22/07/2021 14:42 GMT+7

COVID-19 khiến công tác tổ chức Olympic Tokyo tốn kém nhất lịch sử

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Chi phí tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo ước tính đã tăng từ 294 tỉ yên (2,67 tỉ USD) lên gần 1.644 tỉ yên (14,9 tỉ USD), sánh ngang kỳ Olympic London 2012 tốn kém nhất trong lịch sử.

COVID-19 khiến công tác tổ chức Olympic Tokyo tốn kém nhất lịch sử - Ảnh 1.

Biểu tượng Olympic tại khu vực sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: cnn.com

Tờ Nikkei đưa tin, theo bản báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, chi phí trung bình của các kỳ Thế vận hội mùa hè tổ chức trong khoảng thời gian từ 1960 tới 2016 – bao gồm cả Paralympic – là 6 t USD.

Tuy nhiên, Olympic Tokyo 2020 - vốn bị trì hoãn 1 năm vì đại dịch COVID-19 bùng phát - nhiều khả năng sẽ tốn kém gấp nhiều lần bởi tác động của dịch bệnh và những khoản chi tiêu không thể lường trước. Trước đó, chi phí tổ chức Olympic London 2012 là 14,8 tỉ USD.

Kể từ năm 2016 đến nay, cứ vào tháng 12, Ủy ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic đều công bố các khoản chi phí liên quan đến sự kiện này. Trong thông báo vào tháng 12 năm ngoái, ủy ban đã bổ sung khoản ngân sách phòng chống lây nhiễm COVID-19 là 96 tỉ yên.

Khoản tiền đó đã gồm cả 16 tỉ yên của chính phủ để thiết lập một hệ thống kiểm tra đối với vận động viên và những người có liên quan đến Thế vận hội, bao gồm thuê nhân lực xét nghiệm PCR và nâng cấp các trung tâm lấy mẫu xét nghiệm.

80 tỉ yên còn lại của nguồn chi phí bổ sung sẽ được chia đều cho chính phủ và chính quyền thủ đô Tokyo để triển khai các biện pháp chống COVID-19 khác. Số tiền này sẽ được sử dụng để kiểm soát lây nhiễm và khử trùng tại Làng Olympic cùng khu căng tin.

Bên cạnh những biện pháp phòng dịch bổ sung này, chi phí cho hầu hết các hạng mục hiện có trong ngân sách năm 2020 đã tăng lên. Ví dụ, ngân sách "các hoạt động" cho thấy phí quản lý Làng Olympic đã tăng 54 tỉ yên, chưa kể đến các khoản tiền phụ trội vì phải kéo dài thời gian thuê cũng như chi phí cung cấp dịch vụ y tế.

Việc gia hạn hợp đồng thuê phương tiện, vận hành hệ thống video giám sát và thuê nhân lực bên ngoài vận hành hệ thống bán vé đều có chi phí phát sinh. Phí hoàn lại tiền bán vé cũng sẽ tăng lên. Nguồn chi phí dành cho thiết bị điện và các loại thiết bị khác sẽ tăng thêm 20 tỉ yên do phải lắp đặt lại sau khi Thế vận hội bị hoãn vào năm ngoái.

Kể từ khi ủy ban công bố triển vọng thu và chi hồi tháng 12/2020, nguồn thu dự kiến từ khán giả đã thay đổi đáng kể. Tháng 3/2021, ban tổ chức quyết định không đón khán giả quốc tế đến tham dự. Đến tháng 7/2021, họ lại quyết định không cho những người hâm mộ đến từ các thành phố lớn trong nước, trong đó có cả Tokyo, được vào sân xem thi đấu.

Ban đầu, ủy ban có kế hoạch phát hành khoảng 630.000 vé cho khán giả nước ngoài đến xem Olympic và Paralympic. Hy vọng về nguồn doanh thu từ bán vé ước tính đạt 90 tỉ yên đã tan thành mây khói. Điều này đặt ra câu hỏi rằng ai sẽ là người bù đắp khoản thiếu hụt trên.

'Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực cắt giảm chi phí để tổ chức sự kiện trong phạm vi ngân sách của mình. Nhưng nếu chúng tôi vẫn không trang trải được chi phí sau những nỗ lực đó, chúng tôi sẽ đàm phán với Ủy ban Olympic Quốc tế, Chính quyền Thủ đô Tokyo, chính phủ quốc gia và các bên liên quan về cách chia sẻ chi phí', một quan chức ủy ban cho biết.

Vấn đề chia sẻ chi phí sẽ là một trọng tâm thảo luận trong thời gian tới bởi lẽ khoản thiếu hụt lớn từ doanh thu bán vé là điều khó tránh khỏi.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên