27/08/2005 00:00 GMT+7

Cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004: Nhìn sâu hơn về lịch sử đất nước và dân tộc

Theo Thanh niên
Theo Thanh niên

Sáng 25-8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN đã tổ chức trao giải thưởng cho 14 tác phẩm - tác giả của cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004. Theo đánh giá của Ban chung khảo, trong cuộc thi này, các tác phẩm đoạt giải cho thấy một mùa gặt mới đầy triển vọng của tiểu thuyết VN đầu thế kỷ 21.

o62qeAFe.jpgPhóng to
Trao giải cho 4 nhà văn đoạt giải A
Sáng 25-8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN đã tổ chức trao giải thưởng cho 14 tác phẩm - tác giả của cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004. Theo đánh giá của Ban chung khảo, trong cuộc thi này, các tác phẩm đoạt giải cho thấy một mùa gặt mới đầy triển vọng của tiểu thuyết VN đầu thế kỷ 21.

Nhận xét về kết quả cuộc thi này, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN cho rằng: các tác phẩm được trao giải là gương mặt, là bước đi của tiểu thuyết VN trong những năm đầu thế kỷ 21, và thành công nổi bật của cuộc thi là những cố gắng nhằm mở rộng không gian của tiểu thuyết, với cái nhìn sâu hơn về lịch sử đất nước và dân tộc.

Đặc biệt là mảng tiểu thuyết viết về chiến tranh, với độ lùi về thời gian, các tác giả đã có cách nhìn nhiều ý nghĩa xã hội vào hiện tượng chiến tranh và số phận dân tộc, để đem yếu tố thế sự thay thế yếu tố thời sự.

14 tác phẩm - tác giả đoạt giải

* 4 giải A:

- Bến đò xưa lặng lẽ của nhà văn Xuân Đức

- Dòng sông mía của nhà văn Đào Thắng

- Rừng thiêng nước trong của nhà văn Trần Văn Tuấn

- Tấm ván phóng dao của nhà văn Mạc Can

* 5 giải B: Tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Hoàng Đình Quang, Thùy Dương, Nguyễn Khắc Phục, Lê Ngọc Mai

* 5 tặng thưởng: Tác phẩm của các nhà văn Trịnh Đình Khôi, Từ Nguyên Tĩnh, Đình Kính, Võ Thị Xuân Hà, Vũ Huy Anh.

Đánh giá về bốn tác phẩm - tác giả được trao giải A của cuộc thi, Ban chung khảo cuộc thi nhận xét: Các tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn và Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức đã vượt qua những vấn đề cũ, những khuôn sáo cũ. Và các tác giả này đã đẩy vấn đề, đẩy nhân vật đến tận cùng bi thương, tận cùng khốc liệt để bộc lộ trọn vẹn những phẩm chất cao cả của con người.

Cùng một cách nhìn mở rộng như vậy trên bình diện tiểu thuyết, tác giả Đào Thắng khá sung sức và thành công trong việc miêu tả đời sống nông thôn trong nhiều thập kỷ qua của đất nước.

Nông thôn trong tiểu thuyết Dòng sông mía của Đào Thắng vừa vạm vỡ, đằm thắm vừa đầy ắp thế sự với biết bao xung đột xung quanh một gia đình, một dòng tộc.

Chỗ chênh vênh lại chính là sự thành công của Đào Thắng khi tác giả này không rơi vào chủ nghĩa lạc quan, chủ nghĩa khách quan lạnh lùng ngay cả khi miêu tả những tình huống tồi tệ, bi đát nhất của cuộc sống.

Tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can là câu chuyện mưu sinh bình thường và bất thường, tự nhiên và trái tự nhiên, đầy mong manh, bất trắc; cái khác lạ cũng là nét độc đáo của tác phẩm này khẳng định những đóng góp mới mẻ của Mạc Can, và nếu như tác giả đẩy vấn đề lên bình diện rộng hơn thì tính triết lý của cuốn sách sẽ còn cao hơn.

Sau khi trao giải thưởng cho 14 tác phẩm - tác giả đoạt giải của cuộc thi tiểu thuyết năm 2002-2004, Hội nhà văn VN cũng chính thức phát động cuộc thi tiểu thuyết năm 2005-2008 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Nhà văn VN (1957-2007) với tiêu chí khuyến khích mọi đề tài, đặc biệt chú ý những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới của đất nước, các tác giả trong nước và nước ngoài đều có thể dự thi.

Theo Thanh niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên