Cuốn tiểu sử gây bất ngờ ở Pháp
![]() |
Bìa sách Karl Marx ou l'esprit du monde |
Càng khó ngờ khi đây là một cuốn sách không thuộc loại hư cấu, hay nói một cách nôm na, không thuộc loại truyện trinh thám hồi hộp, hoặc tiểu thuyết ly kỳ, hay truyện tình lãng mạn..., mà chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu sử, cho tới nay vẫn là loại hình khó bán.
Sách tiểu sử
Cần nói ngay rằng tiểu sử là một hình thức văn học, từ đầu thế kỷ 19 tới gần cuối thế kỷ 20, không được giới nghiên cứu và giới phê bình văn học Pháp coi trọng mấy - tuy cũng có một số độc giả đặc thù.
Giới nghiên cứu khoa học cho rằng tiểu sử bao giờ cũng hời hợt và “thiên vị”, tính cách nhân vật thường bị nhìn lệch lạc qua lăng kính của tác giả. Còn giới văn học thì đương nhiên không xếp nó vào hạng văn chương thuần túy, thường ít quan tâm, thậm chí bỏ qua. Họa hoằn mới có đôi lời bình phẩm khen chê; nhưng cũng chỉ để xác minh những nhận xét nói trên.
Cụ thể mà xét thì sách tiểu sử quả tình là một loại hình mà trong đó, ngoài những dữ kiện lịch sử và cột mốc thời gian cần chính xác ra, đôi khi tác giả tùy tiện pha trộn bất cứ điều gì có dính líu ít nhiều tới đương sự, từ bạn bè, họ hàng, chuyện yêu đương, thù ghét đến quan niệm, tư tưởng, khiến nó vừa có tính tư liệu (lịch sử), vừa mang thiên kiến của tác giả (hư cấu) thông qua việc nhấn mạnh hoặc thêm bớt chi tiết này, cử chỉ nọ, thu nhỏ hoặc phóng đại một sự việc nào đó có lợi cho cách nhìn của mình về nhân vật được thể hiện. Đó là không nói tới những điều tác giả cố tình làm ngơ bỏ lửng.
Phải đợi tới khoảng thập niên 80 thế kỷ trước, loại hình tiểu sử mới bắt đầu thật sự được giới nghiên cứu và giới phê bình văn học, rồi độc giả lần lượt quan tâm chú trọng ở Pháp.
Nhờ một tập tiểu sử xuất bản năm 1980 do nhà sử học Mỹ Paul Murray Kendall, Louis XI (Vua Louis XI, 1423-1483 - Nxb Fayard) soạn thảo, bất ngờ trở thành một best-seller. Giới sử gia qua đó bỗng dưng nhận thấy mình có thể gởi tới độc giả loại kiến thức uyên bác, vốn khó lãnh hội, qua loại hình nửa khảo cứu nửa truyện kể.
Một ngoại lệ
Cuốn sách bất ngờ lọt vào top 10 đầu sách bán chạy nhất vào mùa hè này ở Pháp thể hiện cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của một nhà triết học, xã hội và kinh tế học thế kỷ 19. Tư tưởng của ông dựa trên nền tảng triết lý Đức (Friedrich Hegel- 1770-1831), kinh tế Hồng mao (đường hướng ở Anh) và chính trị Pháp (các thuyết gia xã hội), được ông triển khai và lập luận dựa trên các sự kiện lịch sử và xã hội từ ngàn xưa cho tới thời ông còn sống.
Một nhân vật lịch sử tiếng tăm lừng lẫy đã hơn thế kỷ nay, mà toàn thể nhân loại trên quả địa cầu ít nhiều đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, nếu không về mặt thuần triết học, thì cũng về mặt kinh tế và nhất là chính trị.
Cho đến nay chưa ai đếm trọn hết vô số tập tiểu sử dày mỏng đã viết về ông, một cuốn sách thêm nữa vì vậy khó bề vượt lên để lọt vào nhóm sách bán chạy hàng đầu. Vậy mà cuốn tiểu sử vừa xuất bản bỗng trở thành một ngoại lệ.
Ngoại lệ, không phải nhờ ở nội dung, nói chung đã quá quen thuộc rồi, mà nhờ ở chỗ tác giả biết cách vén màn mở ra một phối cảnh độc đáo trước kia ít ai đề cập tới, để rọi sáng thân thế và ảnh hưởng dài lâu của nhân vật lịch sử. Một bức chân dung quả thật khác xa các chân dung đã được phác họa, đại đa số những cuốn trước đó đều đơn điệu, đào sâu một khía cạnh đặc thù nào đó, hoặc là chính trị, hoặc là kinh tế, hoặc là triết học.
Cuốn tiểu sử này, ngược lại, không chỉ khắc họa chân dung nhà tư tưởng đã đề ra một hướng phát triển cho xã hội tương lai qua cuốn sách triết học có nhiều độc giả hơn hết trên thế giới, nhan đề Das Kapital (Tư bản luận, 1867), mà còn, và đây mới là phần độc đáo của cuốn sách, mô tả nhân vật của mình trong bối cảnh tâm lý đã khiến ông trải qua một cuộc đời ba chìm bảy nổi: Sinh ở Trier (Đức), bị trục xuất ở Pháp, mất ở London (Anh); từ một người làm báo, một người chồng có thời hoàn toàn sống nhờ vào vợ của mình về mặt tài chính cho đến một nhà tư tưởng; trải qua không biết bao nhiêu sự thăng trầm của cuộc đời, bao nhiêu sự giằng xé trong nội tâm.
Jacques Attali và Karl Marx
Đọc những dòng ở trên, bạn đọc ắt đã nhận ra cuốn sách mà chúng tôi đề cập tới ở đây. Đó là cuốn tiểu sử (thứ 80 ngànhay 100 ngàn? *), vẽ nên chân dung triết gia, kinh tế gia kiêm chính trị gia Karl Marx (1818-1883).
Tác giả của tập tiểu sử Karl Marx ou l'esprit du monde (Karl Marx hay là Tinh thần toàn cầu - NXB Fayard, 2005) là Jacques Attali, nguyên cố vấn của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (1916-1996).
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, tác giả khiêm nhường cho rằng cuốn sách của mình được độc giả hâm mộ chính là nhờ... cái bóng khổng lồ của Karl Marx.
Karl Marx, tác giả nhấn mạnh, là nhà tiên tri đã nhìn thấy trước được thời kỳ toàn cầu hóa hiện tại và tin rằng chẳng sớm thì chầy chủ nghĩa tư bản, sau khi ngự trị khắp thế giới, nhất định rồi cũng sẽ giẫy chết do chính bàn tay mình, nhường chỗ cho chủ nghĩa xã hội vĩnh viễn lên thay...
____________________
(*) Không có số thống kê chính thức. Nhưng chúng ta có thể so sánh: Đã có 80.000 đầu sách (vâng, tám chục ngàn!) viết về tiểu sử Hoàng đế Napoleon (1769-1821) được thống kê trên văn đàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận