Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các tình nguyện viên và các sư bếp ăn Tường Nguyên ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG
Theo quyết định do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành, Chính phủ chấp thuận hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 Luật đấu thầu, đối với việc mua bổ sung xấp xỉ 20 triệu liều vắc xin Pfizer.
Trong quyết định này, Chính phủ giao Bộ Y tế tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật để có vắc xin sớm nhất có thể, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Với 2 hợp đồng ký cho đến nay, Việt Nam sẽ mua tổng cộng 51 triệu liều Pfizer, vắc xin đã về hằng tuần từ tháng 7 vừa qua (với số lượng riêng quý 3 khoảng 3 triệu liều, còn lại về trong quý 4). Gần 20 triệu liều mua bổ sung này là vắc xin dành cho trẻ vị thành niên 12-17 tuổi.
Như vậy đến cuối năm 2021, Việt Nam có thể sẽ triển khai tiêm ngừa cho nhóm tuổi này. Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 9 triệu trẻ 12-17 tuổi.
Cùng ngày, Sở Nội vụ TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND TP, đề nghị khẩn trương có sự phân chia khu vực trên địa bàn, đảm bảo liên thông quy trình điều trị COVID-19 từ lúc phát hiện ca cấp cứu, tiếp nhận, chuyển viện giữa 3 tầng điều trị trên địa bàn, không để người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Sắp xếp nguồn nhân lực y tế, đảm bảo vận hành hiệu quả, tập trung nguồn nhân lực cho điều trị, kéo giảm tử vong. Kêu gọi các tổ chức cá nhân, tư nhân tham gia chống dịch.
Các cơ quan, đơn vị tại TP.HCM chỉ bố trí lực lượng làm việc tại cơ quan đảm bảo duy trì hoạt động đơn vị theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" theo hình thức luân phiên hằng tuần, chỉ giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến.
TP.HCM tăng tốc lập trạm y tế lưu động chăm sóc F0
Chỉ sau 1 ngày triển khai kế hoạch, ngành y tế TP.HCM đã thiết lập được 6 trạm y tế lưu động nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe của các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà kịp thời hơn.
Trong số 6 trạm có 1 trạm ở quận 3 và 5 trạm ở quận 7. Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết dự kiến ngày 21-8 sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 6 trạm y tế lưu động ở Bình Chánh và 1 trạm ở quận 6.
Ngành y tế TP.HCM dự kiến trong thời gian tới sẽ có trên 180.000 ca F0 điều trị tại nhà và sẽ phải thiết lập gần 400 trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho các F0 này.
Nhằm đảm bảo bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng, Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn tất đầy đủ việc tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho những người trên 65 tuổi.
Theo đó, sẽ có hơn 146.000 liều vắc xin được phân bổ cho TP Thủ Đức và các quận huyện để tổ chức tiêm cho người trên 65 tuổi.
Đồng Nai: Tiêm vắc xin cho người dân trong vùng dịch, nghiêm cấm thu tiền
Chiều 20-8, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho hay đã huy động toàn bộ điểm tiêm chủng thuộc hệ thống y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh để tiếp tục tổ chức tiêm 265.000 liều vắc xin (gồm 250.000 liều AstraZeneca và trên 15.000 liều Pfizer) vừa được Bộ Y tế phân bổ.
Từ ngày 21 đến 27-8, số vắc xin trên phần lớn ưu tiên tiêm mũi 1 cho những người đang sống trong 6 vùng dịch có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) ở các xã, phường, thị trấn thuộc TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch.
Các cơ sở tiêm chủng cũng sẽ tổ chức tiêm vắc xin mũi 1, bổ sung mũi 2 cho lực lượng tham gia chống dịch, người lao động đang làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu và người lao động đang làm việc ở 928 doanh nghiệp đang thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ"...
Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết nghiêm cấm việc thu tiền của người dân đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 với bất kỳ hình thức nào. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin này được miễn phí từ các nguồn do Bộ Y tế phân bổ.
Việc tiêm chủng vắc xin phải bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng. Thông tin người dân phản ảnh đi tiêm vắc xin có hiện tượng đóng tiền từ 1-2 triệu đồng, nhưng xác minh chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm.
Thuốc trị COVID-19 của AstraZeneca có kết quả thử nghiệm khả quan
Ngày 20-8, Hãng dược AstraZeneca công bố kết quả thử nghiệm khả quan một loại thuốc trị COVID-19, bổ sung công cụ quan trọng vào kho vũ khí chống đại dịch.
Theo Hãng tin Reuters, thuốc AZD7442 trị COVID-19 của AstraZeneca giúp giảm 77% nguy cơ xuất hiện triệu chứng bệnh và không ghi nhận ca bệnh nặng nào trong thử nghiệm trên hơn 5.000 người.
Cùng ngày, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU hy vọng Novavax sẽ nộp dữ liệu cần thiết để có thể phê duyệt vắc xin COVID-19 của hãng này vào tháng 10. Công ty công nghệ sinh học Mỹ này đã ký thỏa thuận cung cấp 200 triệu liều vắc xin cho EU. Công nghệ vắc xin COVID-19 của Novavax kết hợp cả kỹ thuật mới và cũ, và là vắc xin dựa trên protein.
Tính đến ngày 21-8, thế giới đã có hơn 211 triệu người bệnh và hơn 4,4 triệu ca tử vong do COVID-19. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất, với hơn 38,3 triệu ca. Kế đến là Ấn Độ (hơn 32,3 triệu ca) và Brazil (hơn 20,5 triệu ca).
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 20-8, tổng số ca bệnh ở Thái Lan đã vượt mốc 1 triệu ca. Malaysia và Philippines cũng có kỷ lục về ca mắc mới.
Theo Reuters ngày 20-8, Thái Lan ghi nhận thêm 19.851 ca bệnh và 240 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch ở nước này lên 1.009.710 ca, trong đó có 8.826 ca tử vong.
Cùng ngày, Malaysia công bố thêm 23.564 ca bệnh trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch, và 233 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1,51 triệu ca, trong đó có 13.713 ca tử vong. Philippines cũng ghi nhận thêm 17.231 ca bệnh và 317 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh lên 1,8 triệu ca, trong đó có 31.198 ca tử vong. (ANH THƯ)
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận