Ông Aabid Surti, người sáng lập tổ chức Drop Dead Foundation - Ảnh: Superaalifragilistic |
Ông Aabid Surti được xem là một cá tính lạ lùng. Vài năm trước, khi được mời tới gặp tổng thống Ấn Độ để nhận một giải thưởng quốc gia về văn chương tại một buổi lễ ở thủ đô New Delhi, ông lịch thiệp từ chối với lý do bận quá, không có thời gian.
Bảy năm qua, chủ nhật nào ông cũng dành thời gian đi tới từng căn nhà ở vùng Mira Road, ngoại ô thành phố Mumbai, Ấn Độ hỏi xem người ta có cái vòi nước hỏng nào cần ông sửa miễn phí không.
Trong 9 năm qua, tổ chức phi lợi nhuận có tên Drop Dead Foundation (DDF) của ông đã ghé thăm 13.000 hộ gia đình ở vùng ngoại ô của thành phố Mumbai sửa chữa gần 3.500 vòi nước hỏng, giúp tiết kiệm được hàng triệu mét khối nước.
Chuyện những cái vòi nước bị rò rỉ, hỏng hóc tại hầu hết các gia đình trung lưu ở Ấn Độ thường bị phớt lờ. Lý do là vì việc thuê một người thợ sửa đắt gấp 200 - 500 lần so với tiền mua mới một bộ phận bị hỏng cần thay. Tuy nhiên khi nghe lý do đó, thoạt đầu ông Aabid Surti không bận tâm.
Phải tới đầu năm 2007, khi đọc được một thống kê cho biết mỗi tháng một vòi nước rò rỉ sẽ làm lãng phí khoảng 1.000 lít nước, ông Surti thấy mình đã có lý do xác đáng để hành động. Ông nói: “Tôi vẫn luôn ám ảnh về chuyện mọi người có thể chết vì thiếu nước và điều đó có thể xảy ra vì sự lãng phí. Vậy nên tổ chức DDF ra đời”.
Ông Surti bắt đầu thuê một người thợ sửa ống nước và cùng họ ghé thăm nhà của bạn bè, người thân. Sau đó, ông đưa người thợ này tới các tòa nhà dân cư gần đó và sửa miễn phí những vòi nước hỏng.
Là tác giả của khoảng 80 đầu sách và có chuyên môn trong lĩnh vực hội họa, nhưng ông Surti không phải là người dư giả về kinh tế. Khi bắt tay vào công việc này, thoạt đầu ông cũng vướng phải khó khăn về tài chính.
Nhưng như một sự tình cờ thú vị, đúng lúc cần tiền nhất cho DDF thì ông lại nhận được giải thưởng Hindi Sahitya Sansthan ghi nhận thành tựu trọn đời cho sự nghiệp văn chương của ông và được tặng thưởng 1.500 USD.
Cụ ông 70 tuổi vui vẻ nói: “Tôi luôn thấy là khi chọn làm một điều gì đó không phải vì bản thân mình, Chúa sẽ luôn giúp anh về mặt tiền bạc và cả thế giới cũng sẽ giúp anh. Tôi thấy là bất cứ khi nào tôi cạn tiền để lo cho DDF, lập tức tôi sẽ lại nhận được một khoản tiền thưởng nào đó hoặc có một nhà tài trợ tận tâm nào đó giúp đỡ”.
Người thợ in đầu tiên giúp ông in các tờ rơi thông tin về công việc của DDF từ chối lấy tiền công. Người thợ sửa ống nước đầu tiên ông thuê sửa chữa cũng không chịu nhận thù lao. Cứ thế, còn nhiều người khác sẵn sàng giúp ông công việc một cách vui vẻ.
Anh Kailash Kumar, một người thợ sửa ống nước hiện đang giúp việc cho ông Surti, chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui khi làm việc này. Nó chỉ mất hai đến ba tiếng mỗi tuần, tại sao tôi lại lấy tiền công chứ. Ông ấy khiến tôi nhận ra là ai cũng có thể góp sức mình để làm cho xã hội tốt đẹp hơn”.
Từ sự khởi xướng của ông, chị Archana Singh - phó giáo sư tại Viện công nghệ Kamla Nehru ở thành phố Sultanpur, Ấn Độ - đã liên lạc với ông Surti qua Facebook năm 2010. Năm ngoái, chị Singh đã mời ông Surti tới trường mình để nói chuyện với sinh viên.
Kết quả của cuộc nói chuyện này là sự ra đời của Water Warriors, một tổ chức của sinh viên với mô hình hoạt động giống như DDF, sửa chữa miễn phí vòi nước hỏng ở thành phố Sultanpur.
Chia sẻ về mục đích công việc của mình, ông Surti bảo rằng ông chỉ muốn giúp mọi người nhận ra là việc cho đi rất đơn giản. Ai cũng có thể tạo ra sự khác biệt, ngay cả chỉ với một công việc mà ông khiêm tốn nói là “nó chỉ tốn của tôi mỗi tuần vài tiếng đồng hồ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận