Hàng dài người dân xếp hàng mua thịt ở thủ đô Havana ngày 4-4 - Ảnh: REUTERS
Biện pháp mới vừa được công bố hôm 4-4 và có hiệu lực từ ngày 5-4. Một trong những biểu hiện rõ nhất là tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Cuba Granma phải giảm từ 16 trang còn 8 trang, giảm hai ngày mỗi tuần.
Những ấn phẩm khác của đảo quốc này cũng phải cắt giảm. Theo Hãng tin AFP, lý do được đưa ra là "những khó khăn về nguồn giấy của đất nước".
Người dân chấp nhận
Tuy vậy, với người dân ở thủ đô Havana, chuyện này có vẻ chấp nhận được theo tình cảnh hiện thời. Ông Leandro Lopez, 90 tuổi, tỏ ra rất thông cảm.
Ông giải thích với Hãng tin AFP: "Tân Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đang cố gắng củng cố kinh tế đất nước, nên chỗ nào có thể giảm chi phí được thì giảm, như thế cũng tốt. Tôi không nghĩ chuyện giảm trang báo, kỳ phát hành báo có ảnh hưởng gì đến thông tin".
Nhưng với những người am hiểu thì người ta nhớ lại thời điểm 24-8-1990 với biện pháp tương tự. Khi đó, Chủ tịch Fidel Castro cũng tuyên bố những cắt giảm để đối mặt "giai đoạn đặc biệt", đó là cuộc khủng hoảng khi Liên Xô tan rã.
Vào thời điểm đó, Liên Xô là nguồn hỗ trợ kinh tế chính của Cuba suốt ba thập kỷ. Nguồn xuất khẩu sang Liên Xô từng chiếm đến 85% tổng xuất khẩu của Cuba, nên tình hình đã khiến kinh tế Cuba như ngưng trệ với những thiếu hụt về năng lượng và thực phẩm.
Người ta từng ghi nhận tình trạng thiếu đói dẫn đến những căn bệnh khó chữa như bệnh viêm đa dây thần kinh và tình trạng vượt biên của 45.000 người vào mùa hè 1994.
Giờ đây, bóng dáng của tình trạng thiếu hụt đang quay lại khi Mỹ tiếp tục các lệnh trừng phạt đã có từ năm 1962 và tiếp tục đe dọa có các biện pháp trừng phạt mới. Hôm 6-4, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton lại viết trên Twitter khẳng định sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt mới với Cuba vì "tội" ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro bên Venezuela.
Bối cảnh này thêm nặng nề khi Cuba có thể mất thêm nguồn hỗ trợ dầu mỏ từ Venezuela vốn cũng đang trong căng thẳng chính trị và từ Algeria, sau khi tổng thống cao tuổi Abdelaziz Bouteflika phải từ chức trước áp lực của dân chúng.
Ba trụ cột bị đe dọa
Ông Pavel Vidal, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu Cuba ở ĐH Javeriana (Colombia), chỉ ra: "Từ ba năm qua, Cuba vẫn đang tìm cách khỏa lấp ảnh hưởng từ việc giảm sút giao thương với Venezuela. Khi đó, số du khách nước ngoài đến thăm (nhờ Mỹ bước đầu nới lỏng một số quy định liên quan), hoạt động của kinh tế tư nhân và các dự án đầu tư nước ngoài đã giúp giảm sốc cuộc khủng hoảng bắt đầu manh nha đó.
Nhưng các biện pháp cùng những đe dọa từ chính quyền Donald Trump lại là các trở ngại cho ba yếu tố đang giúp nền kinh tế Cuba cầm cự qua khó khăn".
Theo Hãng tin AFP, mức tăng trưởng kinh tế 1,2% mỗi năm vẫn chưa đủ bù đắp các nhu cầu của quốc gia đang phải nhập đến 80% nguồn thực phẩm. Tình trạng thiếu hụt bột mì, dầu ăn, thịt gà... xảy ra thường xuyên hơn, buộc chính quyền Havana phải tiết giảm nguồn cung ra cho dân chúng và người dân phải chờ đợi lâu hơn trước tại các cửa hàng để mua được các nhu yếu phẩm.
Hãng tin AFP dẫn lời bà Tania, nữ y tá 49 tuổi, vừa bước ra khỏi một siêu thị. Bà đến tính mua gạo, nhưng phải về tay không vì không có hàng. Bà cho biết sẽ đi nơi khác tìm mua vì nhiều người Cuba hiện nay đều thế: lắm khi phải đi khắp các cửa hàng ở thành phố mới có đủ các món hàng gia đình cần.
Bà Tania tuy vậy vẫn nhận định: "Chuyện xảy ra lúc này không giống giai đoạn đặc biệt, bởi hồi đó (thập niên 1990) thì rõ là thảm họa".
Một nhà ngoại giao am hiểu tình hình thiếu hụt lương thực ở Cuba tiết lộ với AFP rằng chính quyền hiện đang tính cách phân bổ khẩu phần lương thực cho phù hợp, đồng thời phải lưu kho đủ cho những lúc khó khăn thực sự.
Ông Nelson Flores, người dân 79 tuổi, thừa nhận: "Quả là có thiếu hụt, phải xếp hàng dài, đặc biệt khi mua thịt gà, xà bông giặt".
Hiện người dân Cuba vẫn được nhận thực phẩm bao cấp hằng tháng với bánh mì, gạo, đậu... nhưng khẩu phần cũng giảm đi nhiều, khiến họ không thể sống đủ mỗi tháng. Đến cả "con gà đẻ trứng vàng" du lịch cũng cảm nhận sự ảnh hưởng.
Quản lý của một khách sạn tại một trong những đảo "thiên đường" của Cuba tiết lộ với AFP là họ đang bị thiếu hụt trứng gà, trái cây, bánh mì và khách hàng của họ bắt đầu than phiền về chuyện này.
Ảnh hưởng từ nợ phải trả
Theo AFP, mới đây Cuba đã khất một phần nợ phải trả cho Brazil, nguồn cung thực phẩm chính cho mình. Theo lời ông José Luis Rodriguez - cựu bộ trưởng kinh tế Cuba, vào cuối năm 2018, số nợ ngắn hạn chưa trả được đã lên đến 1,5 tỉ USD. Bộ trưởng kinh tế đương nhiệm Alejandro Gil cũng phải thừa nhận: "Có khoản nợ mà chúng tôi không thể trả được trong năm 2019 này và điều đó ảnh hưởng đến tiến trình kinh tế của đất nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận