Nhằm góp thêm ý kiến, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của nhà báo Duyên Trường dưới góc nhìn ngôn ngữ học.
"Ke ga" không phải từ trên trời rơi xuống
Mấy hôm nay, mấy chữ "ke ga" xuất hiện trên các bảng chỉ dẫn trong ga tàu tuyến metro số 1 tại TP.HCM khiến "người bàng hoàng, kẻ hoang mang", vì nó lạ tai quá, lạ mắt quá!
Theo giải thích của một cán bộ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đơn vị chủ đầu tư tuyến metro này, khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chúng ta hiểu đây là một thuật ngữ đã được luật định.
Tra Luật Đường sắt 2017, số 06/2017/QH14, tại khoản 16, điều 3 (Giải thích từ ngữ), của chương I (Những quy định chung), là nội dung: Ke ga là công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa.
Lại tra tiếp Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2016), chúng ta thấy có hai mục từ "chuyển đổi" cho nhau - muốn hiểu ke ga hãy xem ke: Nền xây cao bên cạnh đường sắt ở ga để hành khách tiện lên xuống tàu hoặc xếp dỡ hàng hóa (trang 607).
Nhưng ke và ke ga từ đâu mà ra?
Từ điển Các từ Tiếng Việt gốc Pháp (Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, 1992) đã xác nhận: Ke là từ tiếng Việt gốc Pháp do quai (tiếng Pháp, danh từ) mà ra.
Nghĩa của từ được giải thích như sau: Đường dọc theo bờ sông. Thềm trước sân ga hay dựa bến tàu dành cho khách đến đợi rước người nhà hoặc khách đi tàu đợi lúc tàu sắp đến (trang 208).
Sách còn dẫn ra một đoạn ngữ cảnh làm bằng: "Ở bến sân ga xe lửa, cái người ốm ra đây thẫn thờ nhìn tàu đi để dưỡng cái bệnh đổi chỗ vẫn chỉ là Bạch người bạn hàng trung thành của ông cụ ký ga già ngồi bán vé ke ở cửa ra đã hàng mười năm" trong tiểu thuyết Thiếu quê hương (1940) của nhà văn Nguyễn Tuân.
Vậy là từ lâu đã có từ ke, và có đến ba loại ke: dọc bờ sông, trong sân ga hoặc bên bến tàu.
Bằng chứng là Từ điển Tiếng Huế - Tiếng Huế, Người Huế, Văn hóa Huế, Văn hóa đối chiếu (Bùi Minh Đức, NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2009, quyển thượng) đã có ghi nhận cụm từ ke Đông Ba: "ke Đông Ba do chữ "quai" của Pháp là đường dọc bờ sông. "Quai Đông Ba" hay "ke Đông Ba" nằm sát bờ sông Đông Ba, từ cầu Gia Hội về cầu Đông Ba"(trang 906).
Đến đây có thể khẳng định ke và ke ga không phải "từ trên trời rơi xuống", nó đã được sử dụng trong lời ăn tiếng nói, và đi vào văn chương từ thế kỷ trước.
Vì sao "ke ga" biết được chết liền?
Nhưng sao hôm nay chúng ta, nhất là người dân đất phương Nam, đều nghe như "sét đánh ngang tai"?
Thử lục trong Từ điển phương ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2009), cũng không tìm thấy từ ke theo nghĩa này!
Thực tế có thể nói ke và ke ga đã thành quá khứ, người dùng hôm nay không tiếp nhận được.
Giá như bỗng vào một ngày đẹp trời, sau cơn mưa vàng giải hạn tháng 5 này, vợ bạn về nhà, chào chồng và thốt lên mấy tiếng: Thưa tướng công! Chào phu quân… Chắc hẳn là sẽ có người đi từ ngạc nhiên đến… mê sảng!
Cũng như động từ thổi cơm, vốn gắn với bếp với lò, với rơm rạ với than củi một thời, nay đã trở thành "của lạ" với lớp trẻ hiện đại. Phải là cắm cơm thì thế hệ "nồi cơm điện" mới có thể thông hiểu nhau.
Từ vựng luôn thay đổi theo thời gian. Chữ tự sướng xưa kia dùng để chỉ hành động tự thỏa mãn. Còn bây giờ, tự sướng đã mang cái nghĩa hoàn toàn khác trong thời đại kỹ thuật số: một cách giúp chúng ta chụp ảnh bằng điện thoại thông minh với góc rộng hơn, bắt được nhiều đối tượng hơn, trong đó có chính bản thân mình.
Ke ga không có gì sai. Nhưng nó đã trở thành "biết được chết liền" với nhiều người dùng hiện nay. Sao không chọn lấy một từ thông dụng hơn, dễ hiểu hơn với công chúng của thì hiện tại?
Mời bạn bày tỏ quan điểm của mình về cách dùng cụm từ "ke ga" như hiện nay.
Theo bạn, tiếng Việt còn có cụm từ nào khác để thay thế? Có nên dung hòa sử dụng cùng lúc từ "sân ga" và "ke ga"?
Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc mail: bandoc@tuoitre.com.vn. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận