Có một làn sóng “di cư” mới: học sinh Hà Nội về Thái Bình, Hải Phòng học y, còn học sinh Thái Bình, Hải Phòng lại về Hà Nội học y - đó là cách một thầy giáo luyện thi có tiếng ví von tình cảnh trớ trêu của thí sinh đạt điểm cao đang chịu tác động mạnh mẽ bởi chính sách ưu tiên.
Thực tế không phải năm 2017, những bất cập về cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh mới được đề cập. Nhiều năm qua, mỗi khi các trường công bố điểm chuẩn là lập tức lại có dư luận than phiền điểm ưu tiên vì đã đẩy không ít thí sinh điểm cao nhưng thiếu thứ "vũ khí đặc biệt" rơi vào cảnh... “trắng tay”.
Có điều, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa là 1,5 điểm, ưu tiên đối tượng tối đa 2 điểm đã được duy trì nhiều năm qua, nhưng tại sao năm nay làn sóng “đòi xét lại” chính sách này mới trở nên dữ dội?
“Đó là vì điểm thi năm nay cao, phát sinh những ngành mà thí sinh đạt điểm số gần như hoàn hảo, 29-30 điểm vẫn ngậm ngùi đứng bên ngoài cánh cổng giảng đường ĐH yêu thích. Quá vô lý và ngược đời, làm sao xã hội không bức xúc?” - một chuyên gia tuyển sinh lý giải.
Chưa kể, một số trường còn áp dụng “ưu tiên hai lần” cho đối tượng được cộng điểm. Nghĩa là ngoài được cộng để vừa điểm chuẩn, khi xét tiêu chí phụ, lọc lựa cho vừa chỉ tiêu, điểm ưu tiên vẫn ung dung xuất hiện trong bộ cánh của khái niệm “điểm chưa làm tròn”.
Có thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội uất ức: chỉ chênh nhau 0,05 - 0,1 điểm đã kẻ đỗ, người trượt mà đến bước cuối cùng này, thí sinh được ưu tiên vẫn đương nhiên vượt trước 1-2 điểm thì làm sao còn cửa cho thí sinh không được bảo hộ bởi hai chữ “ưu tiên”?
Khảo sát danh sách trúng tuyển một số ngành đào tạo ĐH “đầu bảng” năm 2017 đã cho con số giật mình: với mức điểm chuẩn rất cao (28-29 điểm), nhiều ngành như y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM... có đến trên 90% thí sinh trúng tuyển là đối tượng được cộng điểm ưu tiên!
Thực tế, với quy định ưu tiên hiện nay, có đến 60-70% thí sinh học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia được cộng điểm ưu tiên khu vực.
Chế độ ưu tiên vốn là công cụ để đảm bảo tính công bằng xã hội, xuất phát từ sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền, đối tượng khác nhau. Tuy nhiên sau nhiều năm áp dụng, chính sách này dường như đang bộc lộ những bất cập và cần phải xem xét lại.
Dù ưu tiên thế nào cũng phải đảm bảo chất lượng giáo dục và chỉ tiêu dành cho đối tượng ưu tiên cần được xác định rõ ràng, không lập lờ biến người thường thành người giỏi.
Phương án dành tỉ lệ nhất định cho việc xét tuyển bình thường theo điểm số từ cao xuống thấp, phần chỉ tiêu còn lại chia đều theo tỉ lệ học sinh các địa phương cũng là cách mà một số quốc gia đang áp dụng để loại bỏ những bất công từ chính sách ưu tiên.
Điểm số là tương đối, nhưng nếu đã coi là tiêu chí để xét tuyển vào cánh cửa ĐH thì phải tuân thủ luật chơi, chứ không thể cứ vì ưu tiên mà bất chấp điểm thi của người đỗ lại kém quá xa điểm người trượt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận