15/10/2015 13:29 GMT+7

​Cuộc điều tra gian khổ để tìm sự thật thảm họa MH17

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Để công bố kết luận tên lửa BUK do Nga sản xuất bắn rơi máy bay MH17, Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) đã thực hiện cuộc điều tra kỹ thuật pháp y đầy khó khăn và thử thách trong vòng 15 tháng ròng rã.

Các nhà điều tra gắn từng mảnh vỡ máy bay tìm thấy tại hiện trường vào khung thép có kích thước và hình dáng hoàn toàn tương tự một chiếc Boeing 777 Ảnh: Reuters

Theo trang công nghệ Gizmodo, khó khăn đầu tiên mà các nhà điều tra Hà Lan phải đối mặt là hiện trường thảm họa MH17 bị quân ly khai thân Nga phong tỏa, trong khi các mảnh vỡ máy bay phân tán trên một diện tích rộng hàng chục km. Máy bay gặp nạn trên độ cao 10.000 m và vỡ trên không, do đó rất khó xác định mảnh máy bay nào bị vỡ vì đụng vật thể trên không, mảnh nào vỡ vì rơi xuống đất.

Khi bắt đầu cuộc điều tra, các chuyên gia DSB lên danh sách hàng loạt giả thuyết về số phận của chiếc Boeing 777 chở 298 người. Họ không loại trừ bất kỳ khả năng nào, từ lỗi của phi công, yếu tố thời tiết, thậm chí cả thiên thạch rơi trúng máy bay. Trong vòng một năm, các nhà điều tra đóng một khung thép có hình dạng và kích thước hoàn toàn tương tự chiếc Boeing 777-200ER gặp nạn.

Gắn lại từng mảnh vỡ

Trong nhà để máy bay của căn cứ không quân Gilze-Rijen ở Hà Lan, các nhà điều tra gắn từng mảnh vỡ máy bay tìm thấy tại hiện trường miền đông Ukraine vào khung thép này. Quá trình này tốn rất nhiều thời gian. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn này, nhóm điều tra bắt đầu nghiên cứu các vết thủng trên máy bay, đặc biệt phía cánh trái thân máy bay.

Họ nghi ngờ một đầu đạn đã nổ và bắn các mảnh kim loại vào buồng lái và phần đầu máy bay. Các nhà điều tra cũng bắt đầu thu thập những mảnh kim loại hình lập phương và hình cánh bướm, thường thấy trong đầu đạn của tên lửa BUK do Nga sản xuất. Họ gọi chúng là những “vật thể năng lượng cao”, có nghĩa là chúng đâm vào máy bay với tốc độ cực cao.

 Nghiên cứu các vết thủng trên máy bay giúp các nhà điều tra xác định được hướng, tốc độ và sức mạnh của vụ nổ khiến máy bay rơi xuống đất. Các mảnh kim loại được tìm thấy trong buồng lái, khoang máy bay, trên cơ thể phi hành đoàn và hành khách… được xét nghiệm hóa học tại Viện Pháp y Hà Lan.

Tại đây, các nhà khoa học phát hiện dấu vết nhựa và sơn của máy bay MH17, cho thấy các mảnh kim loại này di chuyển từ bên ngoài và đâm xuyên vào máy bay.

Các nhà điều tra không thể xét nghiệm hóa học các mảnh kim loại này để xác định chúng có trùng với tên lửa BUK hay không. Báo cáo cho biết DSB đã rất nỗ lực tìm kiếm một đầu đạn tên lửa BUK để so sánh, nhưng không làm được điều đó. DSB không giải thích lý do tại sao.

Phân tích sóng âm

Dù vậy, mọi bằng chứng đã giúp các nhà điều tra loại bỏ những giả thuyết như lỗi phi công, thời tiết hay thiên thạch, và đi đến giả thuyết một quả tên lửa BUK đã bắn rơi máy bay. Họ xác định quả tên lửa nổ ở phía trên buồng lái máy bay. Do vụ bắn tên lửa quá đột ngột và quá nhanh, các nhà điều tra không tìm thấy ghi âm nào trong buồng lái có ý nghĩa đáng kể.

Nhưng họ phát hiện một “đỉnh âm” quá cao và lớn đối với tai người. “Đỉnh âm” này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc điều tra. Trong buồng lái máy bay Boeing 777 có rất nhiều thiết bị ghi âm, do đó các nhà điều tra có thể xác định được hướng mà âm thanh khủng khiếp này phát ra. Điều đó giúp họ xác định vụ nổ xảy ra ở phía trên bên trái thân máy bay.

Nhiều tuần phân tích bằng máy vi tính âm thanh và các dấu vết mảnh kim loại xuyên phá máy bay giúp các nhà điều tra xác định được hướng hướng phóng đi của quả tên lửa. Cuối cùng, sự kết hợp giữa phân tích hóa học, cấu trúc, radar, sóng âm… giúp các nhà điều tra đi đến kết luận một quả tên lửa BUK đã phá hủy máy bay. Không có kịch bản nào khác giải thích thảm họa này.

Dựa vào bằng chứng trên, các nhà điều tra DSB bác bỏ giả thuyết của Nga đưa ra rằng một quả tên lửa không đối không (bắn từ máy bay chiến đấu) đã phá hủy máy bay MH17. Báo cáo không cáo buộc kẻ nào bắn tên lửa, nhưng xác định tên lửa xuất phát từ một khu vực rộng ở phía đông nam vùng Grabovo, thuộc miền đông Ukraine. Chủ tịch DSB Tjibbe Joustra sau đó giải thích thêm tại họp báo: “Đây là khu vực mà biên giới thường xuyên thay đổi, nhưng là nơi quân ly khai thân Nga thực thi luật pháp”.

Các mảnh kim loại hình cánh bướm và hình lập phương chỉ có trong đầu đạn tên lửa BUK Ảnh: Gizmodo
NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên