02/03/2016 13:47 GMT+7

“Thực địa” ở Pha Bu

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG

TT - Để cảm nhận hành trình nhọc nhằn đưa người dân La Hủ từ rừng thẳm về, chúng tôi nhờ anh em ở đồn Pa Ủ bố trí cho vào thực tế ở một bản “tương đối khó” một chút.

Những ngôi nhà định cư cho người La Hủ được bộ đội biên phòng Lai Châu dựng lên để vận động bà con rời rừng sâu về bản - Ảnh: Đức Duẩn
Những ngôi nhà định cư cho người La Hủ được bộ đội biên phòng Lai Châu dựng lên để vận động bà con rời rừng sâu về bản - Ảnh: Đức Duẩn

 

Nói “tương đối khó” vì sau sáu năm triển khai đề án bảo tồn dân tộc La Hủ, nhiều bản bây giờ đã có đường ôtô vào tận nơi, trường lớp khang trang, có điện, có tivi, xe máy, tuy nhiên ở những bản định cư cho người La Hủ mới lập sau này, tất cả vẫn còn ngổn ngang khó khăn.

Thử thách đường vào...

Đứng ở sân đồn biên phòng Pa Ủ, trung úy Nguyễn Thọ Khang, cán bộ đội trinh sát đồn, đưa tay chỉ ra phía trước mặt đồn cho thấy một vệt mờ mờ của con đường và bảo: “Các anh muốn “tương đối khó” thì có thể vào Pha Bu, bản đó nằm trong “tốp” khó khăn của Pa Ủ đấy! Hôm nay trời đẹp, có thể đi xe máy vào Pha Bu chừng hai tiếng, chứ nếu trời mưa đi vào đấy chỉ có thể cuốc bộ, từ sáng sớm đến quá trưa mới tới nơi!".

Từng nhiều lần vượt suối, băng rừng cùng lính biên phòng nên chúng tôi cảm nhận cảnh báo của trung úy Khang không phải đùa. Đồng hồ chỉ 3g chiều.

Chúng tôi quyết định vẫn vào Pha Bu! Chọn mấy chiếc xe tốt nhất trong đồn cho anh em chúng tôi mượn, Khang dẫn chúng tôi vào Pha Bu.

Từ đồn ngược ra phía đường biên khoảng 5km đường khá êm, Khang ra hiệu rẽ vào lối mòn.

Thử thách đầu tiên là chúng tôi phải đi xe máy vượt qua cây cầu treo ở độ cao gần 40m, dài hơn 100m bắc qua suối Nậm Củm. Sàn cầu được lót ván, nhiều chỗ ván lát khá thưa và gỗ như quá cũ.

Như hiểu ý chúng tôi, Khang thốc ga vượt trước lên cầu. Đoàn xe máy qua cầu, tiếng ván gỗ lộc cộc, khô khốc, phía dưới suối sâu hun hút đầy đá hộc...

Con đường vào Pha Bu cứ dốc ngược, nền đường chỗ toàn đá hộc lổn nhổn, đoạn chỉ toàn đất gan gà trơn lì lồi lõm, sống trâu. Xe máy cứ cài số 1 để lên dốc và xuống dốc. Nhiều đoạn đường trơn, bánh xe cứ quay tít xoay ngang xe. Cứ lên hết đỉnh dốc lại đổ dốc xuống.

Chạy xe máy hơn một tiếng kể từ khi rời đồn mà trung tâm bản Pha Bu vẫn chưa thấy đâu. Khang dừng xe, ngoảnh lại bảo với chúng tôi: “Xuống hết dốc này, qua một con suối, rồi bò lên lưng chừng núi bên kia là trung tâm bản Pha Bu. Suối chỉ ngập lưng bánh xe, nước mùa này êm nhưng phía dưới toàn đá nên mọi người nếu đi không quen phải cởi quần dài, tháo giày ra kẻo ướt.

Dù được Khang quay lại hướng dẫn, khích lệ mọi người qua suối, nhưng cả ba xe của chúng tôi khi qua suối đều bị khựng lại vì vướng đá, chết máy và tất cả đều... ướt!

Sau đúng hai giờ băng rừng vượt suối, những ngôi nhà của trung tâm bản Pha Bu cũng loáng thoáng hiện dần ra bên rìa cánh rừng già.

Hai tiếng để vượt quãng đường chưa tới 20km đủ cho chúng tôi hiểu hơn những gì người lính biên phòng đã hi sinh cho người dân La Hủ. Dấu ấn đầu tiên với chúng tôi ở Pha Bu là bốn phòng học nhỏ và dãy nhà ở của các giáo viên cắm bản.

Tất cả đều được “ba cứng” (nền cứng, tường cứng, mái cứng) do bộ đội biên phòng xây dựng. Ngôi nhà sàn gỗ duy nhất, khá to lớn của trưởng bản Pờ Lò Hừ. Qua nhà trưởng bản là nhà của 29 hộ dân khác quây quần thành hai dãy.

Trưởng bản Pờ Lò Hừ bên con la của gia đình, phía sau là ngôi nhà hai tầng lợp tôn sang nhất bản Pha Bu của Hừ - Ảnh: Việt Dũng
Trưởng bản Pờ Lò Hừ bên con la của gia đình, phía sau là ngôi nhà hai tầng lợp tôn sang nhất bản Pha Bu của Hừ - Ảnh: Việt Dũng

“Mô hình Pờ Lò Hừ”

Pờ Lò Hừ năm nay 34 tuổi nhưng đã được tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Cả nhà Hừ sống trong rừng già từ lâu, mãi đến đầu năm 2015 sau bao nhiêu lần bộ đội biên phòng vào tận nơi vận động, Hừ mới đưa cả nhà về trung tâm bản Pha Bu này.

Thấy khách tới, trưởng bản Pờ Lò Hừ nhanh nhảu vào nhà quần áo chỉnh tề ra đón khách, giọng hồ hởi: “Hôm nay nhà mình làm “lý” (lễ cúng thần linh), các chú, các anh ở lại uống rượu mai về chứ?”.

“Hôm nay không ở lại uống rượu được đâu, gặp trưởng bản và bà con xong, anh em ra đồn để mai đi bản khác nữa” - Khang nhanh nhảu trả lời thay chúng tôi.

Pờ Lò Hừ nói như dỗi: “Hôm nay cuối tuần, ba giáo viên cũng về xã rồi, không ai ở lại, giờ các chú, các anh cũng không ở lại thì buồn lắm”.

Nhìn cơ ngơi của Pờ Lò Hừ với ngôi nhà hai tầng rộng rãi lợp tôn đỏ, nhớ lại quãng đường chúng tôi vừa đi từ đồn vào, chỉ riêng việc đưa được ngần ấy tôn vào đây đã là một công trình.

“Sao Hừ không ra sớm mà mãi đến đầu năm 2015 mới ra đây?”. Hừ cười ngượng nghịu: “Thì ở mãi trong rừng quen rồi, ngại về lắm, không biết về trung tâm lại sướng thế này...”.

Cả 76 hộ dân của Pha Bu trước đều du canh trong rừng, mỗi nhà mỗi ngọn đồi, từ bản trung tâm này đi vào nơi bà con sống mất hơn ngày đường. Trước khi có đề án bảo tồn người La Hủ, anh em đồn biên phòng Pa Ủ từng vào tận rừng sâu vận động quả là gian nan.

Ngay cả Pờ Lò Hừ được coi là người năng động, nhanh nhẹn nhất ở đây mà cũng mất gần bốn năm mới chịu dời ra bản trung tâm sống là đủ biết! Khi ra khỏi rừng, thấy nhà trưởng bản sinh sống, làm ăn phát triển thì các hộ dân khác cũng theo dần ra trung tâm dựng nhà ở.

Cùng với ngôi nhà khang trang nhất bản, Hừ cũng học cách làm thủy điện nhỏ từ con suối sau nhà, mua tivi, lắp ăngten chảo. Có nhà tôn thay mái lá rừng, có điện, có tivi, có xe máy... những điều ấy chỉ vài năm trước không người dân La Hủ nào ở Pha Bu này có thể nghĩ đến!

Định cư cho dân rồi, chính bộ đội biên phòng đồn Pa Ủ lại trực tiếp vào đây để bày cho bà con cách làm lúa nước và chăn nuôi. Nhà của Pờ Lò Hừ đã nuôi được hai con trâu, hai con bò, năm con lợn và chín con la.

Năm rồi Hừ bán năm con la được 100 triệu đồng cất cái nhà đẹp nhất bản này! Không chỉ biết chăn nuôi, biết trồng lúa nước, nhờ đưa về sống tập trung nên bà con bắt đầu biết buôn bán các sản phẩm mình thu hái từ rừng.

Như hôm chúng tôi lên, mùa giáp tết này dân bản vào rừng hái bông chít (bông đót làm chổi), nhờ sống tập trung nên sản phẩm mới đủ nhiều để thu bán cho các đại lý ngoài huyện. Pờ Lò Hừ đứng ra nhận làm điểm thu mua bông chít.

Nhìn bà con La Hủ biết cầm đồng bạc, biết bán mua, biết tiêu tiền là đã thấy cả một sự đổi thay ghê gớm rồi! Nhưng đổi thay lớn nhất ở đây là điểm trường Pha Bu đã có ba lớp tiểu học và một lớp mầm non với 44 cháu.

Từ chỗ những đứa trẻ lớn lên hoang dại như cây cối giữa rừng đến chuyện các em ngồi trong lớp học, nói thì đơn giản vậy nhưng có lên đây mới biết đấy cũng là một công trình ghê gớm của những người lính biên phòng.

Ngày vào rừng vận động, người La Hủ sống đúng nghĩa là “người rừng”. Giờ ra khỏi rừng, về sống tập trung thành bản, thành từng nhóm như thế này đời sống của dân thay đổi tốt dần lên, dù hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Đến như trưởng bản Pha Bu Pờ Lò Hừ này khi ở trong rừng cũng ngơ ngơ ngác ngác, suốt ngày chỉ uống rượu. Giờ thì khác lắm, là người làm được, nói được nên dù ít tuổi nhưng uy tín lại rất cao...

__________

Kỳ tới: Cuộc đổi đời từ Mu Chi, Tân Biên...

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên