20/09/2011 05:34 GMT+7

Cũ người, mới ta

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Ông Vũ Dương Ngọc Duy, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử Tân Bình (VTB), đang rất “rối ruột” với thông tư quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử do Bộ Công thương ban hành, có hiệu lực ngày 23-9.

Không chỉ ông Duy, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử trong nước hoặc các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang “ngồi trên lửa” bởi hầu hết vẫn áp dụng công nghệ cũ.

Quy định này có vẻ “lạc hậu” với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng hiện lại gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Đạo - phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử Samsung Vina, nhiều công ty sản xuất điện tử lớn đã áp dụng phương pháp hàn không chì từ lâu nay.

Đây là điều cần thiết phải làm và khuyến khích áp dụng vì người thụ hưởng không ai khác chính là người tiêu dùng. Đặc biệt, cái lợi lớn hơn là môi trường cho tương lai sau này không bị các chất thải độc hại rắn “giết” chết lần mòn.

Dù đồng ý quan điểm trên và cho rằng việc áp dụng quy định mới của bộ là “hết sức cần thiết”, nhưng ông Duy cũng xác nhận một thực trạng: các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ rất ngại, hoặc không có điều kiện để khống chế các thành phần độc tố trong sản phẩm của mình. Bởi việc tăng chi phí vật tư cũng như phải thay đổi dây chuyền lắp ráp để phù hợp quy định mới (so với các vật tư có độc tố thì các vật tư không chứa độc tố thường đắt hơn) - đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - là điều không dễ dàng gì.

Chưa kể, mỗi đơn hàng nhập khẩu linh kiện, thiết bị ít nhất vài tuần, thậm chí vài tháng mới đến VN, trong khi thông tư yêu cầu áp dụng từ ngày 23-9 sẽ gặp không ít khó khăn do đơn hàng đã lỡ ký nên không thể xoay trở kịp. Mặt khác, để đầu tư công nghệ hàn mới (trong đó hàm lượng chì còn không đáng kể, chủ yếu là thiếc) tối thiểu phải bỏ ra hàng chục ngàn USD/dây chuyền, chưa kể nếu mua bo mạch điện tử có hàm lượng chì thấp thì giá đắt ít nhất gấp ba lần so với bo mạch điện tử có hàm lượng chì cao...

Dù mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường, nhưng với trình độ công nghệ như hiện nay của các doanh nghiệp trong nước, cũng cần phải có thời gian để doanh nghiệp thay đổi. Vì suy cho cùng, quy định nào cũng cần gắn liền với thực tế và có lộ trình phù hợp cho các bước chuyển đổi. Mà điều này doanh nghiệp rất cần tầm nhìn dài hơi của nhà quản lý.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên