Sau một thời gian dài triển khai và một ngày tham gia thi thố trực tiếp ở thị xã, 3 công trình nổi bật nhất đã được trao giải thưởng và chọn vào thi vòng tỉnh.
Dạo quanh một vòng các sản phẩm, công trình nghiên cứu được trưng bày ở hội trường hôm đó, tôi và nhiều người có chung niềm khâm phục về sự phong phú trong sáng tạo của thầy và trò. Nhưng tôi cũng băn khoăn và trăn trở về cách thức tổ chức triển khai thực hiện một phong trào lớn trong toàn ngành.
Thứ nhất, ý nghĩa thiết thực của phong trào thúc đẩy khả năng sáng tạo trong học sinh chưa được các trường nhận thức đầy đủ và đầu tư thực hiện sâu rộng.
Cụ thể là khá nhiều công trình làm theo kiểu đối phó, "nín thở qua sông" và miễn sao có tên trường đăng ký tham gia cuộc thi kẻo khó ăn khó nói với lãnh đạo. Vậy nên, một số sản phẩm bị lặp lại nhàm chán trong nhiều năm, một số ý tưởng đã nhan nhản trên internet bị "cóp" lại trắng trợn.
Chẳng hạn như bè cứu sinh dành cho đồng bào vùng lũ lụt bằng cách tận dụng các chai nhựa rỗng kết lại hay ủ phân hữu cơ bằng lá khô, cỏ dại… Năm trước nữa, một công trình gây tranh cãi bởi "có cũng như không" là thùng rác phân loại: một thùng rác bình thường được ngăn cách bởi một tấm chắn và sơn hai màu để phân biệt rác hữu cơ và vô cơ…
Thứ hai, giám khảo "không chuyên", "nghiệp dư" phải chăng sẽ không đánh giá đúng giá trị của công trình nghiên cứu?!
Ở địa phương tôi, nếu cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng có mời giám khảo từ bên ngoài đến kiểm định và đánh giá sản phẩm thì đội ngũ ban giám khảo của cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật lại là các thầy cô ban giám hiệu các trường.
Không phải các thầy cô trong ban giám hiệu không giỏi hoặc thiếu tầm nhìn, tôi chỉ băn khoăn về tính chủ quan trong nhìn nhận, đánh giá các sản phẩm sáng tạo. Và chúng tôi cũng không khỏi nghi ngại về sự thiên vị, nể nang nhau trong điểm số các sản phẩm giữa trường này và trường nọ.
Cháu tôi kể rằng cháu từng hướng dẫn học sinh xây dựng ý tưởng tận dụng bỉm (tã quần) trẻ em đã dùng để làm phân bón cho cây trồng. Ý tưởng ấy được một người bạn giảng dạy ở Đại học Nông lâm khen ngợi và động viên thực hiện. Vậy nhưng, một giám khảo phán "mất vệ sinh", vậy là bao công sức đều trôi tuột dễ khiến người ta nản lòng.
Thứ ba, sáng tạo khoa học kỹ thuật là cuộc thi của trò hay cuộc chiến của thầy?
Bất kỳ một công trình nghiên cứu nào dù là lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường hay hành vi xã hội đều do hai học sinh chịu trách nhiệm thực hiện đề tài. Còn một giáo viên nhận nhiệm vụ bảo lãnh, hướng dẫn, chỉ đạo học sinh thực hiện.
Lẽ tất nhiên là trong nhiều công trình sáng tạo, "chất xám" của học sinh chiếm phần lớn và các em tự hào, hãnh diện vô cùng với thành quả do công sức của mình tạo ra. Bất kỳ nỗ lực và cố gắng nào của học sinh cũng cần được trân trọng và khuyến khích nhằm tạo đà cho những bước tiến lớn hơn trong tương lai.
Vậy nhưng, dễ dàng nhận thấy rằng một số đề tài hầu như đều là công sức của giáo viên từ khâu lên ý tưởng đến giai đoạn nghiên cứu, viết báo cáo, làm sản phẩm trưng bày… Và học sinh chỉ có một một nhiệm vụ: đọc và học báo cáo của thầy nhằm thuyết trình và trả lời các câu hỏi chất vấn của ban giám khảo!
Sự "nhúng tay" quá nhiều của giáo viên trong các sản phẩm sáng tạo của học sinh biến cuộc thi này trở nên hình thức vô cùng. Các em đang vô tình trở thành "bức bình phong" cho ý tưởng sáng tạo của người thầy. Người thầy đang thi thố chứ chẳng phải học sinh đang trổ tài sáng tạo.
Sự giả dối phải chăng đã manh nha, len lỏi từ trong chính một cuộc thi mang tính thúc đẩy sáng tạo của đội ngũ "măng non đất nước"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận