không hợp tác, tòa có thể buộc người cha đi giám định ADN. Nếu chị L. là người đưa ra yêu cầu giám định ADN thì chị phải trả chi phí. Sau khi có yêu cầu của đương sự, tòa án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định. 

Nếu người cha không hợp tác, chị L. có thể yêu cầu thi hành án cưỡng chế giám định. Sau khi xác định được cha của đứa bé, tòa sẽ buộc người này phải cấp dưỡng nuôi con. Giấy khai sinh của đứa trẻ cũng sẽ được điều chỉnh ghi tên cha.

"Về mặt pháp luật và đạo đức, cha mẹ sinh con ra nên có trách nhiệm với con. Không nên đợi phải có bản án của tòa mới cấp dưỡng nuôi con. 

Trên thực tế, có trường hợp khi có bản án của tòa tuyên buộc phải cấp dưỡng, người cha cũng không chịu cấp dưỡng mà để mẹ đứa trẻ phải đi đòi nhiều lần. 

Nếu người cha trốn tránh trách nhiệm, mẹ đứa trẻ nên liên hệ cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án đối với việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Nếu người cha có tài sản, hoặc có khả năng cấp dưỡng nhưng cố tình trốn tránh thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành các biện pháp nhằm cưỡng chế thi hành án" - bà Trần Thị Hoa (nguyên thẩm phán TAND tối cao) cho biết.

Để nhận cháu bé bị bỏ rơi, người thân cần xét nghiệm ADN Để nhận cháu bé bị bỏ rơi, người thân cần xét nghiệm ADN

TTO - Để bàn giao cháu bé bị bỏ rơi trong nhà nghỉ cho người đàn ông nhận là bố đẻ của cháu bé, cần phải xét nghiệm ADN xác định quan hệ huyết thống.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên