24/10/2011 14:31 GMT+7

Cuối năm 2011 nợ nước ngoài khoảng 41,5% GDP

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

* Cần đầu tư vùng kinh tế động lực

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

5EiI5HSn.jpgPhóng to
Miền Trung được xem là một trong những vùng kinh tế động lực. Trong ảnh: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi - Ảnh: KH.NGỌC

Tại đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh việc bảo đảm chi cho an sinh xã hội, cần quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: “Các đô thị lớn là nơi có khả năng đóng góp cho GDP, vì vậy cần có sự đầu tư thỏa đáng, từ đây mới có nguồn thu để thực hiện các nhu cầu chi khác”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng một trong những điều quan trọng nhất của chi tiêu ngân sách là “bỏ đồng tiền đúng địa chỉ để phát huy hiệu quả”.

Theo ông Đương, vừa qua có tình trạng nhiều sân bay, bến cảng rất ít máy bay, tàu thuyền qua lại, chợ xây xong không có người mua bán, làm đường rộng lớn nhưng không có người qua lại, trong khi đó “có những nút giao thông nhỏ ở thành phố gây ùn tắc lâu nay thì không được tháo gỡ, tạo nên điểm nghẽn trong phát triển”.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị nên tránh cách phân bố ngân sách giống như: “Tôi có từng đó dầu, nếu cấp cho một chiếc tàu thì đủ chạy ra Côn Đảo, nhưng vì tôi có ba chiếc tàu nên phải cấp cho ba chiếc. Tàu nào cũng chạy nhưng không ra được đến Côn Đảo mà phải chờ năm sau được cấp dầu để chạy tiếp”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đặt vấn đề chi ngân sách năm 2012 cũng như năm năm 2011-2015 cần quán triệt và thể hiện được nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, trong đó có việc tái cấu trúc nền kinh tế. Trong cơ cấu chi ngân sách thì chi cho tái cấu trúc nền kinh tế chưa được làm rõ. “Chúng ta nêu quan điểm, chủ trương nhưng không thể hiện trong chi đầu tư này thì không ra vấn đề được. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế thì phải có đầu tư và cơ chế chính sách đi kèm” - ông Lê Thanh Hải nói.

Chính phủ dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỉ đồng (bằng 4,8% GDP), tuy nhiên ông Trần Hoàng Ngân cho rằng cần quyết liệt cắt giảm bội chi hơn nữa. Ông Ngân nói: “Bội chi ngân sách liên tục nhiều năm đã dẫn đến nợ công, trong đó có nợ nước ngoài ở mức báo động. Ước tính đến cuối năm 2011 nợ công là 54,6% GDP, nợ nước ngoài là 41,5% GDP.

Nếu so với dự trữ ngoại hối của nước ta hiện nay thì nợ nước ngoài lớn hơn nhiều. Nhìn sang các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan nợ công là 44,1% GDP, nhưng dự trữ ngoại hối của Thái Lan là 176 tỉ USD. Nhiều nước xuất siêu, nghĩa là có dư để trả nợ, còn mình nhập siêu liên tục. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục các chính sách để đảm bảo ổn định vĩ mô thật bền vững”.

Tập trung vào chất lượng đầu tư

Phát biểu tại tổ (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói: “Sở dĩ trong các năm 2010, 2011 nợ công tăng nhanh như vậy thì ngoài nhu cầu phải huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội còn có yếu tố về chênh lệch tỉ giá. Ví dụ năm 2011 khi chúng ta điều chỉnh tỉ giá thì có nghĩa là nợ nước ngoài cũng tăng lên như thế. Tức là không có một đồng ngoại tệ nào vay thêm thì bản thân tổng nợ công đã tăng.

Thứ hai nữa là bản thân mức GDP của chúng ta trong mấy năm vừa rồi không được như mong muốn. Nếu tổng GDP tăng khá thì tổng nợ trên GDP sẽ giảm. Nợ công của chúng ta hoàn toàn là để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta vay để tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, ví dụ như quốc lộ 1A… Nhờ các khoản vay để đầu tư như vậy nên GDP năm năm vừa rồi chúng ta tăng cao. Tất nhiên là chúng ta nói tăng trưởng GDP dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư.

Thế nên từ năm 2012 chúng ta mới xác định tập trung vào chất lượng đầu tư, năng suất lao động. Không phải là mình tự khen mình đâu, các tổ chức quốc tế như WB, IMF… họ nói riêng với mình, rồi nói trên các diễn đàn thông tin đại chúng rằng VN là một trong những nước sử dụng ODA tốt nhất thế giới. Theo tính toán của Chính phủ thì nợ nước ngoài sau năm 2015 sẽ xuống mức 64 hoặc 63,5% GDP”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên