12/09/2013 07:44 GMT+7

"Cuộc chiến ngầm" ở Syria

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TT - Nhà báo Võ Trung Dung từng có mặt ở Syria để chứng kiến cuộc nội chiến đẫm máu. Anh đã gửi cho Tuổi Trẻ bài viết để thấy “cuộc chiến ngầm” ảnh hưởng không kém súng đạn.

uukV5lWm.jpgPhóng to
Thành phố cổ Aleppo giờ đây là một bãi chiến trường. Lực lượng FSA hằng ngày vờn đuổi cùng quân đội chính phủ - Ảnh: Reuters

Chỉ trong vòng hai năm, cuộc nội chiến ở Syria đã làm thiệt mạng hơn 100.000 người dân, khoảng 1,5 triệu người phải tị nạn sang các nước láng giềng, 4 triệu người phải sơ tán. Thật đau lòng khi không ai biết làm cách nào để dừng nó lại. Nhưng ở một chiều kích khác, nội chiến ở Syria đã đi vào lịch sử như một cuộc chiến quy mô đầu tiên thông qua sản phẩm mạng của người Mỹ: trang chia sẻ YouTube. Có thể nói ở góc độ nào đó, sự lan truyền thông tin cuộc chiến đẫm máu ở Syria qua mạng Internet làm thay đổi lịch sử của nước này.

Aleppo hoang tàn

Xây dựng cách đây 4.500 năm, thành phố Aleppo nằm ở tây bắc thủ đô Damascus, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong những kho tàng văn hóa vô giá của nhân loại. Nhưng nay chiến tranh đã phá hủy hơn phân nửa phần di tích cổ xưa ấy. Chỉ có thể nhìn thấy phần còn lại của Aleppo là bề ngoài lỗ chỗ do bom đạn. Aleppo bị biến thành một “thành phố ma”, nơi mà lực lượng quân đội của chính phủ và phe nổi dậy - Quân đội tự do Syria (FSA) - chơi trò “mèo vờn chuột” cùng với đủ loại vũ khí trên tay. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, trẻ em, phụ nữ, người già của Syria vẫn đang cố gắng sống sót từng ngày...

Tháng 6-2013, tôi có mặt tại quận Maqsoud thuộc Aleppo. Theo chân chiến binh tên Farid, tôi đi xuyên qua nhiều ngôi nhà qua các lỗ thủng do họ đục ra, tạo thành lối đi thông suốt. Đây cũng là con đường mà các chiến binh cũng như người dân Syria có thể đi lại trong khu phố để tránh bị bắn tỉa bất cứ lúc nào. “Chúng tôi đã bắt chước chiến lược đối phó quân thù giống như cách mà người Việt Nam từng làm trong chiến tranh - Farid kể - Chúng tôi đã xem thấy cách này trong một bộ phim chiến tranh nào đó nhưng tôi không nhớ rõ phim nào...”.

Farid - sinh viên trường mỹ thuật ở Aleppo - hiện đang làm việc cho cái gọi là “hãng thông tin của FSA”. Thay vì được trang bị một khẩu AK-47, anh ta lại đeo bên mình nào là máy quay phim, máy tính, điện thoại vệ tinh. Công việc của Farid là ngày đêm ghi hình và tiến gần đến các khu vực ném bom để quay lại hình ảnh thi thể của các nạn nhân. Sau đó, anh ta tiếp tục quay cảnh những người sống sót được đưa đến bệnh viện.

Lúc nào rảnh, anh ta lại ra tiền tuyến để chiến đấu. “Tôi thường gửi một vài đoạn phim quay được cho các bạn của mình sống ở nước ngoài. Họ sẽ đưa những đoạn phim này lên YouTube ngay trong ngày” - Farid cho biết.

Ngoài ra, các đoạn video cũng có thể gửi trực tiếp đến kênh truyền hình Al-Jazeera hoặc Al-Arabiya. Một số kênh truyền hình, chẳng hạn như Al-Jazeera, còn cung cấp các vật dụng và thiết bị kết nối vệ tinh nhằm đảm bảo việc phát sóng nhanh nhất. Họ cũng đói thông tin từ trong lòng Syria nên cứ đăng tải các thước phim được gửi ra, dù có ghi ngày tháng và địa điểm, nhưng cũng khó kiểm chứng tính xác thực.

Cuộc chiến thông tin

Ngày qua ngày, những người quay phim như Farid nhanh chóng trở nên chuyên nghiệp. Họ được những người có thiện cảm với quân nổi dậy sống ở các nước như Pháp, Anh, Mỹ hướng dẫn từ xa về các kỹ thuật quay phim. Bên Qatar và Saudi Arabia thì gửi sang các thiết bị phục vụ việc ghi hình và liên lạc. Hiện nay không chỉ chiến binh mà công dân Syria cũng quay lại mọi hình ảnh bằng điện thoại di động.

Thông qua các thước phim, đoạn video đăng tải, quân nổi dậy đã thu hút rất nhiều tình cảm của cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, một số đoạn phim sau đó đã thật sự gây sốc mọi người khi cho thấy cảnh một người chỉ huy quân nổi dậy chặt thi thể một binh sĩ chính phủ và làm ra vẻ muốn ăn thịt người chết. Cách đây một tuần, tờ New York Times đã đưa lên YouTube đoạn phim ghi cảnh người bên phe nổi dậy chặt đầu một sĩ quan quân đội.

Giờ đây, số phận một cuộc chiến có khi bị ảnh hưởng không chỉ vì sức mạnh vũ khí...

Phe nổi dậy trong mắt nhà báo Ý

Nhà báo Domenico Quirico của tờ La Stampa và giáo viên người Bỉ Pierre Piccinin kể về sự biến chất của lực lượng đối lập Syria sau năm tháng bị lực lượng này bắt giữ và “bị đối xử như động vật”. “Thực tế lực lượng này là một tập hợp đủ loại thanh niên tham gia. Họ theo bất cứ ai hứa cho họ tương lai, cho họ vũ khí, tiền để mua điện thoại, máy tính, quần áo” - ông Quirico nói.

Trên tờ La Stampa, ông Quirico cho biết đã nghe được cuộc hội thoại nói rằng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học là do nhóm nổi dậy thực hiện để buộc phương Tây can thiệp.

Ông Quirico được thả tự do hôm 9-9 nhờ những nỗ lực ngoại giao của Ý và nhiều nước. Ông Quirico cho biết phải trải qua nhiều hành trình nguy hiểm, bị đánh đập, bị chuyển qua nhiều nhóm vũ trang và chứng kiến một vụ hành hình dã man.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Syria chấp nhận “đổi vũ khí lấy hòa bình”, vàng lao dốcNếu ngoại giao thất bại, Mỹ sẽ tấn công SyriaTrung Quốc lạnh nhạt với dự thảo của Pháp về SyriaĐề xuất của Nga gây chú ýSyria chấp nhận “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình”Giải pháp ngoại giao bất ngờ cho khủng hoảng SyriaPhe đối lập rục rịch chờ cơ hội

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên