03/03/2016 08:25 GMT+7

Cuộc đổi đời từ Mu Chi, Tân Biên...

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG

TT - Buổi sáng sớm, chúng tôi lang thang ra phía trước đồn biên phòng Pa Ủ, sự tĩnh lặng của ban mai biên ải như vỡ ra bởi tiếng nhạc vang lên từ một ngôi nhà trên lối vào bản Tân Biên.

Học sinh người La Hủ ở Pa Ủ từ chỗ sống hoang dã giữa núi rừng nay đã được học trong những điểm trường khang trang - Ảnh: Việt Dũng
Học sinh người La Hủ ở Pa Ủ từ chỗ sống hoang dã giữa núi rừng nay đã được học trong những điểm trường khang trang - Ảnh: Việt Dũng

Tân Biên là một trong số những bản đầu tiên của người La Hủ được bộ đội biên phòng Lai Châu xây nhà đại đoàn kết và thuyết phục dân về ở.

Cái tên bản Tân Biên tự thân đã nghe hơi hướng của “miền xuôi” bên những tên bản mộc mạc như Tham Pa, Mu Chi, Nà Xi, Cờ Lò...

“Hạt nhân” của Pa Ủ

Tất nhiên khi đặt tên bản mới, mọi người cũng gửi gắm kỳ vọng Tân Biên - bản mới nơi biên cương - sẽ là điểm sáng của xã Pa Ủ.

Khi đến nhà già bản Phản Xạ Chô, nguyên trưởng bản Tân Biên, chúng tôi bất ngờ khi biết ông là người La Hủ đầu tiên đi làm... cán bộ, từng là cán bộ tổ chức huyện Mường Tè, sau này về làm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Pa Ủ, về hưu ông lại tiếp tục làm trưởng bản, mãi năm ngoái mới nghỉ hẳn.

Dẫn chúng tôi ra hiên nhà, chỉ tay lên tấm biển xanh gắn lên bức tường gỗ đề dòng chữ “Nhà đại đoàn kết - Học viện Biên phòng tặng”, già Chô bảo: “Cả bản này nhớ ơn cán bộ Phúc lắm, nó là em kết nghĩa của tao”.

Bản Tân Biên này đều được ở nhà của bộ đội biên phòng dựng cho. “Cán bộ Phúc” mà già Chô nhắc đến chính là thiếu tướng, giáo sư Trần Hữu Phúc, hiện là giám đốc Học viện Biên phòng.

Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ ở Mường Tè - Lai Châu được đề xuất và thực hiện vào thời điểm ông Trần Hữu Phúc đang là đại tá, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, trực tiếp thực hiện đề án.

Tâm huyết với chuyện bảo tồn tộc người La Hủ, ông Phúc cũng dành nhiều tình cảm riêng với Phản Xạ Chô.

Những tấm hình mỗi lần ông Phúc vào thăm bản Tân Biên, thăm già Chô được ông treo trân trọng trên tường cạnh những bằng khen, chứng nhận về thành tích của Phản Xạ Chô với cộng đồng và công cuộc bảo vệ an ninh biên giới.

Bản Tân Biên may mắn có một thủ lĩnh như Phản Xạ Chô nên đây cũng là bản có nhiều hộ biết làm lúa nước và trồng thảo quả, đời sống kinh tế ổn định nhất ở Pa Ủ.

Nhà Phản Xạ Chô kề với nhà của mấy người con, cùng một mẫu nhà “đại đoàn kết” mà bộ đội biên phòng làm cho, mái lợp tôn, tường che bằng gỗ. Nhà nào cũng có tivi, xe máy. Thậm chí có cả ăngten truyền hình K+.

Nhưng niềm tự hào lớn nhất của bản Tân Biên cũng như của ông Chô là Phản Hà Tư, con trai ông, là sĩ quan chính trị, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nay đang về công tác ở Huyện đội Mường Tè.

Khoát tay chỉ xuống thung lũng dưới chân bản, Phản Xạ Chô bảo: từ ngày về đây, có bộ đội biên phòng Pa Ủ giúp, dân bản làm lúa nước nhiều lắm, có lúa nước, có gạo ăn nhưng chưa giàu được vì... tập quán của người La Hủ không tích trữ.

Ly Mồ Gia bên chiếc máy xát lúa ở bản Mu Chi 
- Ảnh: Ngọc Quang
Ly Mồ Gia bên chiếc máy xát lúa ở bản Mu Chi - Ảnh: Ngọc Quang

Trở lại Mu Chi

Nếu Tân Biên với lợi thế có những “hạt nhân” như Phản Xạ Chô, lại nằm gần đồn biên phòng Pa Ủ nên cuộc sống bà con La Hủ trong bản sớm ổn định, tiếp cận với nhiều điều mới thì ở Mu Chi, sau mấy năm trở lại chúng tôi thật sự bất ngờ.

Tròn bốn năm trước, trong chuyến trao quà xuân của báo Tuổi Trẻ cho các em học sinh Trường tiểu học Pa Ủ, chúng tôi đã tranh thủ vào thăm bản. Khi ấy Mu Chi vừa được xây dựng với 43 ngôi nhà.

Nhà mới làm, màu những mái tôn xanh lá hòa vào màu cây rừng sau mái núi sáng cả một góc rừng. Nhưng đi vào mỗi căn nhà, hình như ngoài căn nhà của bộ đội biên phòng làm cho, không nhà nào có gì để gọi là tài sản.

Gần một chục ngôi nhà mà chúng tôi ghé, nhà nào cũng chỉ có vài mảnh ván kê trên nền đất, trên mảnh ván ấy lùng nhùng những mảnh chiếu, chăn. Có lẽ dân chỉ cần một chỗ ngả lưng hơn là một căn nhà đúng nghĩa. Những gương mặt chưa hết ngác ngơ.

Anh Thàng Xuân Ly, dạo ấy là chủ tịch xã Pa Ủ, dẫn chúng tôi vào gặp vài hộ gia đình ở Mu Chi nhưng rất khó để hỏi thăm về cuộc sống và nơi ở mới.

43 căn nhà đại đoàn kết cho bản Mu Chi ngày đó, mỗi căn trị giá 35 triệu đồng không hề là một số tiền nhỏ, chưa kể hàng ngàn ngày công của bộ đội biên phòng Lai Châu, với những chiến dịch “Mái ấm cho dân”, gùi cõng từng tấm tôn vượt qua bao nhiêu suối đèo để đưa đến đây lợp mái, xẻ gỗ, che tường.

Chủ tịch Ly bảo: “Đưa được bà con về ở tập trung ổn định thế này là tốt lắm rồi, còn để bà con hội nhập được sẽ khó khăn lắm”.

Và hôm nay, sau ba năm trở lại, từ cổng Trường tiểu học Pa Ủ ngược dốc lên bản, không còn là những căn nhà im ỉm khép cửa như năm nào, những chiếc xe máy của trai bản leo dốc phăm phăm, tiếng nhạc phát ra rộn ràng.

Bí thư chi bộ bản Mu Chi là Phản Mu Chờ hạ nhỏ tiếng tivi, bước ra đón khách. Trong nhà, chiếc tủ chè rất “mô đẹc” được chưng ngay gian giữa như những gia đình khá giả dưới xuôi, phía trên đặt tivi và giàn âm thanh.

Câu chuyện về bộ đội biên phòng giúp dân bản đổi đời có lẽ ở bản nào cũng được kể như nhau. Và đó là cả một hành trình bền bỉ. Như bản Mu Chi này phải sau tròn bốn năm, trong những căn nhà dân chúng tôi mới thấy điều gì đó như là sinh khí của bản làng.

Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi nghe tiếng máy nổ vọng lên từ cuối bản. Phản Mu Chờ bảo: “Nhà của Ly Mồ Gia đấy, nó có máy xát lúa, xát bột cho cả bản!”.

Vậy là Mu Chi cũng đã có dấu hiệu của “công nghiệp” rồi. Tìm về căn nhà có tiếng máy nổ vọng ra, chúng tôi gặp Ly Mồ Gia đang cho máy nổ để xay lúa.

Nếu đã từng chứng kiến cuộc sống hoang dại của người La Hủ, thì chắc chắn hình ảnh chiếc máy xay lúa ở Mu Chi này còn ấn tượng không kém gì khi chứng kiến một sự kiện trọng đại nào đó ở miền xuôi.

Ly Mồ Gia cho máy chạy nốt mẻ rồi tắt máy quay ra nói chuyện với chúng tôi. “Mình mua 7 triệu đồng đấy. Thấy bà con mang lúa đi về tận dưới bản Giẳng để xay nên mình mới nghĩ ra xay ở đây cho bà con đỡ vất vả”.

“Thế lấy tiền bà con nhiều không?”. “Không, cũng lấy như dưới kia thôi, mỗi ngàn một cân”. “Thế thu đủ tiền mua máy chưa?”.

“Chưa đâu, mình bỏ tiền to mà thu tiền nhỏ, lâu lắm” - Ly Mồ Gia cười ngượng nghịu, dường như với cái tập tục “hỉ xả” của người La Hủ, giá không lấy tiền bà con thì tốt hơn.

Nhưng dù sao đi nữa, cái máy xát lúa ở bản Mu Chi của Ly Mồ Gia cũng đã làm cho câu chuyện những “thổ dân” La Hủ ánh lên nét lấp lánh về tương lai, dù rằng sẽ còn rất dài, rất lâu nữa mới tiến kịp những dân tộc anh em trên miền Tây Bắc như người Thái, người Hà Nhì...

Những ngày tìm về với cộng đồng La Hủ, chúng tôi mới nhận ra người La Hủ luôn được nhận yêu thương của cả cộng đồng.

Từ những tập đoàn kinh tế lớn cho đến các nhóm bạn trẻ với những nhóm từ thiện tự phát, ai cũng muốn mang đến cho đồng bào La Hủ chút gì đó để bày tỏ và sẻ chia cùng với họ, những người sống cuối trời “tây bắc của Tây Bắc”.

__________

Kỳ tới: Yêu thương dồn tụ cuối trời...

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: “Xá Lá Vàng” - phận đời như lá

>> Kỳ 2: “Thực địa” ở Pha Bu

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên