05/08/2021 10:47 GMT+7

Cuộc chiến nữ quyền ở Olympic

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - "Tokyo 2020 sẽ là kỳ Olympic bình đẳng giới đầu tiên trong lịch sử, với 48,8% VĐV nữ tham gia" - chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach tuyên bố.

Cuộc chiến nữ quyền ở Olympic - Ảnh 1.

Nữ cung thủ An San - một biểu tượng của phong trào nữ quyền ở Olympic Tokyo 2020 - Ảnh: AFP

Để đạt được số liệu thống kê lý tưởng đó, phong trào Olympic đã phải trải qua một chặng đường rất dài. Trong kỳ Olympic đầu tiên vào năm 1896 tại Athens (Hy Lạp) - toàn bộ 241 VĐV dự giải đều là nam giới. Và đến Paris 1900, các VĐV nữ bắt đầu xuất hiện, nhưng cũng chỉ có 22 trên tổng số 997 người (tỉ lệ 2,2%).

Không thể thống trị nếu không "trọng nữ"

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về tỉ lệ VĐV nữ - với 69% VĐV. Và hầu hết các cường quốc thể thao đều có tỉ lệ VĐV nữ khá cao. 10 quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng huy chương ở Olympic 2016 (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Ý và Úc) đã cử đến những đoàn thể thao với tỉ lệ VĐV nữ khoảng 50%.

Đó là một thông tin rất có ý nghĩa nếu biết rằng trong quá khứ, tập trung vào VĐV nữ là cách thức phổ biến để các nền thể thao yếu hơn tìm kiếm huy chương. Chẳng hạn ở Romania, các VĐV nữ đã áp đảo những đồng nghiệp nam giới từ thập niên 1970. Bà Kristian Butariu - người từng làm việc cho Ủy ban Olympic Romania - cho biết trong số các VĐV ưu tú của quốc gia này, nữ giới chiếm khoảng 80%.

Điều này đến từ việc nam giới từ chối con đường thể thao chuyên nghiệp để kiếm một công việc ổn định gánh vác tài chính cho gia đình.

Với những quốc gia có đông người da màu, phụ nữ cũng dễ dàng đến với con đường thể thao vì đó là cách để họ thoát nghèo nhanh và tận dụng những lợi thế trời sinh. Chẳng hạn 82% trong tổng số huy chương Olympic của Jamaica là của các VĐV nữ.

Có thực sự bình đẳng?

Nhưng số lượng huy chương hay tỉ lệ VĐV nữ chỉ chứng minh được cơ bản của vấn đề - nữ giới ngày càng đến với thể thao nhiều hơn, chứ chưa chắc cho thấy sự bình đẳng giới thực thụ.

Cuba là một ví dụ. Quốc gia này đứng thứ 18 trong bảng tổng sắp huy chương mọi thời đại, với bề dày thể thao nữ cũng khá ấn tượng. Nhưng chúng ta hoàn toàn không thấy bóng dáng nữ giới trong môn boxing - môn thể thao thế mạnh nhất của Cuba (đã mang về tổng cộng 73 huy chương, trong đó có 37 HCV, bằng tất cả các môn khác cộng lại). Điều này là do ở Cuba, người ta không coi boxing là môn thể thao phù hợp dành cho nữ, và chỉ có nam giới mới được phép thi đấu.

Nhưng khi thế giới bắt đầu thừa nhận năng lực của các nữ VĐV, những cô gái lại phải bước vào một cuộc chiến chống việc bị "tình dục hóa". Suốt 3 năm qua, xìcăngđan lạm dụng tình dục trong làng thể dục dụng cụ Mỹ nổ ra, và lên đến đỉnh điểm với vụ tự sát của HLV John Geddert - người bị cáo buộc đã tiếp tay cho "bác sĩ ác quỷ" Larry Nassar lạm dụng các VĐV.

Nhiều năm qua đã có những ý kiến chỉ trích về việc đồng phục thi đấu của các nữ VĐV ngày càng bị "gợi cảm hóa". Và sự đấu tranh đã xuất hiện, với lá cờ đầu là đội bóng ném bãi biển Na Uy cùng Liên đoàn Thể dục dụng cụ Đức. Ở Tokyo 2020, các cô gái thể dục dụng cụ Đức ra sân với trang phục kín đáo toàn thân. Ngoài ra, đơn vị dịch vụ truyền hình Olympic cũng cam kết hạn chế các góc quay nhạy cảm đối với VĐV nữ.

Michele Donnelly - nhà nghiên cứu về quản lý thể thao ở ĐH Brock (Canada) - nói: "Nhiều VĐV nữ bị lạm dụng tình dục đã tham dự Olympic và giành huy chương. Đó không phải là bình đẳng giới mà là thành công bất chấp bình đẳng giới". An San - nữ cung thủ Hàn Quốc - dù xuất sắc giành 3 HCV ở Olympic Tokyo vẫn bị người dân nước này chỉ trích vì... cắt tóc quá ngắn (một hành động nhằm thể hiện sự ủng hộ của An San với phong trào nữ quyền).

Hành trình đi tìm sự bình đẳng giới trong thể thao, vì thế, vẫn còn rất dài.

Đường tắt đến thành công?

Tính từ Olympic 1996 đến nay, Trung Quốc đã bước vào tình trạng "âm thịnh dương suy" ở các kỳ Olympic khi các VĐV nữ luôn giành huy chương nhiều hơn VĐV nam. Nhiều người tin rằng đây là cách mà thể thao Trung Quốc đi đường tắt đến thành công vì đơn giản - thể thao nữ ít cạnh tranh hơn.

Nhưng Trung Quốc lại là nền thể thao bị đánh giá tệ ở cách đối xử của HLV đối với VĐV. Johannah Doecke - một HLV lặn nổi tiếng của đội bơi ĐH Indiana (Mỹ) - cho biết bà rất sốc khi làm việc với Chen Ni - một VĐV lặn ưu tú ở Trung Quốc từng được đưa sang Mỹ tập huấn.

"Khi mắc một lỗi gì đó, cô ấy rối rít xin lỗi tôi. Cô ấy đã quen với phong cách đó khi ở Trung Quốc, nếu nói không với bất cứ điều gì, cô ấy sẽ bị trừng phạt. Điều đó thật tàn bạo", HLV Doecke nói.

Bảng tổng sắp huy chương Olympic 2020: Trung Quốc vững ngôi đầu Bảng tổng sắp huy chương Olympic 2020: Trung Quốc vững ngôi đầu

TTO - Dù không giành được HCV nào trong ngày thi đấu 4-8 ở Olympic 2020 nhưng đoàn Trung Quốc vẫn đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Hai đoàn Mỹ và Nhật Bản xếp tiếp theo.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên