05/10/2023 14:45 GMT+7

Cục Đường bộ cần công khai dữ liệu GPS để người dân giám sát

Bạn đọc đề nghị công khai dữ liệu GPS để khi đi xe có thể biết đang đi đến đâu, tốc độ thế nào, tài xế là ai...

Nhà xe Việt Thắng (Quảng Ngãi) là doanh nghiệp vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần trong tháng 1-2023 - Ảnh: V.T.

Nhà xe Việt Thắng (Quảng Ngãi) là doanh nghiệp vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần trong tháng 1-2023 - Ảnh: V.T.

Sau bài viết "GPS hành trình: Mỗi năm tốn ngàn tỉ sao dân chưa tránh được 'quan tài bay'?", nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ Online đã có góp ý thêm về việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả. Dưới đây là bài viết của bạn đọc Phan Tư Hoàng Minh (quận 11, TP.HCM).

Tôi ở TP.HCM, thường hay ra sân bay để đón ba mẹ từ Quảng Trị vào chơi. Mỗi lần như vậy, tôi không cần ra sân bay trước, ngồi ở nhà, bật trang flightradar 24 lên và xem. Toàn bộ thông tin về chuyến bay, xuất phát lúc nào, bay đến đâu, độ cao bao nhiêu, tốc độ thế nào, cơ trưởng là ai… đều hiển thị công khai. Khi máy bay gần đến, tôi chạy ra đón, không cần chờ đợi lâu. Tất nhiên, trên trang này cũng hiện các sản phẩm quảng cáo, bởi đó là nguồn nuôi trang.

Ông anh tôi là giám đốc một doanh nghiệp vận tải nhỏ, có 5 chiếc xe container chở hàng từ TP.HCM đi khắp cả nước. Trên mỗi xe có gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS). Chỉ cần một cái iPad, vị giám đốc này có thể biết các xe đang đi những đâu, đang chạy hay dừng, tốc độ bao nhiêu…

Tôi được biết, 8 năm trước Nhà nước yêu cầu 1 triệu ô tô đăng ký kinh doanh bắt buộc gắn thiết bị GPS. Vừa rồi còn bắt buộc lắp thêm camera.

Cứ tối thiểu một xe lắp thiết bị khoảng 3 triệu đồng thì 1 triệu xe tốn 3.000 tỉ đồng. Còn phí truyền dữ liệu GPS hiện nay mỗi tháng nộp 80.000 đồng, tương ứng với 1 triệu xe thì mỗi năm doanh nghiệp tốn gần 1.000 tỉ đồng. 

Số tiền không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đều nghiêm túc chấp hành.

Áp dụng công nghệ là tốt, nhưng toàn bộ hệ thống dữ liệu này sau đó chuyển về cho Cục Đường bộ Việt Nam, xong để đó. Chỉ lúc nào có tai nạn mới đem ra xem xe đó chạy vượt tốc độ hay không…, lúc đó thì đã quá muộn. 

Vụ tai nạn giữa nhà xe Thành Bưởi và xe khách 16 chỗ trên quốc lộ 20 là một ví dụ điển hình. Xe Thành Bưởi chạy quá tốc độ nhưng vi phạm chỉ phát hiện sau khi 5 mạng người trên xe 16 chỗ đã ra đi.

Cục Đường bộ Việt Nam than thiếu kinh phí để nâng cấp hệ thống. Xin thưa, không cần tiền nhà nước. Giao cho tư nhân quản trị trang này, họ sẽ tự nuôi và hoạt động hiệu quả.

Nhớ lại chuyện lắp thiết bị thu phí tự động không dừng, bao nhiêu năm triển khai ì ạch. Khi Chính phủ chỉ đạo giao cho tư nhân thực hiện, chỉ hơn một năm, đến nay có gần 5 triệu ô tô đã lắp thu phí tự động, đạt 96%.

Sẽ có ý kiến lo ngại khi giao cho tư nhân sẽ lộ các thông tin cá nhân của doanh nghiệp, nhưng đó là cách chống chế. Cứ lấy việc lắp thiết bị thu phí tự động trên ô tô là một ví dụ.

Tôi tin rằng nếu hệ thống giám sát GPS giao cho tư nhân, cũng chỉ một năm là chạy ngon lành. Đến lúc đó, khi có người thân đi du lịch Đà Lạt trên bất cứ phương tiện của nhà xe nào, tôi ở nhà cũng có thể biết họ đang đi đến đâu, xe đó chạy tốc độ thế nào, tài xế là ai…

Doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng nói gì?Doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng nói gì?

Đội trưởng an toàn giao thông của doanh nghiệp xe khách chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm tài xế, bởi họ trực tiếp lái xe trên đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên