22/06/2018 17:29 GMT+7

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Cử tri đặt rất nhiều câu hỏi, cho rằng đại biểu Quốc hội phải thấy trách nhiệm của mình trong việc để những sự việc tụ tập đông người đáng tiếc như vừa qua. Đồng thời góp nhiều ý kiến cho dự luật về đặc khu kinh tế.

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 2.

Rất đông cử tri Quận 9 đã tham dự buổi tiếp xúc chiều 22-6. Ảnh: MAI HOA

Chiều 22-6, tổ đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM tiếp xúc cử tri Quận 9 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, thông báo chương trình kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX.

Các đại biểu Quốc hội gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP, bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TP. Các đại biểu HĐND TP ngoài bà Nguyễn Thị Quyết Tâm còn có ông Cao Thanh Bình và bà Đặng Thị Hồng Liên.

Tại buổi tiếp xúc này, hầu hết các cử tri khi được phát biểu đều bàn luận sôi nổi về dự luật đặc khu hành chính - kinh tế (thường gọi tắt là Luật Đặc khu) cũng như nêu lên những bức xúc về việc người dân bị lôi kéo tụ tập đông người.

Tuổi Trẻ lược trích các ý kiến này:

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 3.

Cử tri Phạm Văn Quyến. Ảnh: MAI HOA

Cử tri Phạm Văn Quyến, KP5, P.Tân Phú:

Tụ tập, quậy phá làm xấu hình ảnh Việt Nam

Thời gian gần đây, một số thành phần đã vận động, lôi kéo, dọa dẫm những người nhẹ dạ đi tụ tập, quậy phá, gây ách tắc giao thông, tạo hình ảnh xấu về Việt Nam, đặc biệt có hành vi gây thương tích cho ngời thi hành công vụ.

Tôi đồng ý với nhiều cử tri cho rằng phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng việc này có nhiều nguyên nhân để cho người ta lợi dụng lôi kéo, kích động người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, chỉ thấy lợi trước mắt đi tụ tập đông người.

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 4.

Cử tri Võ Thị Thu Cúc phát biểu - Ảnh: MAI HOA

Cử tri Võ Thị Thu Cúc, P.Long Mỹ:

Băn khoăn về điều khoản cho thuê đất trong dự thảo Luật đặc khu

Tôi nhận được ý kiến của nhiều cử tri băn khoăn. Trên thực tế chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định, có nhiều khu chế xuất, khu công nghệ cao, mà tỉ suất đầu tư vào đây vẫn chưa cao. Nguyên nhân vì vẫn còn bị những giấy phép con, những rào cản khiến nhà đầu tư e ngại.

Nên chăng hoàn thiện thể chế để nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn.

Còn về thời gian cho thuê đất 99 năm mà sau này hướng giảm xuống còn 70 năm, Trong thời buổi này vòng đời sản phẩm rất ngắn, nếu cho thuê đất quá dài trong khi vòng đời sản phẩm ngắn thì sẽ rất lãng phí, rồi họ cho thuê lại, sang nhượng lại, rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Đề nghị cân nhắc xem liệu có cần lùi lại để đưa ra vào một thời gian cần thiết hay không...

Tôi cũng góp ý về cách làm việc của Quốc hội, từ nay đến kỳ họp sau, nên chăng trưng cầu ý dân, trí tuệ tập thể để có quyết định tốt nhất trong việc ban hành luật đặc khu.

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 5.

Cử tri Nguyễn Thị Lan Hương mang theo thắc mác của nhiều cử tri tại địa phương - Ảnh: MAI HOA

Cử tri Nguyễn Thị Lan Hương, P.Long Trường;

99 hay 70 năm, đều vượt quá một đời người

Tôi băn khoăn về thời gian cho thuê đất, tôi nghe chủ trương dời lại từ 99 năm xuống còn 70 năm, nhưng con số này đều tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, đề nghị chỉ 40 năm đổ lại. Vì thỏa thuận không kỹ sẽ thiệt thòi cho đất nước chúng ta.

Về đối tượng cho thuê đất. Cho nước ngoài thuê đất ở ba vị trí trên có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không thì cần xem xét thật kỹ.

Ngoài ra, việc quản lý đất cho thuê của nhà nước chúng ta còn nhiều điều phải bàn. Cho thuê xong, doanh nghiệp báo làm ăn thua lỗ, hoặc giao cho đối tượng không phù hợp với lợi ích quốc gia thì giải quyết như thế nào?

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 6.

Cử tri Trần Lịch kể, ông suýt đã tham gia đoàn biểu tình ở khu nhà thờ Đức Bà - Ảnh: MAI HOA

Cử tri Trần Lịch:

Tuyên truyền chưa tốt để xảy ra tụ tập đông người  

Trong kỳ họp vừa qua, khi gần hết kỳ họp, xã hội đã xảy ra biến động tương đối lớn với những cuộc tụ tập đông người.

Chúng ta đã không hướng được lòng yêu nước của tất cả nhân dân đi đúng hướng, thậm chí để bị lợi dụng phá phách tài sản của nhà nước và nhân dân. Việc này tôi thấy có một phần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, bộ máy thông tin tuyên truyền, chưa làm tốt việc phổ biến pháp luật cho nhân dân.

Trước kỳ họp vừa qua, đi tiếp xúc cử tri, nếu như các đại biểu giải thích cho công dân rõ, thì tôi nghĩ rằng lòng yêu nước của người dân không bị kẻ xấu lợi dụng. Nhưng chúng ta đã không dự báo được tình hình sẽ xảy ra như vậy. 

Ở các nước phương Tây, nếu biểu tình không đúng thì xử lý thẳng tay theo pháp luật. Tôi nghĩ mọi hành vi trong xã hội này đều phải dược điều chỉnh bằng luật pháp. Nếu có luật rồi, người dân đi tụ tập đông người mà đập phá như vậy thì bị xử lý nặng.

Hôm đó tôi có mặt ở ngay Nhà thờ Đức Bà, thấy đoàn người tụ tập đi trên đường rất đông, tôi cũng muốn đi theo, nhưng tự mình không cho phép. Tôi đề nghị đại biểu Quốc hội xem lại những kỳ tiếp xúc cử tri phải hình dung ra trước những vấn đề nhạy cảm để thông tin cho cử tri thông suốt. Để làm sao tuyên truyền cho công dân, cho người dân, cho cử tri rõ về những nội dung đó.

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 7.

Cử tri Nguyễn Duy Nhiên, năm nay đã 80 tuổi - Ảnh: MAI HOA

Cử tri Nguyễn Duy Nhiên, P.Long Thạnh Mỹ:

Đập phá, hô đả đảo, không thể coi là yêu nước

Tôi không đồng tình với cách giải thích là dân ta yêu nước nhưng bị lợi dụng. Tôi nghĩ đập phá, hô đả đảo, thì không thể coi là yêu nước.

Cử tri bàn luận sôi nổi, đặt nhiều câu hỏi về đặc khu kinh tế - Ảnh 8.

Cử tri Nguyễn Văn Nghĩa - Ảnh: MAI HOA

Cử tri Nguyễn Văn Nghĩa, 81 tuổi, KP1 P.Hiệp Phú:

Nói cho dân rõ 99 năm hay 70 năm, ta mất gì được gì?

Vừa rồi xảy ra các vụ đập phá, tụ tập đông người là điều đáng tiếc. Lòng yêu nước là truyền thống của dân ta. Nhưng đập phá tài sản nhà nước và nói rằng yêu nước thì không chấp nhận được.

Đặc khu kinh tế là vấn đề mới đầy nhạy cảm. Lẽ ra Đảng và Nhà nước, Quốc hội cần thông báo đầy đủ để dân biết dân bàn, tranh thủ sự đồng tình của dân thì sự việc đáng tiếc không xảy ra. Khi sự đã rồi, khi đó mới thông báo cho dân biết, nhưng thông báo đó cũng còn nhiều điểm chung chung chưa rõ. Tôi đề nghị làm rõ, đặc khu kinh tế phải cho dân biết luận chứng cho thuê đất 70 năm hay 99 năm ta được gì, mất gì để dân biết có đồng tình hay không.

Đặc khu kinh tế, các nhà đầu tư có được quyền chuyển nhượng không, nếu được quyền chuyển nhượng thì những nước giàu, mạnh sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn thu gom hết, khi đó đặc khu không phải của nhiều nước nữa mà trở thành một nước.

Trong thời gian kéo dài như vậy, nhà đầu tư của họ có quyền đem công dân của mình sang làm ăn không, họ lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái ba bốn đời, khi hết hạn mình có cưỡng chế họ về nước không, họ có giao cho mình toàn bộ cơ sở kinh tế hay mình phải mua lại, mua lại người ta không muốn bán thì sao?

Buổi tiếp xúc cử tri vẫn tiếp tục với nhiều ý kiến thẳng thắn của cử tri, chất vấn trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, HĐND TP, góp ý cho hai dự luật về đặc khu và Luật An ninh mạng.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên