01/03/2016 09:30 GMT+7

“Xá Lá Vàng” - phận đời như lá

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Tháng 9-2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt “đề án phát triển kinh tế xã hội” cho bốn tộc người có nguy cơ “báo động đỏ” về giảm thiểu dân số là Mảng, La Hủ, Cống và Cờ Lao.

Một gia đình La Hủ giữa rừng khi chưa được đưa về định cư - Ảnh: Đ.Duẩn
Một gia đình La Hủ giữa rừng khi chưa được đưa về định cư - Ảnh: Đ.Duẩn

Nhưng từ năm 2009, những người lính biên phòng ở Lai Châu đã âm thầm giữa rừng sâu biên giới, bền bỉ hồi sinh cho một trong bốn tộc người kể trên. Số phận những người La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) đã thay đổi rất nhiều kể từ đó.

Đã đi đi, về về vài lần với những bản làng La Hủ ở các xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu), nhưng phải đến lúc ngồi với đại tá Vũ Quang Mạo, phó chủ nhiệm chính trị Biên phòng Lai Châu, chúng tôi mới thấm thía về câu chuyện hồi sinh cho tộc người này. Những câu chuyện mà nếu không tới tận đây, nơi góc rừng biên cương heo hút này, sẽ không thể nào tin đó là sự thật...

“Trâu chết thì biết, người chết... không ai biết!”

Tây Bắc nước Việt được biết đến như là vùng đất khó khăn nhất của đất nước thì địa bàn cư trú của người La Hủ chính là “tây bắc của Tây Bắc”, trải dài từ ngọn núi Phu Si Lung có độ cao trứ danh thứ hai Việt Nam (3.053m) ở xã Pa Vệ Sủ, ngược lên những Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Pạ tận cùng heo hút.

Không sống quần tụ đông đúc như nhiều dân tộc khác ở biên giới phía Bắc, người La Hủ sống biệt lập, mỗi gia đình với 2-3 nóc nhà là anh em thân thuộc cùng sống chung trên một ngọn núi. Núi càng dốc, người La Hủ càng thích chọn để sống, để làm nương làm rẫy trên ngọn núi đó. Cả nhà dựng lều, lợp lá và sống trong những túp lều ấy.

Khi dựng lều cũng là lúc họ bắt đầu phát cây tra hạt. Cũng vỡ đất làm rẫy, gieo ngô trên nương, trồng sắn trên rẫy, nhưng khi lá trên mái lều úa vàng họ sẽ rời bỏ ngọn núi đó rồi đi đến một ngọn núi khác.

Cuộc du canh ấy kéo dài cho đến ngày tính rằng những mảnh nương đầu tiên đến kỳ thu hoạch thì quay về. Cũng từ tập quán dựng lều ở đến khi lá trên lều úa vàng thì cả gia đình lại đùm đề kéo nhau rời đi mà người La Hủ còn có tên gọi khác là người “Xá Lá Vàng”.

Rừng núi mênh mông nhưng đất đai canh tác lại ít, bởi địa bàn người La Hủ sinh sống thường rất dốc, tìm một vuông đất phẳng tầm vài chiếc chiếu đã là điều hiếm hoi. Cuộc sống hoang dã đời đời kiếp kiếp, ngại giao du với thế giới bên ngoài khiến người La Hủ đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Đã có một thời gian tỉ lệ sinh/chết của tộc người này là 1/1,1.

Nếu biết rằng người La Hủ sinh đẻ rất tự do, trai gái đến tuổi có vợ có chồng về sống với nhau cứ thế đẻ sòn sòn, nhà nào cũng 5-7 đứa con, thế nhưng tỉ lệ chết cao hơn tỉ lệ sinh đủ biết số phận những đứa trẻ La Hủ đau thương đến ngần nào!

Nhiều năm trước, khi đi lên các dãy núi vận động bà con về định cư, nhiều anh em chiến sĩ biên phòng chứng kiến gia đình có con trẻ chết, bố mẹ không hề tỏ ra thương tiếc, cứ thế mang vào rừng chôn cất. Bởi thế sinh mạng đứa trẻ của những năm tháng trước đây còn thua cả con bò, con trâu của bản.

Người La Hủ ngày đó “lý luận”: Con trâu, con bò chết, thịt nó còn ăn được, mỗi lần có trâu bò chết lại hú nhau xẻ thịt, uống rượu. Trẻ con chết thì chỉ đưa đi chôn, người bố mang ra rừng đào cái hố nhỏ, thế là xong.

Công cuộc hồi sinh tộc người này cho đến giờ vẫn còn là một thách thức trên đôi vai những người lính biên phòng Lai Châu.

Nhóm anh em trong một gia đình La Hủ quần tụ trên các ngọn núi cao với những túp lều rách nát - Ảnh: Đức Duẩn
Nhóm anh em trong một gia đình La Hủ quần tụ trên các ngọn núi cao với những túp lều rách nát - Ảnh: Đức Duẩn

Một lịch sử lưu lạc

Nếu căn cứ vào ngôn ngữ và văn hóa, người La Hủ gần với người dân tộc Hà Nhì, tuy nhiên cuộc sống của hai tộc người này gần như đối lập. Người Hà Nhì với cuộc sống văn minh hơn hẳn, làng bản được tổ chức quy củ, trong khi người La Hủ dù có ngôn ngữ giống với người Hà Nhì, chỉ khác nhau một số ít từ ngữ, trang phục cũng khá giống, song từ bao đời nay người La Hủ vẫn không có tổ chức hay luật lệ cộng đồng.

Những đôi mắt La Hủ mà chúng tôi gặp trong những ngày đến với vùng núi sâu Mường Tè luôn phảng phất một nét buồn cố hữu.

Những thầy cô giáo cắm bản ở đây đã kể cho chúng tôi câu chuyện về nguồn gốc người La Hủ rằng xưa kia họ ở tận phương Bắc xa xôi, rồi do những cuộc chiến tranh liên miên tranh giành đất đai lãnh thổ, người La Hủ cứ lùi dần về phía những ngọn núi phương Nam này.

Từ chỗ biết làm ruộng nước, may vá thêu thùa, cuộc chiến đã dồn họ lên núi cao, quanh năm sống trong mù mây, quay về với cuộc sống buổi hồng hoang, hái lượm và săn bắn.

Có lẽ thân phận người La Hủ khi xưa đã hằn dấu lên những phận đời hôm nay. Sự săn đuổi của những tộc người mạnh hơn trong quá khứ đã khiến họ ngày càng tách biệt với xã hội, dần mai một những phong tục tập quán. Sự sợ hãi đã hóa thành tập tính, xa lánh, tránh giao tiếp, ngại người lạ... như một cách thế để tự vệ.

Ngay cả bây giờ sau gần mười năm được bộ đội đưa về quần cư trong những bản làng, tiếp xúc với văn minh, nhưng sự dè dặt với người lạ vẫn cứ như một thuộc tính của người La Hủ.

Hôm từ đồn biên phòng Pa Ủ vào bản Pha Bu, những đứa trẻ chỉ chịu đến với Khang, đội trưởng trinh sát của đồn, vì Khang mặc quân phục biên phòng, còn với những ai mặc quần áo khác, chúng chỉ đứng từ xa nhìn đầy cảnh giác.

Hôm chúng tôi vào bản Mú Chi, xã Pa Ủ, chỉ cho chúng tôi những vuông đất trồng rau trước những ngôi nhà vừa được tái định cư của người La Hủ, thiếu tá Lỳ Già Ly, chính trị viên phó đồn Pa Ủ, nói đùa mà thật: “Để bày cho dân trồng được vuông rau như thế này, với người La Hủ có thể coi như là một cuộc “cách mạng” nông nghiệp”.

Cũng từ cuộc sống hoang dã, cái lý của người La Hủ rất đơn giản: sao lại phải vất vả trồng rau trong khi họ chỉ cần mang gùi vào rừng, ven suối một lúc đã có rau mang về ăn.

Bày cho đồng bào chăn nuôi cũng vậy, lúc ban đầu ai cũng bảo: nuôi gà, nuôi lợn làm gì khi chỉ cần vào rừng đặt bẫy thế nào cũng kiếm được thịt con thú? Chỉ chuyện đơn giản đã như thế, huống nữa chuyện chữa bệnh, chuyện học chữ, chuyện sinh đẻ!

Cuộc hồi sinh của tộc người La Hủ nơi cuối trời “tây bắc của Tây Bắc” được bộ đội biên phòng Lai Châu bắt đầu triển khai từ năm 2009.

Đã hơn sáu năm, bản báo cáo về việc hồi sinh tộc người La Hủ mà đại tá Vũ Quang Mạo đưa cho chúng tôi cũng chỉ dài sáu trang giấy. Nhưng trong sáu trang giấy đó là cả một hành trình đầy nhân văn và vĩ đại.

Bộ đội biên phòng Lai Châu dựng nhà tại Ka Lăng để gọi đồng bào La Hủ từ rừng thẳm về sống tập trung, cải thiện đời sống - Ảnh: Đức Duẩn
Bộ đội biên phòng Lai Châu dựng nhà tại Ka Lăng để gọi đồng bào La Hủ từ rừng thẳm về sống tập trung, cải thiện đời sống - Ảnh: Đức Duẩn

Dân tộc La Hủ chỉ sống tại huyện Mường Tè (Lai Châu), ngoài huyện Mường Tè ra, không địa bàn nào có tộc người La Hủ, tập trung chủ yếu tại năm xã biên giới là Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm và Ka Lăng với 31 bản, 1.269 hộ/6.483 nhân khẩu. Do địa bàn cư trú biệt lập, xa trung tâm, tập quán du canh du cư nên đến nay tỉ lệ hộ đói nghèo của dân La Hủ là 81%.

___________________________

Kỳ tới: “Thực địa” ở Pha Bu

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên