Tình hình an ninh ở sân bay Nội Bài vẫn bình thường - Ảnh: Quang Huy |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-12, về khả năng cơ trưởng chuyến bay VN 1266 đã phát tín hiệu khủng bố sai và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài (ngày 16-12), cơ trưởng nhiều năm của VNA - giáo viên huấn luyện phi công Nguyễn Nam Liên, cho biết trong tình huống máy bay mất áp suất đột ngột ở độ cao từ 35.000ft (tương đương 11.000m) và mặt nạ dưỡng khí trong khoang hành khách phải bung ra về mặt lý thuyết thời gian đảm bảo sự an toàn.
Mạng sống của toàn bộ hành khách và tổ bay chỉ tính bằng giây nên tổ lái buộc phải xử lý tình huống hạ độ cao trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể.
Theo ông Nam Liên, vì vậy trong tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra việc tổ lái làm phương thức sai chi tiết (tạm hiểu là phát tín hiệu sai).
Vẫn theo ông Nam Liên, trên máy bay có ba mã tín hiệu mà phi công nào cũng thuộc nằm lòng: 7500 (không tặc uy hiếp), 7700 (trục trặc kỹ thuật) và 7600 (mất liên lạc) khi xảy ra sự cố cơ trưởng sẽ phát tín hiệu với mã này cho mặt đất và xin hỗ trợ khẩn cấp.
Tại sao khi cơ phó người VN sau đó 7 phút đã phát hiện việc phát sai tín hiệu của cơ trưởng và thông báo lại với mặt đất tình trạng chính xác của chuyến bay mà sân bay Nội Bài vẫn phải triển khai tình trạng khẩn cấp chống khủng bố?
Ông Nam Liên cho biết theo nguyên tắc cơ bản trong hàng không, một khi mã 7500 của chuyến bay đã phát ra tất cả các sân bay và bộ phận chuyên môn ở mặt đất khi nhận được tín hiệu đều buộc phải triển khai tình huống máy bay đã bị không tặc uy hiếp vì vẫn có khả năng không tặc đã lọt vào buồng lái và khống chế phi công phát lại tín hiệu khác.
Theo ông Nam Liên việc này hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình bay và không phải là lần đầu tiên xảy ra trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Chỉ cần nghe lại đoạn hội thoại trong buồng lái, đọc lại dữ liệu trong hộp đen là tìm được câu trả lời chính xác.
Lập tổ điều tra sự cố và đình chỉ tổ lái Trong một diễn biến khác, sáng 17-12, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN đã ký quyết định thành lập Tổ điều tra sự cố máy bay nghiêm trọng xảy ra tối 16-12 đối với máy bay A321 của VNA, đăng ký quốc tịch VN-A357, thực hiện chuyến bay VN 1266 theo hành trình từ sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Vinh. Tổ điều tra sự cố gồm 14 thành viên do ông Đỗ Quang Việt, phó cục trưởng Cục hàng không VN làm tổ trưởng. Đến chiều 17-12, ông Thanh vẫn khẳng định việc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Nội Bài chỉ là sự cố kỹ thuật chứ không có bất cứ dấu hiệu khủng bố nào. Chiều 17-12, tổ điều tra đã bắt đầu nghe lại toàn bộ trao đổi của tổ lái, tổ bay trong hành trình để đánh giá lại cách thức xử lý tình huống của tổ lái chuyến bay. Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn hãng hàng không VNA, cho biết trong tối 16-12 hãng đã đình chỉ bay tổ lái chuyến bay này để phục vụ công tác điều tra. Theo VNA, cơ trưởng chuyến bay là ông Pechanec Marek, quốc tịch CH Séc, có 500 giờ bay máy bay Airbus A321, lái phụ là ông Đỗ Hoàng Nam Phúc, quốc tịch VN có 400 giờ bay Airbus A321. Theo ông Thanh ngay trong đêm 16-12, hộp đen của chiếc máy bay Airbus A321 đã được niêm phong, đưa về cục để phân tích các dữ liệu trong suốt hành trình chuyến bay này. Được biết, máy bay gặp trục trặc kỹ thuật được VNA đưa vào khai thác năm 2008. Kỳ kiểm tra kỹ thuật gần nhất của máy bay là ngày 12-11. VNA đã chủ động chuyển toàn bộ hành khách sang một máy bay khác để tiếp tục hành trình đến Vinh, khởi hành lúc 21g40, trong số khách của chuyến bay này có 26 hành khách, gồm bốn trẻ em ở lại sân bay Nội Bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận