Phóng to |
Tồn tại hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên, túi nilông có khả năng gây tắc nghẽn dòng chảy, ngăn chặn quá trình thẩm thấu của nước trong tự nhiên, cản trở phát triển của cây cỏ... Vì thế, cùng với nhiều nước trên thế giới, VN đã có nhiều chiến dịch cổ động người dân “nói không với túi nilông”, bằng cách chuyển sang sử dụng túi nilông tự hủy hoặc túi được sản xuất bằng những chất liệu khác thân thiện với môi trường.
Bà Đỗ Thị Thúy Hằng, phó giám đốc quản lý chất lượng của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết cách đây hơn một năm, lãnh đạo đơn vị này đã quyết định tìm sản phẩm thay thế túi nilông thông thường dùng bao gói hàng hóa cho khách hàng.
Một số đối tác trong và ngoài nước đã giới thiệu các sản phẩm túi nilông tự hủy, nhưng thực chất khả năng tự hủy của các sản phẩm này chỉ dừng ở mức tự phân rã thành các mảnh vụn chứ không thật sự biến mất khi thải ra môi trường. Trong khi đó, để không gây hại cho môi trường đòi hỏi sản phẩm phải có khả năng tự phân hủy sinh học, tức là tự phân rã và trở thành “mồi ngon” cho các vi sinh vật “chế biến” thành nước và khí CO2.
Một vài sản phẩm túi nilông nhập ngoại thỏa yêu cầu tự hủy sinh học nhưng lại quá đắt.
Tại cuộc họp hội đồng tư vấn tổ chức ngày 30-3, các nhà khoa học đến từ các trường đại học của TP.HCM như Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Công nghiệp, Đại học Bách khoa và Quỹ Tái chế chất thải TP đã xác định với hàm lượng chất phụ gia 1% nên khả năng gây độc hại không cao, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng loại túi sinh học này. |
Mãi đến tháng 2-2011, Công ty cổ phần bao bì Vafaco (TP.HCM) sản xuất thành công túi nilông tự hủy sinh học và được Saigon Co.op chọn làm đối tác cung cấp, để thí điểm thay thế túi nilông thông thường bằng túi tự hủy sinh học trong chuỗi 21 siêu thị tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Phước Đông - chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty cổ phần bao bì Vafaco - cho biết loại túi tự hủy sinh học do công ty sản xuất từ nhựa HDPE với “chìa khóa” là phụ gia reverte (nhập từ Anh).
Cơ chế tự hủy của loại túi này gồm hai giai đoạn: ở giai đoạn một, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời (hoặc nhiệt độ cao trên 50 độ C) liên tục trong 48 giờ, cấu trúc phân tử của túi sẽ bắt đầu tự phân rã và sau 3-9 tháng sẽ thành một dạng bột mịn. Lúc này các loại vi sinh, vi khuẩn và nấm mốc trong môi trường tự nhiên sẽ bắt đầu giai đoạn hai, ăn thứ bột ấy.
Điểm đáng lưu ý là trong điều kiện nhiệt độ bình thường, không tiếp xúc với ánh nắng, tuổi thọ của loại túi này là hai năm. Nghĩa là dù không sử dụng, chỉ chứa trong kho nhưng khi đủ hai năm kể từ ngày xuất xưởng túi bắt đầu quá trình tự phân rã, không còn hiệu quả sử dụng.
Lãnh đạo Saigon Co.op cho biết giá thành của loại túi tự hủy sinh học cao hơn túi thông thường khoảng 10%, tuy nhiên khoản chi phí tăng thêm này do Saigon Co.op tự trang trải và nhà sản xuất chia sẻ một phần, nên không ảnh hưởng đến giá hàng hóa bán cho khách hàng tại siêu thị.
Theo ông Nguyễn Phước Đông, hiện công suất sản xuất chỉ khoảng 130 tấn/tháng, nên Vafaco đang tính phương án nâng công suất nhà máy và mời các đối tác khác cùng tham gia sản xuất.
Hiện tại, việc thay thế túi nilông thông thường bằng túi tự hủy sinh học chỉ mới thí điểm tại TP.HCM để khách hàng làm quen, và khi nguồn cung dồi dào hơn sẽ chuyển sang sử dụng cho toàn bộ hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận