17/09/2009 06:04 GMT+7

Cọp sổng chuồng, chủ nhân đi tù!

H.H.T.
H.H.T.

TT - Dĩ nhiên chuyện đó không phải ở VN mà là ở Nhật. Một bạn đọc đã cất công tìm hiểu các quy định về việc nuôi động vật hoang dã ở Nhật, nhằm góp thêm cho câu chuyện đang thả nổi trong quản lý nuôi thú dữ ở VN.

FnKyHsjx.jpgPhóng to

Du khách xem sư tử ở khu du lịch Đại Nam. Nếu theo quy định ở Nhật, chuồng này không đạt chuẩn vì chỉ mới bao quanh mà phía trên còn để trống - Ảnh: H.T.Vân

Hổ không phải... mèo!Hổ ở khu du lịch Đại Nam cắn chết ngườiBài học lớn trong nuôi thú dữKhu nuôi hổ chưa đạt mức an toànChưa có quy chuẩn nuôi động vật hoang dã

Chuyện hổ vồ chết người ở Nhật chưa bao giờ có. Nhưng vào năm 1979, tại TP Chiba đã xảy ra một vụ hổ sổng chuồng và xơi tái một con chó của hàng xóm. Hậu quả, chủ nhân của con hổ ấy đã bị phạt một khoản tiền lớn cùng với việc phải ngồi tù sáu tháng. Chưa kể thị trưởng TP Chiba lúc bấy giờ cũng xấc bấc xang bang với dư luận báo chí vì quy định ở Nhật là người đứng đầu TP, tỉnh ký giấy phép cho tư nhân nuôi thú dữ.

Vào trang web của Bộ Môi trường Nhật Bản (www.env.go.jp/nature/dobutsu/aigo), bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các quy định nghiêm ngặt về việc cá nhân nuôi động vật hoang dã như thế nào. Luật này ra đời từ năm 1973 và liên tục được cập nhật cho phù hợp thực tế, bởi khoảng năm năm gần đây phong trào nuôi động vật hoang dã trở nên khá phổ biến tại Nhật.

Lần cập nhật mới nhất là vào năm 2006. Theo đó, danh sách vật nuôi đã lên đến 600 loài, và mỗi loài như vậy đều có những hướng dẫn cụ thể về chuồng trại buộc người nuôi phải tuân thủ. Trong đó, người ta đặc biệt chú ý đến các loài thú dữ ăn thịt như hổ, sư tử, gấu, báo, đại bàng, cá sấu, rắn...

Trong các quy định về chuồng trại khi nuôi các loại động vật nguy hiểm nêu trên, có thể tóm tắt ba vấn đề chính như sau:

1. Bên cạnh kích thước cụ thể và tối thiểu cho từng loài, điều được nhấn mạnh đặc biệt là yêu cầu không để vật nuôi vượt ra khỏi khu vực nuôi. Chuồng nuôi không chỉ được làm kiên cố bốn phía mà cả bên trên cũng phải rào kín, bên dưới đổ bêtông hoặc lưới thép. Về quy định này tôi thấy rất cần thiết áp dụng ngay tức thời ở VN, khi lâu nay thường xuyên xảy ra chuyện triều cường, lũ lụt khiến cá sấu thoát ra ngoài. Với quy định bao kín bốn phương tám hướng này, vật nuôi sẽ không thể thoát đi đâu được trong bất cứ trường hợp nào.

2. Chuồng trại nuôi thú dữ thường xuyên được kiểm tra định kỳ, nâng cấp, phải có biển báo thú dữ. Nhiều người quen của tôi ở Nhật cho biết việc quản lý chuồng trại nuôi thú dữ ở Nhật còn nghiêm ngặt hơn cả xây nhà ở cho con người!

3. Bắt buộc tất cả thú dữ được nuôi đều phải gắn chip nhận dạng.

Song song với các quy định cũng có các biện pháp chế tài cho các hành vi nuôi không phép, đút lót để xin giấy phép, xin giấy phép nuôi nơi này nhưng đem thú đến nuôi nơi khác, không kiểm tra định kỳ chuồng trại... với mức phạt cao nhất là tù giam sáu tháng và phạt tiền khoảng 5.000 USD.

Đọc báo tôi thấy thông tin từ một quan chức thuộc Cục Kiểm lâm cho biết tình hình nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã ở VN hiện khá nhiều, với hơn 1,6 triệu cá thể từ trên 70 loài. Vậy mà đến nay vẫn chưa có quy chuẩn nuôi động vật hoang dã là điều không thể hiểu nổi.

Tôi nghĩ không cần mất nhiều công sức cho việc xây dựng các quy chuẩn vì chỉ cần vào trang web của Bộ Môi trường Nhật Bản, dịch các quy định qua tiếng Việt là có thể tham khảo để áp dụng vào VN.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Ý kiến của bạn H.H.T rất đáng quan tâm và thực hiện. Nhưng việc có thể làm ngay, nhanh nhất là Cục Kiểm lâm hãy đến Thảo Cầm Viên TP.HCM tham khảo khảo việc nuôi động vật hoang dã. Ở đó, từ thời Pháp đã xây dựng một hệ thống chuồng trại rất an toàn cho thú và cho người tham quan.

* Để nghị quý báo dịch ra tiếng Việt các quy chuẩn của Bộ Môi trường Nhật Bản trong việc nuôi thú dữ, để tất cả người Việt hiểu rõ và góp thêm ý kiến tốt đẹp.

H.H.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên