Phóng to |
Bà Đức tại Đoàn luật sư TP Hà Nội - Ảnh: T.L. |
Một ngày cuối tháng 7, bà Đức đến Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội với rất nhiều giấy tờ, hồ sơ.... TP.HCM có rất nhiều luật sư, nhưng không biết nghe người quen giới thiệu sao đó, bà Đức lặn lội hơn ngàn cây số ra tận Hà Nội để thuê luật sư, cuối cùng mọi việc không thành phải đến báo Tuổi Trẻ cầu cứu. Nghe chuyện của bà Đức, khó ai có thể tưởng tượng được giữa thời buổi này mà bà lại dễ tin người đến thế, để rồi phải khốn khổ đến như thế khi không hiểu luật...
Đi xa cả ngàn kilômet vì tin người
Bản án sơ thẩm ngày 10-5-2011 của TAND huyện Hóc Môn thể hiện: năm 1957, cha của bà Đức mua mảnh đất rộng 20.000m² tại huyện Hóc Môn và cất nhà trên phần đất ấy. Do che giấu cách mạng không tiện đứng tên nên ông đã nhờ em gái tên là Lượng đứng tên giùm. Người em gái này có thời gian tu tại chùa H nên đã làm giấy cúng dường mảnh đất ấy cho chùa sử dụng làm nghĩa trang từ năm 1957 đến nay. Nay cả cha mẹ bà Đức lẫn bà Lượng đều đã mất, bà Đức khởi kiện yêu cầu chùa H trả lại đất cho bà vì bà là thừa kế duy nhất.
Án sơ thẩm của TAND huyện Hóc Môn và phúc thẩm của TAND TP.HCM đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Đức. Các chứng cứ bà Đức cung cấp như cuốn nhật ký của cha bà viết năm 1957 ghi lại việc ông vừa mua mảnh đất mới, cất nhà và chuyển vợ con tới ở, giấy chứng nhận của hội đồng xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) ghi cha bà Đức có một căn nhà xây cất trên phần đất 20.000m²... đều không được tòa chấp nhận.
Thua kiện ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, hành trình gian nan của bà Đức mới bắt đầu. Được một người quen giới thiệu, bà ra tận Hà Nội thuê luật sư làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm. Tôi hỏi: “Ở Sài Gòn nhiều luật sư thế sao bà không thuê, ra Hà Nội cho tốn kém?”. Bà Đức hồn nhiên bảo: “Thì tui đâu có biết, nghe giới thiệu nghĩ luật sư ngoài này tốt nên ra”.
Vay 10 triệu đồng lãi nóng, bà mang ra Hà Nội đặt cọc cho luật sư. Từ năm 2012 đến nay, bà đã ra Hà Nội tám lần. Lần thì luật sư gọi ra làm giấy ủy quyền, lần thì đợi kết quả nóng ruột quá, bà lại đón tàu hỏa ra... Mỗi lần bà từ Sài Gòn ra Hà Nội, nghe chuyện ai trên tàu thấy cũng thương, người cho gói xôi, bắp ngô để bà được no bụng.
Bán nhà chỉ nhận 4,5 triệu đồng!
Từ hơn một năm nay, luật sư nhận hồ sơ của bà nhưng vẫn bảo đang... nghiên cứu, đơn kháng nghị cho bà vẫn chưa được gửi đến tòa tối cao. Lần gần đây nhất bà ra Hà Nội bảo với luật sư nếu không làm nữa thì trả giấy tờ bản chính lại cho bà, luật sư nghe vậy liền đòi thêm 20 triệu đồng tiền... nghiên cứu hồ sơ mới trả tài liệu.
Bà Đức buồn rầu nói: “Tui thua kiện, tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc, đến nỗi con cái nói không được giờ nó bỏ tui hết trơn rồi”. 10 triệu vay lãi nóng từ năm ngoái, nay đã sinh lời đến con số 40 triệu đồng. Nhưng sự rắc rối chỉ mới bắt đầu. Bà Đức lại nghe một người quen hứa cho vay 100 triệu đồng để trả lãi nóng và có tiền theo đuổi vụ kiện, đổi lại bà phải ký hợp đồng thế chấp nhà. Bà bảo: “Họ nói tui ký vào giấy bán nhà 1 tỉ, rồi họ trả lãi nóng cho tui, chỉ đưa tui có 4,5 triệu. Khi nào có 100 triệu thì được chuộc giấy tờ nhà về”.
Linh cảm chuyện không lành, tôi bảo bà về gấp TP.HCM, giới thiệu cho bà một luật sư tin cậy rồi làm đơn cho bà đi trích lục ở phòng công chứng xem bà đã ký vào giấy tờ gì. Vài hôm sau, luật sư gửi cho tôi hợp đồng công chứng bà đã bán căn nhà còn lại ở Q.10 cho một người tại Phòng công chứng số 2 với giá 1 tỉ (nhưng thực chất chỉ được nhận 4,5 triệu đồng). Đến lúc này bà vẫn bảo: “Tui có mất nhà không cô? Anh kia (người mua nhà - chú thích của PV) nói không chiếm nhà của tui, mỗi tháng tui vẫn đóng 3 triệu tiền lãi. Ảnh nói khi nào tui có tiền trả nợ thì sẽ trả lại nhà cho tui”.
Tôi nhận ra bà Đức rất tin người, ai khuyên gì bà đều tin, không chút nghi ngờ. Bảo bà già rồi, kiện hai cấp đã thua rồi, kiện làm gì nữa cho mệt người, bà Đức nói: “Tui không tham của làm gì, nhưng tài sản của ba tui, đòi lại được rồi bán, làm từ thiện tui cũng không tiếc. Tui đã làm đơn xin hiến xác cho y học, nói mấy đứa con khỏi làm đám ma cho tui khi chết, để tiền đó tui theo đuổi vụ kiện”. Lần gần đây nhất, bà lại gọi điện cho tôi bảo: “Tuần sau tui ra Hà Nội, cô tới tòa tối cao với tui nghen! Tui tới hỏi xem kết quả đơn xin giám đốc thẩm thế nào, tui nóng ruột quá!”. Bà chỉ mới gửi đơn cách đây vài tháng. Tôi nói với bà là rất lâu, có khi phải đợi 3-4 năm, bà đi lại làm gì cho tốn kém. Bà nghe một hồi, dường như đã hiểu chuyện liền nói: “Vậy tui nghe cô, mai mốt cô ghé tòa tối cao ở Đội Cấn hỏi giùm tui xem kết quả thế nào nghen!”.
Bà Đức theo đuổi vụ kiện đã gần chục năm nay. Con cái giờ mệt mỏi, không can thiệp vô chuyện của bà nữa. Bà cũng đã già yếu. Thế mà con đường bà đi cứ hết khúc quanh này đến khúc quanh khác, mãi không có điểm dừng. Tôi đã nhờ một luật sư ở TP.HCM làm các thủ tục cần thiết để gửi bổ sung hồ sơ xin xem xét giám đốc thẩm cho bà, và theo dõi giúp hợp đồng thế chấp nhà của bà. Chỉ mong và hi vọng bà Đức không bị mất ngôi nhà duy nhất mà bà và chồng đang ở!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận