Khu vực vườn rau Lộc Hưng, phường 6, Tân Bình - Đồ họa: V.CƯỜNG
Việc cưỡng chế diễn ra trong hai ngày 4 và ngày 8-1.
Cưỡng chế nhà xây không phép
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND Q.Tân Bình cho biết khu vực vườn rau hiện có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp (qua 3 đợt kê khai vào năm 1991, 1995 và 2005). Hai đợt cưỡng chế ngày 4 và 8-1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được TP chấp thuận.
Theo vị lãnh đạo này, đây là việc cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất.
Các trường hợp vi phạm xây dựng này diễn ra từ nhiều năm, nhiều nhất là trong giai đoạn 2015-2018. Đặc biệt trong năm 2018 đã có 42 trường hợp xây dựng trái phép, nâng tổng số trường hợp xây trái phép trong khu vườn rau thành 112 trường hợp.
Các công trình xây dựng trái phép được sử dụng đa dạng: nhà ở, nhà trọ, nơi kinh doanh mua bán, tiệm tạp hóa, rửa xe...
Vì sao việc xây dựng trái phép xảy ra từ nhiều năm nhưng đến nay UBND Q.Tân Bình mới cưỡng chế tháo dỡ? Lãnh đạo Q.Tân Bình cho biết quận đã nhiều lần báo cáo với cơ quan chức năng nhưng đến nay mới nhận được chỉ đạo cụ thể.
Thời gian gần đây, ngoài việc xây dựng trái phép xảy ra số lượng nhiều, còn xảy ra tình trạng mua bán nhà bằng giấy tay, mua đi bán lại, sang nhượng đất đai trái phép. Mặc dù UBND quận đã công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng người dân thấy giá đất rẻ, thiếu thông tin nên việc mua bán vẫn xảy ra.
UBND quận đã báo cáo nhiều lần với UBND TP, Thành ủy để xin chủ trương giải quyết. Việc cưỡng chế lần này là quyết tâm lập lại kỷ cương về trật tự xây dựng ở khu vực này và nhất là không làm phức tạp thêm tình hình khu vực trên.
Hỗ trợ người dân bị cưỡng chế
Theo phản ảnh của người dân, chính quyền Q.Tân Bình thực hiện cưỡng chế không đúng quy trình, không thông báo cho người dân được biết. Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề này, lãnh đạo UBND Q.Tân Bình khẳng định quận thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình như lập biên bản, ban hành quyết định, thông báo, niêm yết... trước khi cưỡng chế.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng cưỡng chế vẫn có một số người dân không hợp tác, cản trở việc thi hành công vụ. Với những đối tượng quá khích, lực lượng chức năng có mời về trụ sở công an phường làm việc.
Cũng theo lãnh đạo Q.Tân Bình, đối với những trường hợp người dân không kịp di dời đồ đạc trước ngày cưỡng chế (mà quận đã có thông báo trước đó), quận thuê xe tải và lực lượng bốc vác hỗ trợ di dời đến địa điểm người dân yêu cầu.
Về chỗ ở, nếu hộ dân nào không có nơi ở tạm trong thời điểm cưỡng chế, quận có chuẩn bị địa điểm là trung tâm văn hóa quận - có dọn dẹp, ngăn vách để đón người dân vào ở tạm, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng để giúp người dân tìm kiếm nơi ở mới.
Ngoài ra, quận cũng chỉ đạo các đoàn thể cùng giúp dân tìm kiếm nơi thuê nhà giá rẻ... Kết quả có 2 hộ dân vào trung tâm văn hóa ở tạm, được cán bộ quận hỗ trợ và đã tìm được nhà trọ. Có 3 hộ dân chọn ở khách sạn, hiện đã rời đi (không báo lại với quận).
Trường hợp đồ đạc người dân không kịp đưa ra, lực lượng chức năng của quận đã tập hợp, đóng gói lại, bảo quản, cất giữ và sẵn sàng trao trả lại cho người dân khi họ có nhu cầu.
Nguồn gốc pháp lý khu đất
Theo tài liệu của UBND Q.Tân Bình cung cấp: khu đất có diện tích 4,8ha, tọa lạc tại P.6, Q.Tân Bình.
Trước năm 1975, khu đất trên do Nha giám đốc Viễn thông chế độ cũ quản lý sử dụng làm đài ăngten. Sau năm 1975, Hội đồng Chính phủ có quyết định số 111/CP năm 1977 xác lập quản lý nhà nước đối với khu đất trên, giao Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản và sử dụng làm đài phát tín. Đến năm 1991, khu đất trên được giao cho Bưu điện TP.HCM.
Ngày 25-4-2008, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất giao UBND Q.Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của TP và quận. Sau đó, UBND TP và Q.Tân Bình quyết định điều chỉnh quy hoạch khu đất trên với chức năng giáo dục, công viên cây xanh và công trình công cộng.
Sẽ xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia
Nói về tương lai của khu vườn rau, đại diện Q.Tân Bình cho hay theo quy hoạch, nơi đây sẽ là cụm trường học đạt chuẩn quốc gia với 3 trường học, cụm công trình công cộng, công viên cây xanh và các công trình hạ tầng kết nối. Cụ thể có Trường mầm non Sơn Ca (diện tích 6.300m2, quy mô 20 phòng học, 1 trệt, 3 lầu, 700 học sinh); Trường tiểu học Hùng Vương (diện tích 9.400m2, quy mô 30 phòng học, hơn 1.000 học sinh); Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (12.200m2, 45 phòng học, trên 2.000 học sinh). Ngoài ra còn có công viên khoảng 1ha và các đường giao thông.
Lý do tại sao chọn khu đất này để xây trường học, Q.Tân Bình cho biết theo quy hoạch, vị trí trên là đất giáo dục. Mặt khác, quỹ đất dành cho giáo dục của quận hiện còn rất ít so với quy định. Thời gian qua, quận thường xuyên rà soát những phần đất công sử dụng sai mục đích để kiến nghị thu hồi, xây dựng trường học.
Hiện nay, quận chưa thu hồi đất nên những người dân có kê khai sử dụng đất nông nghiệp ở khu vực này vẫn có thể ra vào, sử dụng. Khi nào chính quyền thu hồi đất thì mới chính thức có quyết định thu hồi và phương án hỗ trợ rõ ràng.
Nói thêm về việc giải quyết quyền lợi cho người dân, lãnh đạo Q.Tân Bình cho biết khi thu hồi đất khu vườn rau để thực hiện dự án, người dân sẽ được hỗ trợ chứ không được bồi thường, vì khu vực này là đất công. Tuy nhiên, quận đang kiến nghị TP áp dụng mức hỗ trợ bằng với mức giá bồi thường để đảm bảo lợi ích cho người dân bị ảnh hưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận