20/11/2017 16:48 GMT+7

Cốt cách một nhà giáo

PHAN LAM
PHAN LAM

TTO - Ông giáo Hòa ngồi đó rất lâu. Trầm mặc và uy nghiêm. Đến gần độ giấc trưa, ông cúi người thực hiện nghi thức thiêng liêng mà suốt mấy chục năm qua ông vẫn làm…

Cốt cách một nhà giáo - Ảnh 1.

Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh khắc sâu nhất về ông giáo Hòa là mỗi dịp vào Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, ông đều đến nhà tôi từ rất sớm. Ông đạp chiếc xe đạp cũ màu xám tro, diện comple giày tây đen chỉnh tề.

Nghi thức thiêng liêng

Ông lặng lẽ bước vào, từ tốn đưa cho cha tôi túi trái cây để thắp hương. Sau khi gập người trước bàn thờ như thể báo với mẹ tôi rằng mình đã đến, ông trở lại chiếc ghế gỗ quen thuộc. 

Rồi ông lặng lẽ hút thuốc. Cho đến khi gói thuốc đã vơi nửa, thể nào ông cũng nhờ cha lấy ra từ trong tủ mấy tấm hình và cuốn sổ cũ màu vàng kim. Cha tôi sẽ nhẹ nhàng đặt lên bàn và lùi vào trong nhà sau để ông giáo tiếp tục ở lại với thế giới riêng của mình. 

Những bức hình của mẹ thì tôi đã được xem, nhưng về cuốn sổ thì cha không cho tôi biết. Tôi vẫn không thôi thắc mắc về những gì viết trong đó.

Ông giáo Hòa sẽ cầm từng bức hình, ngắm nhìn thật lâu rồi đặt xuống bàn. Sau đó ông lần giở từng trang trong cuốn sổ đọc say sưa. Chốc chốc lại dừng lại, nheo nheo đôi mắt.

Đến gần độ giấc trưa, ông tiến tới bàn thờ của mẹ tôi, chỉnh trang lại trang phục. Sau đó ông thực hiện nghi thức, đối với tôi là rất thiêng liêng. 

Tôi gọi đó là nghi thức bởi bao nhiêu năm vẫn vậy, tất cả theo một trình tự: cẩn thận và chính xác đến từng chi tiết. Chưa bao giờ ông bỏ quên một bước nào từ lúc tới nhà tôi cho đến khi ra về.

Đầu tiên, ông rút ba nén nhang - loại nhang trầm có in hình hoa sen mà ông tự mang đến - nghiêng nghiêng mái đầu, cầm quẹt đốt cho nhang bắt lửa. Sau đó, ông đưa tay lên chắp, rồi nhắm nghiền mắt khấn nguyện điều gì đó rất lâu.

Ông vái ba lạy, trịnh trọng cắm nén nhang vào bát hương, chỉnh sửa lại khung ảnh một chút cho ngay ngắn, rồi đứng lặng một hồi lâu. Mọi động tác, cử chỉ đều diễn ra chậm rãi và nâng niu. 

Gương mặt ông gần như ít khi thay đổi sắc thái, cứ đau đáu và trầm mặc trong không gian lặng yên tuyệt đối.

Ông trở lại chỗ ngồi, hút thêm điếu thuốc chờ cho nhang cháy hết. Trong thời gian ấy, cha tôi sẽ ra nói chuyện một lát, trước khi ông tạm biệt ra về.

Ông không bao giờ nhận lời ở lại ăn cơm trưa với gia đình mặc dù được mời thế nào. Cái cách ông rời đi cũng như khi đến rất lặng lẽ: gật đầu chào nhẹ, xin phép gia chủ rồi từ tốn bước ra phía cổng.

Chỉ khi chiếc bóng của ông trên chiếc xe đạp khuất dạng, tôi mới dám chạy đến ngoái theo. Đứa trẻ trong tôi có cảm giác gì đó rất lạ, rất gần gũi không thể lý giải được. Chỉ biết mỗi lần như vậy tôi đều rất vui vì được chứng kiến trọn vẹn nghi thức đặc biệt ấy…

Hồi ức của ông giáo Hòa

"Đó là những năm sau giải phóng, chúng tôi được phân công về dạy ở xí nghiệp Liên hiệp 600. Ngày đó mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng một điều ai cũng cảm thấy mình dư dả là niềm tin và tình thương. Cả trường chỉ có 6 lớp học. Tôi và cô giáo Chính phụ trách lớp ghép khối 4 và 5 theo ba ca: sáng chiều tối" - ông giáo Hòa chậm rãi nhớ lại.

Cô giáo Chính được ông nhắc đến là mẹ tôi. Hồi đó, ông và mẹ cũng như bao thầy cô khác ở chung trong khu tập thể giáo viên. Đồng lương bèo bọt, bấp bênh nên cuộc sống của những người trong ngành sư phạm rất khó khăn. 

Ông hóm hỉnh bảo chẳng thế mà người ta hay truyền tai nhau nghe câu: "Muốn sang thì lấy thợ điện / Muốn diện thì lấy thợ may / Ăn mày thì lấy thầy giáo".

Dừng lại hồi lâu, ông giáo Hòa tiếp:"Cô giáo Chính khi đó chịu khó lắm, dành dụm tiền mua được cái máy may của Tiệp Khắc. Sáng lên lớp dạy, tối về nhà chấm bài, nửa đêm lại cặm cụi lấy máy ra sửa đồ cho người dân quanh đó kiếm đồng ra đồng vào. 

Chúng tôi chịu ơn cô giáo Chính, nhờ cô mà mấy anh em giáo viên cải thiện được thêm bữa ăn. Cũng nhờ cô Chính mà tôi mới lấy bà nhà tôi bây giờ".

Ông kể có lúc vì thương học trò nghèo, mấy thầy cô chịu nhịn đói, nấu nồi cháo lớn để "tụi nó quây quần, xúm xít lại, nhìn mà thương". 

Giáo viên nghèo chẳng thể trông chờ mãi vào đồng lương, làm đủ thứ nghề để đổi lấy mấy cân gạo, bo bo, mì vụn, bột sắn…đắp đổi qua ngày.

Sau này khi cuộc sống ổn định hơn và có với cha tôi 4 mặt con thì mẹ qua đời vì ung thư. Ông giáo Hòa tiếp tục làm giáo viên tiểu học thêm một vài năm thì đến tuổi nghỉ hưu. 

Tình cảm gắn bó đồng nghiệp cũng như những mối liên hệ, ký ức giữa ông và mẹ đến tận sau này tôi mới được biết đến nhiều hơn qua những lời kể…

Cuộc gặp gỡ sau hai mươi năm

Khi tôi học cấp ba, rồi học đại học ở xa không có dịp về thường xuyên, tôi nghe cha kể ông giáo Hòa vẫn đến nhà vào ngày 20-11 như thường lệ. Đa phần là ông tự đạp xe như lúc trước, nhưng sau này do sức khỏe yếu nên phải nhờ người cháu gái chở đến.

Có đợt khi tôi về nhà vào đúng ngày nhà giáo thì không thấy ông đến nữa. Lúc đó mới hay tin sức khỏe ông đã yếu và giờ chỉ ngồi một chỗ, không đi đâu xa được nữa. 

Tôi đánh bạo xin cha được phép đến thăm ông giáo. Cha bảo tôi mang theo chiếc hộp đựng cuốn sổ và những bức hình, dặn phải trao tận tay.

Tôi vâng lời đến nhà ông vào buổi chiều tà. Trong căn nhà gỗ nhỏ, tôi ngồi cạnh bên ông, có đôi chút hồi hộp. Ông nói nhỏ nhẹ, giọng thở hơi gấp nhưng mang lại cảm giác bình yên và nhẹ nhõm. 

Biết tôi là con cô giáo Chính, ông nhìn tôi hồi lâu, lặng lẽ nhấp một ngụm trà, hơi tựa người vào thành ghế và bắt đầu những câu chuyện.

Ông kể lại những hồi ức cũ về mẹ tôi, về những người đồng nghiệp của ông thời còn đi dạy. Ông nhắc thêm về những người con, người cháu của mình hiện giờ vẫn đang bám trụ với nghề giáo. 

Lúc ấy, ánh mắt ông ánh lên hạnh phúc, đôi vai run run từng đợt. Chắc phải rất lâu rồi mới mới có người ngồi nghe hết những chia sẻ, nên nhìn ông vui lắm.

Tôi cảm nhận được cốt cách của ông giáo làng xưa trong ông không bao giờ mất đi: trầm lặng, sâu sắc và tình cảm biết bao. 

Tôi thủ thỉ với ông đôi câu chuyện về cuộc sống và lựa chọn của giới trẻ bây giờ. Ông hơi rướn người lên, chăm chú vào câu chuyện khiến tôi bất ngờ và xúc động. 

Đối với tôi, khi được cầm lấy bàn tay gầy guộc ấy, nói hết suy nghĩ, thể hiện hết tình cảm với một người thầy tận tụy như vậy thật đặc biệt và trân quý.

Dù ông chưa trực tiếp dạy tôi giờ phút nào, nhưng tôi vẫn luôn coi ông là một người thầy lớn. Bài học làm người tử tế, tình cảm sâu nặng và thấu hiểu giá trị của sự biết ơn là một trong những tài sản đáng giá nhất mà ông đã giúp tôi nhận ra. 

Cảm ơn ông - một nhà giáo mẫu mực, một cốt cách đáng kính trọng!

Người mẹ thứ hai

Người mẹ được nhắc trong bài viết không phải là mẹ ruột của tôi, nhưng là người tôi kính trọng và yêu mến. Đó là người vợ trước của cha tôi.

Tôi chưa hề biết mặt bà nhưng qua những câu chuyện của cha và ông giáo Hòa, trong lòng tôi vẫn coi đó là người mẹ thứ hai trong cuộc đời này. Cho đến bây giờ khi nghĩ đến và đứng trước di ảnh của mẹ, tôi vẫn gọi bằng hai tiếng thân thương: Mẹ già!

PHAN LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên