05/09/2017 06:05 GMT+7

Năm học mới mong đừng đổi cách 
thi, đừng nhiều phong trào

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Sáng nay 5-9, hàng triệu học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới 2017-2018. Học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý tại các trường mong ước gì trong năm học này?

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 1.

Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương và văn bản cụ thể nhằm giảm tải các hội thi cho giáo viên mầm non như e-learning giáo án điện tử vì tốn nhiều thời gian của giáo viên. Thực tế giáo án này chưa thấy hiệu quả trong việc áp dụng vào hoạt động hằng ngày tại trường mầm non.

Cùng với đó là các hội thi mang tính hình thức tốn kém kinh phí, gây áp lực cho các trường như bé khỏe bé ngoan, dân vũ của giáo viên... 

Thay vào đó, nên khuyến khích động viên các trường tăng cường các hoạt động lấy trẻ làm trung tâm, dạy kỹ năng sống phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường; tổ chức cho giáo viên, học sinh các khu vực quận, huyện được giao lưu học tập lẫn nhau.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 2.

Tôi mong bộ xem lại cơ cấu thời gian học và cách học mới hiện có phù hợp không. Ví dụ một chuyên đề 5 tiết mà giáo viên chỉ có một 1 tiết để dạy trên lớp, nên chỉ dạy được một phần của chuyên đề đó, xong phải đợi đến ngày khác mới dạy tiếp.

Ngoài ra cũng đề nghị bộ xem lại cách cộng điểm trung bình lớp 12 vào điểm thi để xét tốt nghiệp. Chủ trương của bộ tuy hay nhưng làm nảy sinh tiêu cực, đó là các trường "đẩy" điểm lớp 12 lên để tỉ lệ học sinh đậu được cao.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 3.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, giáo viên cần có thời gian để ngấm những nội dung đang đổi mới. Khi họ hiểu, thấy thuyết phục thì họ mới tin. Và như thế mới có thể thực hiện thành công được.

Còn nếu vội vàng, áp đặt, sự đồng thuận có thể vẫn có nhưng tính đối phó sẽ nhiều. Không phải thiếu giáo viên giỏi mà chỉ thiếu sự thuyết phục, thiếu người truyền cảm hứng, tạo môi trường để giáo viên cảm thấy yên tâm, tin tưởng để làm việc. 

Tôi mong đây sẽ là một năm học mà giáo viên có điều kiện được hiểu, được thấm và thấy thuyết phục trước những đổi mới quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông trước khi triển khai đại trà.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 4.

Điều mong mỏi nhất của tôi nói riêng, các giáo viên đứng lớp nói chung là phụ huynh tin tưởng nhà trường, không nhất thiết đưa con em vào các trường nội thành để quá tải, uổng phí sự đầu tư của địa phương. 

Phụ huynh cũng đừng ngại nghèo mà kêu con bỏ học, bắt đi làm sớm. Nghèo thì trường miễn học phí, nghèo nữa thì vận động học bổng, mạnh thường quân hỗ trợ. Tại Trường THCS Dương Bá Trạc, không chỉ học văn hóa, các em còn được dạy ngoại khóa về kỹ năng, năng khiếu để các em phát triển nhiều mặt.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 5.

Tôi mong muốn năm học mới 2017-2018 sẽ không có nhiều thay đổi trong cách tổ chức thi cũng như nhiều qui định mới cho học sinh cuối cấp. Thay đổi trong tổ chức và cách thức thi không phải không tốt nhưng phải có thời gian chuẩn bị cho giáo viên lẫn học sinh, đừng quá bất ngờ.

Từ khi vào học đến nay, tôi luôn lo lắng năm nay không biết có gì mới nữa hay không. Đối với học sinh, tôi vẫn luôn trấn an các em phải học thật kỹ cũng như bám sát chương trình sách giáo khoa, nhưng trong lòng tôi vẫn không khỏi lo lắng.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 6.

Điều tôi mong muốn nhất là Bộ GD-ĐT đừng đổi cách thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH nữa. Chương trình lớp 11, 12 đã nặng mà thầy cô, học sinh vừa ôn tập vừa lo không biết có thay đổi gì vào phút chót không. Thay đổi hoài với tôi là cả gánh nặng, tác động đến tâm lý và định hướng ôn tập trong chín tháng.

Ngoài ra, học sinh lớp 12 cũng đã 17 tuổi rồi. Đôi khi có những nhu cầu thể hiện bản thân về hình thức, tính cách cần được thầy cô cảm thông và tôn trọng. Chúng tôi vẫn đảm bảo kỷ luật cơ bản nhưng mong muốn được thoải mái để thật sự coi nhà trường như gia đình thứ hai của mình.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 7.

Năm học đầu cấp nên em rất lo lắng. Chỉ học mới hai tuần nhưng em cảm thấy chương trình khá nặng so với cấp I. Năm học này em cũng áp lực điểm số vì cấp I không chấm điểm.

Em đọc trên báo thấy các chương trình ngoại khóa ở nhiều nơi rất hay. Em thích được thầy cô tổ chức các chương trình ngoại khóa theo kiểu vừa chơi vừa học để có thêm kiến thức. 

Em đang theo học lớp tiếng Anh tăng cường của trường. Do đó, em thích được thực hành giao tiếp với người nước ngoài nhiều hơn là ngồi học theo sách trong lớp.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 8.

Tôi mong nhà trường có nhiều hoạt động ngoại khóa cho trẻ trải nghiệm, nghiên cứu khoa học để các con suy nghĩ sâu sắc hơn. Nhà trường hiện nay chủ yếu rèn kỹ năng khéo léo tay chân hơn là tư duy tự lập, chủ động cho trẻ. 

Theo đó, sách giáo khoa nên có thay đổi theo vùng miền. Khó để áp dụng một bộ sách cho trẻ em từ vùng núi đến miền biển. Hà Nội và TP.HCM nên có thêm một số phần để học sinh hiểu biết về vùng đất mình đang sống.

Thay vì giờ học lịch sử, khoa học "chay" trên lớp, nhà trường có thể thuê xe buýt đưa các em tham quan bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng áo dài tại TP. Song song đó, giáo viên cần đầu tư thời gian tìm hiểu để cùng đi và giải đáp cho học sinh. 

Qua các trò chơi vui theo chủ đề, các em sẽ học được nhiều điều thực tế, lại ghi nhớ lâu. Tôi không nghĩ kinh phí, thời gian tổ chức chiếm quá nhiều nhưng hoạt động này đòi hỏi sự sáng tạo ở giáo viên.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 9.

Điều tôi mong là ngày càng có nhiều nhà trường, thầy cô giáo chủ động đổi mới, sáng tạo, không sợ khó, không sợ khổ. Nhiều người, nhiều trường đang hiểu "trải nghiệm sáng tạo là cho học sinh ra ngoài nhà trường đi tham quan rồi viết cảm tưởng".

Trong khi chỉ riêng vấn đề "trải nghiệm" mỗi trường có thể nghĩ ra cả ngàn ý tưởng dễ làm, tạo hứng khởi cho học sinh. Trải nghiệm đó có thể ở trường nhưng có thể ở nhà, có thể ngắn có thể dài, có thể nằm trong một hình thức hoạt động mới nhưng cũng có thể thực hiện ở từng tiết học cụ thể, bài học bình thường có trong sách giáo khoa. 

Nếu mỗi trường, mỗi thầy cô giáo đều chủ động, sự "đổi mới" và thôi thúc đổi mới có ở trong đầu mỗi người thì những mục tiêu đặt ra mới có thể thành công.

Năm học mới mong đừng đổi cách  thi, đừng nhiều phong trào - Ảnh 10.

Ngày 4-9, nếu trời không mưa, thầy cô, học trò trường tôi mới có thể tập trung san đất làm lại mặt bằng để khai giảng. Mấy ngày nay mưa riết, mỗi lần san là lũ cuốn. Chỉ e không kịp sửa sân, hơn 200 học sinh chưa kể giáo viên sẽ phải khai giảng trên mảnh sân nhỏ xíu.

Từ ngày báo Tuổi Trẻ đăng tin về trường ("Gian nan này ai thấu thầy cô", Tuổi Trẻ ngày 13-8), một số đơn vị liên hệ ngỏ ý giúp đỡ nhưng chưa thấy ai tới vì đường đi vào bản khó khăn. Trường có tỉ lệ học sinh chuyên cần hơn 80% nên giáo viên không quá lo việc vận động các em đến trường. 

Hiện giờ tôi chỉ có nguyện vọng trường lớp được xây kiên cố hơn, trang thiết bị được cải thiện để cô trò yên tâm dạy học. Trước mắt chỉ mong trời đừng mưa, cô trò và dân bản đổ ra khiêng đất đá về lấp sân để kịp ngày khai giảng.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên