20/12/2004 05:02 GMT+7

Cùng ghe hàng Việt sang đất Campuchia

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - 4g sáng, tại Khánh An (An Giang), những chiếc ghe neo đậu dọc bến sông Hậu đã hối hả chất hàng lên. Từ bột giặt, kem đánh răng... đến mì gói, dầu ăn, nước tương, bánh kẹo rồi các sản phẩm nhựa, thủy tinh...

MZ76OPnE.jpgPhóng to
Ghe của chị Đỗ Thị Nối đang rời bến chợ Hồng Ngự để lên bán ở Piem Cho

Mấy chủ tiệm tạp hóa lớn ở chợ lăng xăng bổ hàng chuyển xuống bến cho biết: “Số ghe hàng này chuẩn bị đi bán dạo bên Campuchia”.

Từ những ghe hàng bán dạo

Trời mờ sáng, từng “gian hàng bách hóa di động” này lần lượt rời bến. Tốp thì cứ ngược lên qua khỏi biên giới, tốp thì tách ngang sông rồi rẽ vào vàm kênh. Bên kia là Kohthom (Kandal) với những phum làng nằm dọc các ngả kênh. Nhờ “thổ địa” gửi gắm từ trước chúng tôi xuống ghe của chị Trần Thị Tha. Ghe nổ máy qua Prekchray, đổ vào dòng Mương Vú.

Cậu con trai của chị Tha cầm lái, chỉ tốp ghe hàng và nói: “Họ cũng đi bán hàng dạo như mình vậy”. Có tiếng í ới cùng cánh tay vẫy phía trước, chị Tha ra hiệu, ghe chầm chậm lại rồi tấp vào hai nhà bè đậu sát mé kinh. Lúc này người trên bờ cũng đổ xuống lựa hàng, tiếng Khơme chen lẫn tiếng Việt. Người mua bịch bột giặt, chai nước tương; mấy cô gái mua chai dầu gội, cục xà bông thơm, cái kẹp; còn đám trẻ nhỏ bi bô vòi bịch bánh snack Kinh Đô, chai sữa chua... Bán xong bến này lại ghé bến khác, có chặng ghe vừa quay ra đã nghe tiếng vẫy gọi, lại ghé vào từng chòm nhà, cứ thế.

Lần hồi đến nắng rát lưng ghe mới tới So No. Nơi đây, dòng kênh chợt rộng ra với dãy nhà bè san sát; trên bờ chen chúc nhà sàn, phía trong còn có một phum làng đông đúc. Ghe đến từng bè, chỗ mua, chỗ đặt hàng cho chuyến sau đem lên. Một tốp xuống bến đón, ghe cặp bờ, kẻ lựa, người mua lăng xăng. Mấy nông dân đang làm rẫy cũng chạy đến mua vài cục pin, bóng đèn điện, gói trà…

Bán xong ghe bơi đến trạm kiểm soát liên ngành với căn nhà nổi rộng cùng ngôi nhà sàn cao như cái chòi canh. Hai nhân viên Campuchia săm soi một lúc, lát sau trao cho chị mảnh giấy học sinh viết tay ngoằn ngoèo. Tôi hỏi, chị cười: “Biên lai nộp thuế. Mấy trạm ngoài kia đã đóng thuế hằng tháng rồi, còn đây phải nộp từng chuyến mới cho đi”.

Từ Lec Dec qua Kimsawai chúng tôi quá giang một ghe hàng khác. Chiếc ghe này cũng đi bán lẻ, còn bỏ hàng cho mấy mối người bản xứ đi bán dạo, mấy hộ bán tạp hóa, quán nước nhỏ. Hàng có cả tân dược, dầu gió, tập vở... Có chủ mua quần áo may sẵn, dép nhựa... Chỗ dặn các loại vật dụng dùng cho việc đánh bắt cá như lưới, dây nilông, lưỡi câu... Tốp trung niên mân mê chiếc đèn soi kèm bình ăcqui rồi mua liền năm bộ, còn các cô gái trẻ háo hức với mấy hộp kem dưỡng da. Đám thanh niên mua chiếc vành xe, vỏ xe cứ mãi trầm trồ...

Vợ chồng chủ ghe - tên Thanh, nhà ở An Phú - trước làm thuê, bán hàng rong quanh năm. Nhờ biết tiếng Khơme, dành dụm được mớ vốn họ mua chiếc ghe cũ để mỗi sáng ra chợ bổ hàng qua đây bán dạo, cũng đã mười năm nay. Chị Thanh kể quanh xã chị còn hàng chục ghe khác thường qua ngả Bắc Đai bán bên Re Minh, Anco Pray...

Tại Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) chúng tôi vẫn thường gặp hình ảnh những ghe hàng ngược sông Sở Thượng, Sở Hạ, các dòng kênh khác đổ lên Pray Veng. Bên bến kênh nhà máy cạnh chợ thị trấn Hồng Ngự, một chiều đã nhá nhem, vài chủ ghe mãi tất bật chất hàng lên. Chị Đỗ Thị Nối bảo: “Lấy hàng xong đi ngay, để kịp tới Piem Cho trong sáng mai”.

Thường khi vẫn vậy, vợ chồng chị thay nhau cầm lái thâu đêm. Một chủ ghe khác, nhà ở Cả Sách (Thường Thới Hậu) cho biết mình vừa có thêm mối ở Piem Ro đặt hàng nên tranh thủ giao sớm để tạo niềm tin ban đầu. Chuyến này anh đem thêm bình xịt, thuốc bảo vệ thực vật…

Đến những chủ hàng bán buôn

Ông Phạm Văn Cuông trước bỏ mối mặt hàng bánh kẹo, mì gói, nước ngọt..., nay vừa đóng thêm chiếc võ lãi 120 tấn, chỉ buôn hàng tạp hóa, nội thất, nhựa, lưới... Ông cho biết: “Bên ấy cần gì, số lượng bao nhiêu họ gọi điện, chúng tôi chở qua”. Dần dà tại An Giang, Đồng Tháp xuất hiện nhiều nhà buôn chuyến như thế. Có chủ còn được đối tác đảm nhận khâu vận chuyển từ biên giới, hoặc thuê ghe về tận nơi nhận hàng. Tại Tịnh Biên, sớm chiều lũ lượt xe tải, xe ba gác “siêu trọng” (và mùa lũ có thêm cả ghe) từ Ta Keo, Champăc, Kampot... về chở hằng ngày tại chợ cửa khẩu Xuân Tô.

Năm 1990, vợ chồng anh La Văn Quang (Quốc Thái, An Phú, An Giang) còn lênh đênh trên chiếc ghe 3 tấn lấy trái cây ở chợ nổi cạnh ngã ba sông Châu Đốc lên bán dạo, bỏ mối tận Takhamau. Anh kể: “Thấy bên ấy có nhu cầu rất lớn mà hàng tiêu dùng VN giá cả lại phù hợp túi tiền họ, tôi bèn chuyển qua buôn hàng tạp hóa”. Qua từng năm, anh sắm ghe 20, rồi 30 tấn chở đủ loại hàng bỏ mối khắp các chợ Okaxay, Pamspui, Olympic, cầu Sài Gòn... tại Phnom Penh. “Mối đặt gì, thị trường cần gì thì cung ứng hàng đó” - anh bảo. Công việc làm ăn tiến triển, đầu năm 2004 này anh cùng vợ chồng đứa em ruột mở doanh nghiệp (DN) tư nhân Kim Tuyền, chuyên kinh doanh và vận chuyển hàng hóa qua Campuchia. Ngoài hàng tiêu dùng, DN còn là đầu mối cung cấp dây curoa, máy chà gạo, đồng hồ...

Tại DN Tân Thành Lợi (Khánh An, An Phú) sớm chiều luôn tấp nập cảnh lên xuống hàng. Gian nhà kho rộng cả ngàn mét vuông luôn đầy ắp hàng vật liệu xây dựng, nội thất đến sản phẩm nhựa, thủy tinh, inox, nhôm… được xe tải chở từ TP.HCM, Long An về. Dưới bến, ghe chất đầy vỏ xe bốn bánh, chiếc thì chất đầy ván ép, kính, thanh nhôm, khung sắt và chiếc thì đang xuống từng lô bàn ghế, tủ... Tất cả đều chuẩn bị đưa qua Campuchia. Anh Phạm Văn Dũng - chủ DN - cũng khởi nghiệp ban đầu với chiếc ghe 3 tấn. Dần dần sắm ghe tải trọng 19, 65 rồi 150 tấn cung cấp hàng cho 20 đầu mối lớn ở Phnom Penh.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên