27/10/2011 05:25 GMT+7

Cuốn sổ "mỗi khi cần giao dịch"

HOÀI QUÂN
HOÀI QUÂN

TT - Ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, mỗi hộ dân được UBND xã cấp một cuốn “Sổ theo dõi quyền lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình”, “có giá trị lưu hành trong địa phương xã”.

Trang đầu sổ ghi rõ: “Sổ dùng để phản ánh, ghi nhận quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, và “mỗi khi cần giao dịch với chính quyền, hộ gia đình mang sổ đến để tiện cho việc theo dõi, đảm bảo công bằng”.

Những trang sau trong cuốn sổ này là các bảng kẻ ghi rõ từng khoản, mục nộp tiền của hộ dân cho chính quyền như: thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền xây đền thờ liệt sĩ, các loại quỹ đền ơn đáp nghĩa, an ninh quốc phòng, khuyến học... Mỗi loại quỹ từ 10.000 đến vài chục nghìn đồng. Như vậy, trong rất nhiều khoản thu đó, trừ tiền thuế phải bắt buộc, còn lại theo quy định của Nhà nước là tiền tự nguyện đóng góp của người dân. Tuy là “tự nguyện đóng góp” nhưng nếu không nộp đủ tất tần tật các khoản trên thì “mỗi khi cần giao dịch”, cần xác nhận giấy tờ, xin con dấu đỏ của UBND, hộ dân không được chính quyền chấp thuận.

Thực tế đã xảy ra, có người là thương binh mất 41% sức khỏe từ chối đóng góp khoản tiền quỹ “đền ơn đáp nghĩa” cũng bị gây phiền hà; em Nguyễn Văn Châu học sinh giỏi, xin giấy xác nhận của xã để đi thi... học sinh giỏi cũng không được chấp thuận do gia đình quá nghèo, bố bị tàn tật không có tiền nộp...

Ở xã Cương Gián, quá nhiều khoản thu, đóng góp đã trở thành gánh nặng của người dân. Có khoản thu nghe rất lạ tai như “tiền đối ứng mầm non” đến 100.000 đồng/hộ. Để thu đủ các khoản đó, chính quyền buộc phải sử dụng biện pháp “mỗi khi cần giao dịch”, ép người dân nộp tiền... Cuốn “sổ theo dõi” trở thành nỗi ám ảnh với những hộ nghèo, với những người già cả, neo đơn, bệnh tật mỗi khi họ cầm theo lên trụ sở UBND để “giao dịch”.

Người dân đến trụ sở UBND xã để “giao dịch”, thực chất là yêu cầu chính quyền thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ hướng dẫn, giúp đỡ họ đạt được nguyện vọng, lợi ích tinh thần và vật chất của mình. Chính quyền là “của dân, do dân và vì dân”, nếu chỉ vì một vài khoản đóng góp “tự nguyện” chưa được thực hiện mà UBND xã từ chối thực hiện nghĩa vụ “vì dân”, trong khi không xem xét một cách toàn diện nguyên nhân, hoàn cảnh của từng hộ gia đình, sự phù hợp và tính pháp lý của từng khoản thu, thì đó quả là biểu hiện của nhũng nhiễu, quan liêu và có dấu hiệu trục lợi.

Với người dân xã Cương Gián, cuốn “sổ theo dõi” chỉ là cuốn sổ nộp tiền, nhằm bảo đảm cho họ được nhận con dấu đỏ của UBND khi cần thiết; hoàn toàn không phải là cuốn sổ “phản ánh, ghi nhận quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước” như lời đầu sổ ghi.

Thay vì chỉ nhằm vào “sổ theo dõi” và “giữ chặt con dấu”, UBND xã cần rà soát lại các khoản thu, mạnh dạn loại bỏ nhưng khoản thu bất hợp lý, phạm luật hoặc chưa cần thiết. Họ cũng có thể đưa ra lấy ý kiến, thảo luận dân chủ tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, vận động những hộ dân có điều kiện kinh tế khá nhưng vẫn chây ì... Mặt khác, về chiến lược lâu dài, cần tập trung mở rộng sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Dân giàu thì nước mạnh, đến khi đó đâu cần nữa mấy khoản thu cỏn con và sổ theo dõi phiền hà kia.

Mỗi khi “cần giao dịch” là một lần chính quyền thể hiện “phẩm chất vì dân phục vụ” của mình. Và hãy để cho điều giản dị đó trở thành thường tình trong cuộc sống chúng ta.

HOÀI QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên