20/05/2011 01:18 GMT+7

Cùng góp tâm sức vì đất nước

V.V.THÀNH lược ghi
V.V.THÀNH lược ghi

TT - Ngày 19-5, tham dự cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ, bảy vị ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII đã trả lời nhiều câu hỏi xung quanh quá trình vận động bầu cử.

Xem nội dung buổi giao lưu

Trước việc nhiều bạn đọc có chung mối quan tâm đến vấn đề kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ứng cử viên Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay cơ bản do cơ cấu kinh tế gây ra.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Theo ông, những giải pháp mang tính chất tình thế nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo nghị quyết 11 của Chính phủ hiện nay là đúng đắn và cần phải triển khai triệt để. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải có chính sách đồng bộ nhằm tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Một bạn đọc nêu câu hỏi “lạm phát cao như hiện nay có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở nước ta không?”, ông Lịch trả lời: “Sau gần ba tháng thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ, tình hình bắt đầu có xu hướng ổn định dần. Tôi tin rằng từ tháng 6 trở đi chỉ số giá tiêu dùng sẽ có xu hướng giảm dần; kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn nên nguy cơ khủng hoảng kinh tế ở VN sẽ không xảy ra”.

Ứng cử viên Trương Phước Ánh (chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc Công ty TNHH Việt Tin, tổng thư ký Hội Tin học TP Đà Nẵng) cho rằng để kiềm chế lạm phát, biện pháp cơ bản và quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. “Biện pháp tiền tệ cũng rất cần thiết, tuy nhiên lại gây nên khó khăn cho doanh nghiệp. Cần phải có chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - ông Ánh nói.

Chống tham nhũng từ cơ chế quản lý

“Các ứng cử viên có dám hứa với cử tri là nếu trở thành đại biểu Quốc hội thì sẽ không tham nhũng?”, câu hỏi này được bạn đọc chuyển đến ứng cử viên Lê Truyền (nguyên phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN - người tự ứng cử) và ứng cử viên Trần Du Lịch. Ông Truyền nói: “Trước hết, mỗi người tham gia ứng cử vào Quốc hội phải xác định trách nhiệm chống tham nhũng một cách tích cực. Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ đề xuất xóa bỏ cơ chế xin - cho vì nó đang thể hiện một sự lệch chuẩn về quyền lực”.

Ông Lịch khẳng định: “Tôi đã làm hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội (khóa IX và khóa XII), lần này ứng cử khóa XIII. Tôi luôn luôn đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm phòng chống tham nhũng từ chính cơ chế quản lý. Tôi nghĩ rằng một người đại biểu nhân dân mà có tư tưởng hoặc hành vi tham nhũng thì hoàn toàn không xứng đáng và cử tri không nên bầu những người như vậy”.

Làm gì nếu đắc cử?

Ứng cử viên Dương Trung Quốc cho biết nếu tiếp tục đắc cử vào Quốc hội, một trong những vấn đề ông quan tâm là cùng với các đại biểu khác nhanh chóng thông qua Luật biển VN và ưu tiên những dự án hay chương trình hành động liên quan đến chiến lược biển. “Tôi thấy những tiếng nói công khai của Quốc hội chưa tương xứng với lòng mong muốn của người dân về vấn đề này” - ông Quốc nói.

Về phần mình, ông Lê Văn Hiểu (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Máy và thiết bị phụ tùng) cho biết nếu là đại biểu Quốc hội, ông sẽ kêu gọi một công cuộc cải cách toàn diện nền giáo dục VN theo tinh thần thực học. Theo đó, các trường đại học phải phối hợp với doanh nghiệp trong vấn đề nhu cầu đào tạo.

Ứng cử viên Trần Thị Diệu Thúy (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM) bày tỏ vấn đề quan tâm trước nhất của mình nếu đắc cử là giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động và bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Trả lời câu hỏi của một bạn đọc về việc “nhiều chương trình hành động của các ứng cử viên không có số liệu định lượng và thời gian kiểm tra, vậy làm sao để cử tri biết được chất lượng của ứng cử viên?”, ứng cử viên Lê Quang Tâm (giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Gentraco) nói: “Việc xây dựng chương trình hành động tùy vào quan niệm cũng như trình độ hiểu biết, năng lực của ứng cử viên do chưa có quy định cụ thể về việc xây dựng chương trình hành động. Thông qua nội dung cũng như việc trình bày chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri có thể đánh giá và bầu chọn cho mình người đại biểu xứng đáng nhất với mong muốn và nguyện vọng của mình”.

Quảng Nam, Quảng Bình: nhiều điểm bầu cử sớm

* TP.HCM: vận động cử tri đi đông, bầu đủ, bầu đúng

Sáng 19-5, gần 28.000 cử tri tại sáu huyện miền núi, biên giới, vùng cao Quảng Nam đã tiến hành bỏ phiếu bầu cử sớm hơn ba ngày so với cả nước. Tại thôn Voòng, xã biên giới Tr’hy (huyện Tây Giang), hơn 6g sáng cờ hoa, chiêng trống đã bắt đầu rộn rã. Toàn bộ 217 cử tri trong thôn có mặt đầy đủ, xếp hàng ngay ngắn trước nhà gươl truyền thống để bỏ phiếu. Đến khoảng 9g30, gần 100% cử tri của sáu điểm trên toàn huyện Tây Giang đã tiến hành bỏ phiếu xong. Tương tự tại xã Trà Nam (huyện Nam Trà My), từ 7g30, 1.837 cử tri tại đây đã ăn mặc gọn gàng tập trung đông đủ về chín điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân.

Ngoài chín xã thuộc hai huyện Tây Giang và Nam Trà My, đến 14g, 100% cử tri của 19 xã bầu cử sớm tại các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức cũng đã hoàn tất bỏ phiếu.

* Hơn 8.100 cử tri - phần lớn là đồng bào dân tộc ít người - ở các xã vùng sâu, vùng biên giới là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã đi bầu cử sớm tại 38 điểm bỏ phiếu trong ngày 19-5.

Theo tổng hợp sơ bộ từ Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình, đến 15g ngày 19-5 tất cả các điểm bầu cử đã hoàn tất việc bỏ phiếu. Tỉ lệ cử tri đi bầu cử đạt cao nhất là xã Trọng Hóa với 97%.

Hôm nay (20-5), 789 cử tri ở xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tiếp tục bầu cử sớm tại ba điểm bầu cử.

* Chiều 19-5, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII đã họp nhằm rà soát công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử 22-5. Bà Phạm Phương Thảo - chủ tịch Ủy ban bầu cử TP - đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử đạt yêu cầu, đảm bảo các quy định. Bà yêu cầu tập trung vận động cử tri đi đông, bầu đủ, bầu đúng.

Theo kế hoạch, trong ngày 22-5, Đài truyền hình TP.HCM sẽ truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 nhằm chuyển tải những thông tin về bầu cử, bắt đầu lúc 6g với bốn điểm cầu truyền hình, một ở Hà Nội và ba ở TP.HCM. Tương tự, Đài truyền hình VN cũng có một điểm cầu truyền hình trực tiếp tại TP.HCM trong ngày 22-5.

* UBND TP.HCM vừa có văn bản thông báo treo cờ Tổ quốc toàn TP trong ngày 22-5 để thể hiện không khí ngày hội bầu cử.

T.VŨ - H.THỌ - L.GIANG - Q.THANH

V.V.THÀNH lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên