19/11/2020 10:02 GMT+7

Cuộc phiêu lưu khác của Bình Ca

THU HÀ
THU HÀ

TTO - Hình như biết mình đã hoàn toàn để mất yếu tố bất ngờ khi lần thứ hai góp mặt với văn đàn, sau thành công “không thể tưởng” của Quân khu Nam Đồng (tái bản 15 lần trong 4 năm), Bình Ca quyết định vẫn cứ gây bất ngờ: viết truyện thiếu nhi!

Cuộc phiêu lưu khác của Bình Ca - Ảnh 1.

Vào 18h hôm nay 19-11, tác giả Bình Ca sẽ có cuộc giao lưu ra mắt sách tại tòa nhà Hanoi Tourist, Hà Nội - Ảnh: THU HÀ

Khi cầm bản thảo Đi trốn trong tay, người quyết định in 7.000 cuốn ngay đợt đầu của Nhã Nam vẫn không hết sửng sốt: "Tôi đinh ninh đây là một cuốn sách dữ dội về chiến tranh, khi những chàng trai Quân khu Nam Đồng vào lính, vượt sông Bến Hải ra trận".

Và đó là cái bất ngờ được tính toán một cách rất chuyên nghiệp của một nhà văn đã không còn chút nghiệp dư nào.

Đi trốn là một tiểu thuyết phiêu lưu thực sự, chuyên nghiệp, nhiều hành động, nhiều lớp lang, nhiều nút thắt mở và ngồn ngộn chi tiết, tràn ngập hình ảnh.

Bốn cậu bé và một cô bé trốn khỏi trại Nhi đồng sơ tán vì sợ bị trừng phạt sau vài lỗi nghịch ngợm để lại hậu quả mang tính "dây chuyền". Việt Bắc, Tự Thắng, Sơn, Linh và Thảo được thả vào một vùng thiên nhiên hoang dã với không khí phiêu lưu mà người đọc đều cảm giác như đã gặp, xa thì Trên sa mạc và trong rừng thẳm của nhà văn đoạt giải Nobel Henryk Sienkiewicz, gần thì Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.

Nhưng cái hay nhất của Đi trốn, lại là cái mà Bình Ca ra sức giấu giếm hay giả vờ giấu giếm, là nó gợi nhớ những kỷ niệm có thật, những thân phận có thật, và những địa danh, kỳ quan có thật.

Trên đất Bắc từng có nhiều trại nhi đồng sơ tán như thế, nơi những đứa trẻ xa cha xa mẹ vì cha ra trận, mẹ sơ tán đường khác theo nhà máy, công sở, sống với nhau như trong một đại gia đình, có thiếu hụt, có xáo trộn, có chí chóe, có ẩu đả... nhưng thực sự cũng có rất nhiều yêu thương, dù thô cứng, vụng về.

Cũng những trại nhi đồng ấy đã cho những đứa trẻ thành thị biết thế nào là muỗi mòng rắn rết, biết thế nào là cây dại nấm độc, biết tắm suối, biết phân biệt nấm độc nấm lành, biết rắn vốn hiền lành không cắn người nhưng khi chúng hung dữ lên thì khủng khiếp ra sao...

Cuộc "đi trốn" của năm đứa trẻ, vì thế, cũng có thể coi là bài ca ngợi ca vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên, vùng đất vào loại đẹp nhất VN, nơi có động Người xưa, có cây chò ngàn năm, có phượng hoàng trên núi cao, có hàng triệu nhũ đá kỳ ảo không kém Hạ Long nhưng ở ngay trên cạn.

Hơn thế, trong hành trình kỳ lạ qua miền đất khắc nghiệt mà ảo diệu như cổ tích này, người ta một lần nữa nhận ra cái chất keo dính các nhân vật của Bình Ca với nhau, suốt từ Quân khu Nam Đồng qua tác phẩm mới này: tình bằng hữu của những người đàn ông chân chính - dù trong hình hài các chàng trai hay trong các cậu bé chưa vỡ giọng, chưa mọc ria và chưa hề có rung cảm giới tính.

Vì vô số chi tiết đẹp đẽ hay ho mà người ta chỉ có thể tự khám phá khi đọc Đi trốn, xin chúc mừng nhà văn Bình Ca, và chúc mừng văn đàn vốn thiên về "âm tính" của VN có thêm được một giọng văn khỏe khoắn, đàn ông và thanh xuân như thế.

"Trẻ con thấy giống quá - người lớn thấy nhớ quá" có lẽ là lời nhận xét chính xác nhất về thành công của một cuốn truyện thiếu nhi mà The New York Times đã viết về Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh.

Tác giả Đi trốn có lẽ cũng có cái hạnh phúc ấy khi một người trong cuộc, một cậu bé từ trại nhi đồng ngày xưa với biệt danh Cồ đã chia sẻ sau khi đọc cuốn sách-về-chúng-mình: "...Câu chuyện của những đứa trẻ như mình ngày ấy thời bây giờ chẳng mấy ai tin là thật, lạ thay nó xảy ra như một phần của câu chuyện đã đi vào... truyện "viễn tưởng". Mình thấy vui vì bạn mình lại "vẽ ra" một câu chuyện nên thơ đến thế từ những mảnh vụn của ký ức, một ký ức đẹp của một thế hệ đã từng là mầm non của Đảng".

4 năm tái bản 15 lần, vì sao Quân khu Nam Đồng 4 năm tái bản 15 lần, vì sao Quân khu Nam Đồng 'hot'?

TTO - Một cuốn sách giản dị của một tay bút lần đầu viết văn, kể chuyện quá khứ của đám 'trẻ trâu' ở một khu gia binh giữa lòng Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp, tưởng sẽ rất xa lạ với những người trẻ hôm nay, vậy mà hoàn toàn ngược lại.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên