06/07/2007 08:10 GMT+7

Cùng trao đổi để giải quyết những khác biệt, bất đồng

THANH TUẤN ghi
THANH TUẤN ghi

TT - Chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, từ ngày 18 đến 23-6, được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của giới truyền thông Hoa Kỳ. Tuổi Trẻ trích giới thiệu cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Hãng truyền hình CNN vừa được phát trên báo Nhân Dân điện tử ngày 4-7.

sy1rs6Od.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn trên Đài CNN

* CNN: Ngài là người lãnh đạo cao nhất của VN đến đây kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Chúng tôi bắt đầu từ cuộc gặp với Tổng thống Bush, Ngài có thấy hài lòng không?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tôi rất hài lòng, chúng tôi đã trao đổi nhiều vấn đề trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau.

* Trong bang giao hai nước thì điều gì là quan trọng nhất?

- Xây dựng tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc.

* Có trở ngại chính là vấn đề nhân quyền. Tổng thống Bush có nói và nêu vấn đề này như thế nào, Ngài nghĩ sao?

- Chúng tôi trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Tôi cho rằng hai nước có điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, có luật pháp khác nhau, vì vậy cách nhận thức vấn đề khác nhau. Chúng tôi thống nhất cách tiếp cận để tăng cường đối thoại hiểu biết nhau.

* Tổng thống Mỹ đã có đưa ra những trường hợp cụ thể những ai bị xúc phạm nhân quyền không?

- Tổng thống thống nhất rằng chúng tôi chỉ bàn với nhau, không nên nói những vấn đề cụ thể.

* Tôi đưa vấn đề này ra vì trong hội nghị tháng năm, tháng sáu ở Pháp, Tổng thống Bush có đưa ra việc Nguyễn Văn Lý bị vi phạm nhân quyền?

- Ông ta vi phạm pháp luật VN. Ðây hoàn toàn là vấn đề pháp luật, không phải là vấn đề tôn giáo. Việc xét xử ông ta được Hội đồng giám mục VN và Tòa thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi.

* CNN: Trong cuộc gặp tổng thống có một số người Mỹ gốc Việt biểu tình ở phía ngoài. Thông điệp của Ngài đối với Việt kiều như thế nào?

- Chủ tịch nước Nguyễn minh triết: Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không thể tách rời với dân tộc VN. Họ là máu của máu VN và là thịt của thịt VN. Nhà nước VN mong họ thành đạt ở Hoa Kỳ và củng cố quan hệ hai dân tộc VN-Hoa Kỳ. Còn các khác biệt, bất đồng thì nên cùng nhau trao đổi tìm cách giải quyết. Chúng tôi mời họ về quê hương để họ thấy được những đổi mới tiến bộ của đất nước. Các ông hẳn biết ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu phó tổng thống Sài Gòn trước đây, đã về nước, thấy những đổi thay của đất nước và ông ta đã chúc mừng những đổi thay đó.

* Tôi không biết trong lúc xử ông Lý có lời lẽ thô bạo hay không (PV vừa hỏi vừa đưa tấm ảnh Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại tòa và hỏi Chủ tịch nước có biết tấm ảnh này hay không)?

- Tôi biết, trong lúc xét xử ông Lý có những lời lẽ thô bạo, chửi bới chánh tòa nên đã xảy ra chuyện bịt miệng. Chúng tôi khẳng định việc này là không tốt, không đúng... Những việc này sẽ bị xử lý, đây là một sai sót của một nhân viên bình thường, không phải chủ trương của Nhà nước VN. Bất cứ ở đâu cán bộ thừa hành cũng có thể để xảy ra sai sót, nhưng không đồng nghĩa với chủ trương của Nhà nước.

* Có báo cáo nói rằng Nguyễn Văn Lý la lên tại tòa?

- Ông ta không chỉ la lên mà ông ta còn đạp bàn, đạp ghế kèm với những lời lẽ thô tục. Nhưng tôi khẳng định dù bất cứ lý do nào, hành động bịt miệng vẫn là không đúng và tôi mong các ông không nên khai thác quá nhiều vào chi tiết này.

* Chúng ta hãy nói qua vấn đề khác, về nhân quyền? Khi Ngài sắp đi thì có hai người tù được thả. Vậy còn một số người nữa có được thả không?

- Vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo pháp luật, còn có thả hay không tùy thuộc vào người ta có thành khẩn nhận lỗi đến đâu. Nhân đây tôi muốn nói với ông rằng VN trải qua nhiều năm chiến tranh. Trong thời kỳ đó người dân VN không có đầy đủ quyền con người. Người ta bắt bớ, giam cầm, tra tấn không cần ra tòa. Chúng tôi đã đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại quyền con người đã mất. Vì vậy hơn ai hết, chúng tôi rất yêu nhân quyền. Ông không thể hiểu nổi tình yêu đó. Bây giờ đất nước VN có luật pháp của VN. VN cần an ninh và ổn định để phát triển, vì vậy ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý.

* Vấn đề nạn nhân chất độc da cam có thể là vấn đề khá nhạy cảm khi nói với Tổng thống Bush. Ngài có nói chuyện với Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu quốc hội giải quyết vấn đề này? Ngài có hài lòng?

- Cảm ơn Hoa Kỳ đã có giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Tôi cũng đã gửi lời cảm ơn về sự giúp đỡ những nạn nhân. Nhưng, những nạn nhân còn rất nhiều. Cuộc sống của họ còn khó khăn và những vùng bị nhiễm độc cần được tẩy độc. Chúng tôi mong Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn với những nạn nhân này.

* Trước đây, Ngài có bao giờ nghĩ Ngài sẽ là Chủ tịch nước đến Hoa Kỳ và được đón nồng nhiệt như thế này?

- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến, cả với tư cách là một công dân bình thường. Vì vậy, chuyến thăm này của tôi có một ý nghĩa mang tính lịch sử. Chúng tôi trao đổi với nhau để cố gắng nâng quan hệ hai nước lên một bước mới. Tôi và tổng thống Hoa Kỳ đều rất hài lòng.

* Khi Ngài gặp tổng thống ở phòng bầu dục, có lúc nào Ngài nghĩ rằng đây không phải là giấc mơ?

- Ðây là chuyến thăm lịch sử, không phải là giấc mơ, vì chuyến thăm này đã được chuẩn bị từ lâu rồi, không phải đột biến gì.

___________________

Đối thoại tại hạ viện

32lBsbuS.jpgPhóng to

Thái độ của bà Nancy Pelosi (phải) đã thay đổi hẳn sau cuộc nói chuyện với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - Ảnh: AFP

Quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều tiến triển. Tuy vậy, vẫn có những sự khác biệt, không thống nhất trong một số vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Cùng với việc tiếp xúc thẳng thắn với truyền thông Mỹ, cuộc nói chuyện cởi mở, chân tình của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Quốc hội Mỹ hôm 21-6 đã làm thay đổi nhiều định kiến bấy lâu tại nghị trường nước Mỹ. Tuổi Trẻ ghi lại cảm nhận của ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc - đá quí Sài Gòn (SJC), tháp tùng đoàn.

Trước cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Quốc hội Mỹ đã có một số cuộc gặp với một số nhóm đối lập, bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Ở Hạ viện Mỹ cũng có một số thành viên có thái độ cứng rắn với VN về các vấn đề dân chủ, nhân quyền đó. Các thành viên đoàn chúng tôi nhìn nhận cuộc gặp với bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ là một thử thách lớn của chuyến đi.

“Có thể thấy rõ sự thay đổi thái độ khi họ có thông tin, có sự trao đổi trực tiếp cởi mở giữa hai bên với nhau” - ông Lê Hùng Dũng đánh giá.

Cùng tiếp Chủ tịch nước hôm đó với bà Pelosi có hai nghị sĩ vốn rất hay phê phán VN về tôn giáo, nhân quyền. Khi Chủ tịch nước đến gặp, thái độ ban đầu của bà Pelosi khá cứng rắn. Ngay từ đầu bà chất vấn: “Tại sao VN đã vào WTO rồi, thực hiện cam kết các nội dung của quá trình hội nhập WTO, trong đó có nội dung phát huy dân chủ, tôn trọng nhân quyền mà lại bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý? Rồi tại sao có hành động bịt miệng ông Lý trong phiên tòa?”. Bà Nancy cho đó là biểu hiện vi phạm dân chủ, nhân quyền và đàn áp tôn giáo.

Chủ tịch nước lúc đó rất bình tĩnh giải thích vụ việc, rồi nói thêm: “Nếu như bà nói rằng chúng tôi vi phạm tôn giáo thì trong sự kiện này, người đáng lẽ phải lên tiếng mạnh mẽ nhất phải là Hội đồng giám mục ở VN. Nhưng trong vụ xử công dân Nguyễn Văn Lý thì Hội đồng giám mục VN lại hết sức đồng tình, ủng hộ. Các vị có thể nghi ngờ Hội đồng linh mục không dám lên tiếng nhưng chính Tòa thánh Vatican, nơi quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các linh mục trên toàn thế giới, trong trường hợp này cũng đồng tình ủng hộ Chính phủ VN. Họ có đầy đủ thông tin rằng ông Lý có một số hoạt động vi phạm luật pháp VN. Nếu chúng tôi làm chưa đúng thì chính Vatican sẽ là nơi lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất về vấn đề này”.

Chủ tịch nước kể tiếp: Trong thời gian thăm VN nhân hội nghị APEC tháng 11-2006, khi ông Bush đặt vấn đề thăm nhà thờ, phía VN đã đề nghị ông “có thể chọn bất cứ nhà thờ nào, vào bất cứ lúc nào, và đến gặp bất cứ giáo dân nào để hỏi xem họ có bị cấm đoán, đàn áp trong chuyện cúng bái, tu hành gì hay không”. Ông Bush sau đó đã tự quyết định nhà thờ, tự chọn thời gian đi, rồi tự do tiếp xúc với giáo dân ở đây. Bà Nancy Pelosi rất ngạc nhiên khi nghe câu chuyện này (bà Pelosi thuộc Đảng Dân chủ, ông Bush thuộc Đảng Cộng hòa). Thái độ và phản ứng của bà sau khi nghe những trao đổi thẳng thắn, cởi mở và có lý lẽ như vậy đã thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng vui vẻ, thoải mái hơn.

Tại cuộc gặp ở hạ viện này, một hạ nghị sĩ đã chuẩn bị một bài rất cứng rắn để đứng lên phát biểu. Tuy vậy, sau khi nghe phần trả lời của Chủ tịch nước, hạ nghị sĩ này đã thôi không đọc bài phát biểu đó mà chỉ gửi lại cho phía VN tham khảo về thông tin. Chính sự thành công của buổi gặp với bà Nancy Pelosi nên cuộc gặp với các thành viên Thượng viện Mỹ sau đó đã diễn ra rất nhẹ nhàng. Buổi tối hôm đó, tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN, và 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Mỹ, thượng nghị sĩ Christopher Bond - một người trong nhóm có thái độ công kích VN - khi phát biểu đã ca ngợi VN hết lời. Đây là một sự thay đổi lớn so với thái độ có phần cứng rắn trước đó của ông.

Ký Hiệp định khung và nhiều thỏa thuận đầu tư gần 5 tỉ USDXem Video clip Chủ tịch nước ở WashingtonChúng ta nên nắm tay nhau hướng đến tương laiHình ảnh bình dị của vị nguyên thủ

--------------------------------

Kỳ tới :Những chuyện chưa kể trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

* Chủ tịch nước đọc bài thơ gì để tưởng nhớ một người Mỹ bên bờ sông Potomac?* Vì sao Tổng thống Bush phá lệ khi nhận món quà từ VN?* Người Việt ở quận Cam đón nhận bài phát biểu chân tình của Chủ tịch nước ra sao?

THANH TUẤN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên