Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV liên quan việc cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ).
2 đơn vị cùng cấp sổ đỏ lần đầu làm thủ tục kéo dài, gây khó cho người dân?
Theo đó, cử tri phản ánh việc thực hiện nghị định 43/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai và nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có nhiều bất cập.
Cụ thể, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện cùng cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) lần đầu dẫn đến thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn cho người dân.
Cử tri chỉ rõ đã phân cấp, phân quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nhưng con người lại do sở tài nguyên và môi trường quản lý nên việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp huyện gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi theo hướng chuyển chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc cấp huyện quản lý.
Trả lời nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dẫn lại nghị quyết 19 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI liên quan đất đai.
Đồng thời, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, nghị quyết 18 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tiếp tục quan điểm định hướng, chỉ đạo kiện toàn, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai ở trung ương và địa phương bảo đảm tinh gọn, ổn định, thống nhất, hiệu lực hiệu quả.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.
Đồng thời, nghị quyết 18 đã đề ra quan điểm, mục tiêu phân cấp, phân quyền phù hợp, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.
Không nên chuyển chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về trực thuộc UBND cấp huyện
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chủ trương, định hướng và quan điểm chỉ đạo tại các nghị quyết 19, 18 và Luật Đất đai, trong thời gian qua bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương yêu cầu kiện toàn văn phòng đăng ký đất đai.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập, kiện toàn văn phòng đăng ký đất đai.
Đồng thời, hoàn thiện pháp luật đất đai theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền để các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân để giảm thiểu tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Qua theo dõi quá trình hoạt động của các văn phòng đăng ký đất đai cho thấy việc thành lập, kiện toàn văn phòng đăng ký đất đai đã góp phần tạo chuyển biến tích cực năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Cùng với đó, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được coi trọng hơn; đảm bảo việc tinh gọn về đầu mối xử lý; tập trung, thống nhất và đồng bộ về quy trình, thủ tục hành chính, liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính công về đất đai.
Đặc biệt, thực hiện việc phân cấp để các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận đã được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Căn cứ vào quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ không nên đặt lại vấn đề chuyển chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về trực thuộc UBND quận, huyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận