08/12/2012 10:15 GMT+7

Cùng ngư dân mình ra khơi

DUY THANH - V.V.THÀNH - TRẦN MẠNH - HỮU KHÁ - TRÀ GIANG
DUY THANH - V.V.THÀNH - TRẦN MẠNH - HỮU KHÁ - TRÀ GIANG

TT - Bất chấp những tuyên bố căng thẳng của phía Trung Quốc, ngư dân VN vẫn tiếp tục ra khơi. Ủng hộ ngư dân bám biển, nhiều địa phương ở miền Trung đã và đang thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ hiệu quả về nhiều mặt.

FCZ0Etw4.jpgPhóng to

Ngư dân Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa, VN - Ảnh: tấn vũ

Mold21lt.jpgPhóng to
Ngư dân Khánh Hòa bốc dỡ cá ngừ đại dương tại cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang) sau chuyến đi biển trở về - Ảnh: Tiến Thành

Chiều 7-12, ông Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - khẳng định rất nhiều tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vẫn đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, hiện còn trú tránh bão số 9 tại âu tàu Song Tử Tây. Không những là nơi trú tránh an toàn của nhiều tàu thuyền khi có thiên tai, khu hậu cần Song Tử Tây còn tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân đánh bắt xa bờ bằng cách bán dầu ngang giá trên đất liền, sửa chữa tàu hư hỏng, cung cấp nước ngọt...

Ngoài khu hậu cần Song Tử Tây còn có sự hoạt động của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ khai thác Biển Đông ở đảo Đá Tây. Đây cũng là nơi cung ứng dầu, nước ngọt, lương thực cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Theo ông Thắng, tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, có ý kiến đề xuất thành lập một phân hội nghề cá Trường Sa, nếu điều này sớm triển khai thì ngư dân sẽ bám biển tốt hơn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, gia tăng giá trị khai thác trên vùng biển truyền thống.

Tiếp tục hỗ trợ đánh bắt xa bờ

"Huyện đảo Trường Sa đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân chúng tôi giữa biển cả. Không chỉ cung ứng các dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền và hỗ trợ nhiều mặt, khi tàu thuyền của chúng tôi gặp nạn giữa biển hoặc ngư dân đau bệnh đột xuất đều được các lực lượng của huyện đảo ứng cứu kịp thời. Lực lượng của huyện Trường Sa cũng thường xuyên đẩy đuổi các tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép ngư trường của Việt Nam, giúp chúng tôi an tâm bám biển"

Ngư dân Trần Quang Nguyên (một chủ tàu ở Phú Yên)

Cũng chiều qua, ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết hiện hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ của Phú Yên đang sẵn sàng ra khơi ngay sau khi bão số 9 tan. Khi nghe lãnh đạo tỉnh động viên tiếp tục ra khơi, thực hiện tốt mô hình tổ đội đoàn kết đánh bắt khơi xa, nhiều ngư dân nói rằng nếu chỉ vì những tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc mà không ra khơi là đồng nghĩa với việc chịu mất biển, mất chủ quyền của đất nước. “Chúng tôi yêu cầu ngư dân khi gặp bất cứ sự cố nào trong quá trình đánh bắt phải báo ngay về cho tỉnh trên hệ thống đài Icom của bộ đội biên phòng để chúng tôi có phương án bảo vệ ngư dân hoặc kiến nghị cấp trên xử lý ngay” - ông Trúc nói.

Ông Trúc còn cho biết ông vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu đề án thành lập và trang bị cho lực lượng kiểm ngư nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển. Đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình tổ đội sản xuất trên biển, tàu mẹ - tàu con, nghiệp đoàn nghề cá và các mô hình hợp tác khai thác trên biển hiệu quả để nhân rộng, giúp ngư dân bám giữ các ngư trường truyền thống. Theo ông Trúc, Phú Yên đã kiến nghị trung ương cần hỗ trợ lãi suất vay vốn đóng tàu công suất lớn. “Chỉ khi Nhà nước cho vay với lãi suất rất thấp thì ngư dân mới có điều kiện đóng tàu công suất lớn để ra khơi xa bám biển, chứ nếu mức lãi suất hiện nay thì bà con không kham nổi” - ông Trúc nói.

Ông Trần Đình Quỳnh - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng - cho biết: “Chưa lúc nào chính quyền TP Đà Nẵng quan tâm và có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân như thời gian vừa qua. Cùng với việc hỗ trợ đào tạo, mua bảo hiểm cho ngư dân, TP còn hỗ trợ để ngư dân đóng mới tàu công suất lớn hoạt động trên các vùng biển xa. Cụ thể, mỗi tàu đóng mới công suất trên 400CV đều được hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ ngư dân đóng đội tàu công suất lớn để họ có thể đánh bắt, làm dịch vụ khai thác hải sản xa bờ dài ngày trên biển. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ ngư trường, vùng biển của mình”.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình, phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, cho biết: “Khi phát hiện các tàu cá Trung Quốc xâm phạm, chúng tôi đều cho tàu ra ngăn chặn, phát loa cảnh cáo, yêu cầu họ rời khỏi vùng biển Việt Nam. Còn đối với ngư dân của ta, chúng tôi khẳng định hãy yên tâm đánh bắt trên vùng biển của Tổ quốc, chúng tôi luôn sát cánh bảo vệ mỗi khi ngư dân gặp khó khăn, trở ngại trên biển”.

Hết sức ủng hộ ngư dân

Ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề cá VN (Vinafis), cho biết Vinafis đã có công văn chính thức gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam để phản đối việc Trung Quốc ra quy định cho cảnh sát địa phương được phép lên tàu, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm. Ngoài ra, Vinafis cũng đã liên hệ với các hội nghề cá địa phương nhằm thông tin, phối hợp với các hội địa phương hỗ trợ ngư dân về thông tin đi biển, giữ liên lạc với các lực lượng bảo vệ biển và biên phòng trong trường hợp xảy ra sự cố. “Chúng tôi kêu gọi ngư dân cả nước hãy bình tĩnh và yên tâm ra khơi đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam cũng như vùng biển quốc tế. Khi ra khơi, ngư dân nên đi theo từng đoàn, nhóm nhiều tàu để giúp đỡ, tương trợ nhau nếu xảy ra sự cố” - ông Thắng cho biết.

Ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký Vinafis, nói: “Ngư dân bám biển trước hết là để mưu sinh cho bản thân và gia đình, đóng góp cho xã hội, nhưng quan trọng hơn đây chính là những người có mặt nơi tiền tiêu của Tổ quốc, góp phần quan trọng khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Chính vì vậy bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ chủ quyền đất nước, các cơ quan chức năng cũng như xã hội cần phải đứng bên cạnh, hỗ trợ ngày càng tích cực hơn cho họ”.

Theo ông Mưu, Chính phủ và một số địa phương đã có chính sách cho bà con vay vốn để đóng tàu sắt công suất lớn, tuy nhiên không phải ngư dân nào cũng có đủ vốn đối ứng để đóng tàu, hơn nữa đối với tàu sắt thì chi phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên rất lớn. Đây là vấn đề cần nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tế.

Đảm bảo cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá

Ông Lương Quốc Vinh, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam), đơn vị có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển Đông, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang tăng cường cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá như sửa chữa tàu, cung cấp nhiên liệu, vật liệu... cho các tàu đánh cá ngay trên biển mà không phải trở về đất liền”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện các biện pháp giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ, giữ biển như hỗ trợ chi phí nhiên liệu vẫn đang được tiến hành. Các giải pháp để hỗ trợ ngư dân về vốn, đào tạo... cũng đang được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nguồn hải sản khai thác trong nước nhiều năm nay không đủ để các nhà máy trong nước sản xuất. Do đó, ngư dân ra khơi không lo lắng về vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Huy động ngư dân tham gia bảo vệ biển đảo

Sáng 7-12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị định của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển.

Theo Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, thời gian qua tình hình trên biển Đông liên tục diễn biến phức tạp, khó lường do mưu đồ của nước ngoài. Hoạt động xâm phạm chủ quyền để khai thác hải sản, thăm dò dầu khí, tài nguyên biển có chiều hướng gia tăng. Tàu cá của nước ngoài thường xuyên vào sâu trong vùng biển nước ta cả ngày lẫn đêm. Từ năm 2004 đến nay, bộ đội biên phòng phát hiện 4.557 lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta. Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã tổ chức lập biên bản, xua đuổi hàng trăm lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng cho biết thêm các địa phương đã thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển gắn với hoạt động tàu thuyền trên biển.

UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn phát tán các bản đồ, ấn phẩm thể hiện yêu sách “đường lưỡi bò” trên địa bàn.

Cũng hôm qua, bên lề hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị định về quy chế khu vực biên giới biển tại Phú Yên, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, phó tư lệnh Quân khu V, nói: “Trong tình hình hiện nay, các tỉnh miền Trung cần phải tập trung phối hợp các lực lượng để bám biển, nắm tình hình trên biển, đặc biệt là tình hình tàu thuyền nước ngoài đánh bắt cá, xâm phạm vùng biển của ta”. Báo cáo tại hội nghị cho biết trong 10 năm qua tỉnh Phú Yên đã vận động thành lập 103 tổ tàu thuyền an toàn, trên 220 tộc họ với hơn 4.000 hộ dân cam kết bảo vệ chủ quyền biển đảo.

ĐOÀN CƯỜNG - DANH LÊ

DUY THANH - V.V.THÀNH - TRẦN MẠNH - HỮU KHÁ - TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên