18/05/2011 21:53 GMT+7

Cục Hàng không: Ông Khương có hành vi gây rối

M.Q
M.Q

TTO - Chiều tối 18-5, Cục Hàng không Việt Nam đã có thông báo kết luận về việc xác minh vụ việc trên chuyến bay VN1169 của Vietnam Airlines (VNA) xảy ra đêm 18, rạng ngày 19-4.

Read this on Tuoitrenews.vn

oIhHq1rN.jpgPhóng to

HLV Lê Minh Khương - Ảnh tư liệu

Thông báo của Cục Hàng không do phó cục trưởng Lại Xuân Thanh ký cho biết: qua phương tiện truyền thông có thông tin về việc ông Khương khiếu nại nhân viên của VNA xử lý vụ việc quá đáng, nhân viên an ninh có hành vi đánh người, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định rút hồ sơ vụ việc từ Cảng vụ hàng không miền Trung, giao Thanh tra hàng không xác minh, xử lý vụ việc. Qua quá trình xác minh, Cục Hàng không Việt Nam chính thức kết luận:

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự, xác nhận HLV Lê Minh Khương và luật sư đã có buổi làm việc với Cục Hàng không sáng 18-5. Tại cuộc làm việc, Chánh thanh tra Cục Hàng không Nguyễn Trọng Thắng đề nghị ông Khương ký lại vào biên bản vi phạm hành chính mà trước đây ông Khương chưa ký ở sân bay Đà Nẵng. Ông Khương không đồng ý ký vào biên bản này và đứng dậy ra về cùng luật sư của mình.

Hành khách Lê Minh Khương đã có hành vi gây rối trên chuyến bay, vi phạm Điều 16 của Nghị định 81/2010/NĐ-CP ngày 14-7-2010 về an ninh hàng không dân dụng, cần phải được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Điều 12 Nghị định 60/2010/NĐ-CP ngày 3-6-2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (với hành vi này ông Khương có thể bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng - PV).

Hành vi của ông Khương đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hành khách khác trên chuyến bay, gây thiệt hại cho VNA. Việc nhân viên VNA đánh mất thẻ lên tàu bay của ông Khương (nếu có) cũng không thể biện hộ cho hành vi gây rối, làm mất kỷ luật trật tự trên tàu bay.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kết luận, tiếp viên của VNA đã xử lý một cách lịch sự, phù hợp, bảo đảm quyền lợi của hành khách. Việc đánh mất thẻ lên tàu bay của ông Khương (nếu có) cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Khương vì ông Khương vẫn được vận chuyển và tiếp viên đã thuyết phục ông Khương là sẽ in lại thẻ cho ông tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Các nhân chứng đều xác nhận hành vi đúng mực của tiếp viên. Việc tiếp viên báo cáo tình hình hành khách gây rối với cơ trưởng là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật.

Quyết định cho tàu bay quay lại sân đỗ của cơ trưởng cũng được Cục Hàng không Việt Nam xác định là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật vì hành vi của ông Khương đã khiến cho tàu bay không đủ điều kiện an ninh, an toàn để cất cánh, phải quay lại sân đỗ.

Giai đoạn cất cánh và hạ cánh là hai giai đoạn trọng yếu nhất về an toàn của chuyến bay, đòi hỏi tất cả hành khách và tổ bay phải ngồi, thắt dây an toàn; tổ bay phải tập trung cao độ để điều khiển tàu bay và kịp thời xử lý sự cố.

Việc cưỡng chế của nhân viên an ninh là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật. Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo nhân viên mặt đất và tiếp viên phải rút kinh nghiệm về quy trình kiểm tra Thẻ lên tàu bay của hành khách dừng giữa hành trình. Đồng thời Cục khuyến cáo nhân viên mặt đất cần phải được khuyến cáo, rút kinh nghiệm về hành vi chỉ bộ đàm vào mặt hành khách.

Theo tường trình của tiếp viên và nhân viên mặt đất, họ đã nhận 1 Thẻ lên tàu bay (37J) từ ông Khương và đã trả lại Thẻ cho ông Khương. Thẻ 37J là thẻ của hành khách Lê Văn Vượng (bố ông Khương – PV) và ông Vượng đã trở về chỗ ngồi của mình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào tối 18-5, ông Lại Xuân Thanh cho biết đây chỉ mới là kết luận về việc xác minh vụ việc trên chuyến bay VN1169. Sau kết luận này, Thanh tra Hàng không sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Minh Khương theo quy định của pháp luật.

Về việc ông Khương không ký vào biên bản trong buổi làm việc với thanh tra cục Hàng không sáng 18-5, ông Thanh cho biết, thanh tra Cục này sẽ tiếp tục làm việc với ông Khương theo quy định của pháp luật trước khi ra quyết định xử phạt.

Ông Lại Xuân Thanh khẳng định, Cục Hàng không Việt Nam hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc ra quyết định của mình. Nếu ông Khương không thấy thỏa đáng và khiếu nại lên cơ quan cấp trên thì có thể kiện ra tòa hành chính. Đó là quy định của pháp luật và ông Khương có quyền này.

Với hành vi dứ bộ đàm vào mặt ông Khương của nhân viên mặt đất, Cục Hàng không Việt Nam sẽ khuyến cáo cụ thể với VNA về việc rút kinh nghiệm, có thể là khiển trách với nhân viên của hãng.

Giải thích về kết luận VNA xem xét việc cấm bay đối với ông Khương, ông Thanh cho biết lãnh đạo VNA xác nhận hoàn toàn không có thông tin chính thức về việc cấm bay đối với ông Khương trên báo chí. Giả thiết nếu có thông tin này thì Cục mới là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cấm bay với hành khách chứ không phải là hãng hàng không.

M.Q
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên